(PL)- Mấy ngày qua dư luận đặc biệt chú ý đến phiên xử sơ thẩm vụ xả súng khiến 16 người thương vong xảy ra tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông, nhất là mức hình phạt tử hình đối với bị cáo Đặng Văn Hiến.
Nhiều trang mạng xã hội Facebook đã gọi bị cáo Hiến là người khốn cùng vì bị cáo và nhiều hộ dân khác phạm tội trong hoàn cảnh bị đẩy vào con đường cùng.
Và người đẩy Hiến vào con đường ấy không ai khác là chính quyền địa phương, là sự tắc trách, vô cảm của những cán bộ, trong thời gian dài vì lý do nào đó đã không giải quyết được sự bức xúc giữa những người nông dân (trong đó có Hiến) với phía Công ty Long Sơn. Sự vô cảm và thiếu trách nhiệm ấy đã dồn ép người dân dẫn đến họ phải tìm cách phản kháng như lời khai của các bị cáo tại tòa.
Thật vậy, diễn biến tại phiên tòa cho thấy Công ty Long Sơn được UBND tỉnh giao đất năm 2008 nhưng phần lớn cây điều, cây cà phê của người dân bị san ủi qua giám định đều trên 11 năm tuổi. Các bị cáo cũng khai rằng mâu thuẫn giữa họ và phía công ty đã dai dẳng nhiều năm. Công ty nhiều lần huy động người đến cưỡng chế, san ủi cây trồng mà không bồi thường, hai bên nhiều lần xô xát, người dân đã nhiều lần kêu cứu nhưng không cơ quan nào giải quyết. Thậm chí sau khi gây án bị cáo Hiến đã chủ động liên hệ với luật sư, nhà báo để nhờ đưa ra đầu thú tại Bộ Công an mà không chịu đến công an địa phương vì đã mất niềm tin từ trước.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Đ. Dũng
Chính vì thế mà khi bào chữa một vị luật sư đã đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, xử lý cá nhân liên quan đến đã thiếu trách nhiệm trong việc “tháo ngòi nổ”, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Thậm chí còn có việc cơ quan quản lý đất đai ở tỉnh đã thiếu trách nhiệm khi cấp giấy đỏ cho Công ty Long Sơn chồng lên đất người dân vốn đã khai hoang canh tác trước đó hàng chục năm. Người ta có quyền nghi ngờ về việc này khi cuộc sống của người dân hiển hiện trên mảnh đất đó là có thật, nước mắt, mồ hôi của người khai hoang là có thật.
Nhưng phần nhận định của bản án đã khiến nhiều người thất vọng khi tòa cho rằng cơ quan điều tra đã tách vấn đề này ra và chuyển cho địa phương xem xét để xử lý nội bộ trách nhiệm của cán bộ từng cấp liên quan. Điều này có nghĩa là HĐXX đồng tình với cách xử lý mang tính đóng cửa bảo nhau, dĩ hòa vi quý mà có lẽ kết quả sẽ không được công bố. Trong khi theo thẩm quyền, dù có tuyên án hay trả hồ sơ HĐXX cũng có kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, từng cơ quan một cách quyết liệt và thấu đáo.
Còn nhớ khi xảy ra vụ nổ súng vào tháng 10-2016, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Lê Diễn cho biết Thường trực Tỉnh ủy đã giao chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc công an tỉnh và các ngành liên quan xem xét trách nhiệm lãnh đạo của chính quyền địa phương. Thế nhưng từ đó đến nay mọi việc vẫn rơi vào im lặng. Và chính sự im lặng đó cũng góp phần khiến con đường cùng của các bị cáo càng ngắn hơn và day dứt của dư luận càng lớn hơn. Điều đó thể hiện những người nông dân đã bị dồn ép, phải sống trong hoang mang, lo sợ triền miên nên họ đã tìm cách phản kháng.
Hiến không phải kẻ máu lạnh mà là một nông dân chân chất như bao người khác nhưng vì đâu bị cáo lại phải chuẩn bị súng tử thủ để đến nỗi gây ra vụ trọng án. Những nạn nhân trong vụ án cũng là con em nông dân, chỉ có điều vì miếng cơm manh áo họ đã mặc lên người chiếc áo công nhân của Công ty Long Sơn. Họ được tập hợp và được chỉ đạo mang máy móc, vũ khí vào trấn áp, san ủi đất theo sự chỉ đạo và tính toán của những người đứng đầu Công ty Long Sơn. Họ cũng là nạn nhân đáng thương dưới họng súng của những người khốn cùng. Vậy sao cơ quan tố tụng và cơ quan có thẩm quyền không truy đến cùng nguồn gốc của hành vi phạm tội?
Tòa tuyên một án tử hình có thể vì mục đích răn đe người có hành vi phạm tội nhưng liệu có thỏa mãn được dư luận khi câu hỏi lớn về nguyên nhân phạm tội của các bị cáo còn bỏ lửng. Đó là chưa kể mức án ấy có phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, ý thức của hành vi phạm tội mà các bị cáo thực hiện. Dư luận vẫn hy vọng ở phiên tòa phúc thẩm sắp tới.
PHẠM CÔNG HÙNG, cựu thẩm phán TAND Tối cao