Tại buổi làm việc với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chiều 5-7, TAND TP.HCM thống nhất với đề xuất quy định lại số ngạch thẩm phán. Đó là chỉ còn hai ngạch là ngạch thẩm phán TAND Tối cao và ngạch thẩm phán.
Theo TAND TP.HCM, việc đổi mới cơ cấu chức danh tư pháp này nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn luân chuyển, điều động thẩm phán. Qua đó, nâng cao vị thế, uy tín của thẩm phán trước nhân dân.
Thẩm phán xét xử một vụ án hình sự tại TAND TP.HCM. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG |
Liệu rằng đề xuất này nếu được ghi nhận trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) thì có nâng thẩm quyền, vị trí hơn cho thẩm phán và công lý có đảm bảo hơn không? Pháp Luật TP.HCM ghi nhận ý kiến của các giảng viên, thẩm phán xung quanh vấn đề này.
Viện sĩ, PGS-TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM:
Hệ thống tòa án không phải cơ quan hành chính
Chúng ta “chỉ nên” gọi thẩm phán sơ cấp, trung cấp, cao cấp trong nội bộ với nhau để xác định vấn đề chính sách đãi ngộ, tiền lương do thâm niên.
Còn một khi đã là thẩm phán rồi thì ngoại trừ thẩm phán TAND Tối cao (có nhiệm vụ đặc biệt, đặc thù trong việc xây dựng đường lối xét xử, tạo ra án lệ…), còn lại tại tất cả cấp tòa, thẩm phán phải đều như nhau: Có năng lực làm công tác xét xử theo quy định của pháp luật, độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật…
Lâu nay mình duy trì thẩm phán sơ cấp, trung cấp, cao cấp ứng với các cấp tòa khác nhau dẫn đến sự ngộ nhận là hệ thống tòa án tổ chức giống như cơ quan hành chính. Rất nguy hiểm nếu chúng ta có tư duy tòa án cấp dưới, tòa án cấp trên. Cấp sơ thẩm không phải cấp dưới của cấp phúc thẩm, bởi mỗi tòa án là một cơ quan độc lập.
Ông NGUYỄN THÀNH VINH, Chánh án TAND TP Thủ Đức, TP.HCM:
Hạn chế sự thiếu tự tin trong việc đưa ra phán quyết
Bỏ đi việc phân chia ngạch thẩm phán sơ cấp, trung cấp, cao cấp chỉ còn là ngạch thẩm phán (chia thành nhiều bậc) sẽ có nhiều điều lợi.
Thứ nhất, nó thể hiện đúng vai trò trách nhiệm của một người thẩm phán, khi xét xử sẽ nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đưa ra phán quyết thấu tình, đạt lý.
Thứ hai, cho dù là thẩm phán sơ cấp, trung cấp hay cao cấp thì cũng là một người làm công việc xét xử, chỉ tuân theo hiến pháp và pháp luật.
Thứ ba, về mặt tâm lý, tình cảm thì rõ ràng thẩm phán sơ cấp sẽ có cảm giác như mình là một thẩm phán “nhỏ”, trung cấp thì cao hơn, cao cấp thì cao hơn nữa. Bỏ đi việc phân ngạch sơ cấp, trung cấp, cao cấp sẽ hạn chế được vấn đề thiếu tự tin trong việc đưa ra các phán quyết của các thẩm phán “nhỏ”.
Một lãnh đạo TAND TP.HCM:
Dễ luân chuyển, điều động; tạo sự công bằng
Hiện tại, thẩm phán sơ cấp của tòa án cấp quận (huyện) nếu muốn lên làm công tác xét xử tại TAND TP.HCM thì phải thi nâng ngạch thẩm phán lên trung cấp.
Nếu bỏ được việc phân chia các ngạch thẩm phán thì sẽ đơn giản hóa được thủ tục rất nhiều. Hơn nữa, chúng ta không phải tổ chức thi nâng ngạch thẩm phán, mỗi lần thi đều nhiều thủ tục, rườm rà và không cần thiết.
Mặt khác, việc bỏ các ngạch thẩm phán sơ cấp, trung cấp, cao cấp cũng sẽ tạo sự công bằng cho thẩm phán. Ví dụ, một thẩm phán làm ở tòa án cấp quận (huyện) nhưng có bậc cao hơn thì lương sẽ hơn một thẩm phán làm ở cấp tỉnh nhưng có bậc thấp hơn. Hoặc tòa cấp trên muốn rút thẩm phán giỏi ở quận, huyện lên sẽ dễ hơn vì không vướng ngạch, bậc.
Không nên phân hạng
Thứ nhất, theo hiến pháp, tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý. Tuy pháp luật tố tụng có phân loại cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, song không hề phân hóa yêu cầu về tính đúng đắn đối với mọi hoạt động xét xử nói riêng cũng như hoạt động tố tụng nói chung. Do vậy, thẩm phán với tư cách người bảo vệ công lý thì không nên bị phân hạng.
Thứ hai, việc thu gọn ngạch thẩm phán sẽ tạo động lực mới trong quá trình nâng cao chuẩn mực nghề nghiệp thẩm phán ở nước ta. Từ đó, góp phần gia tăng niềm tin vào công lý của công chúng.
Thứ ba, thẩm phán TAND Tối cao phải thực sự tiêu biểu về trình độ chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp. Từ đó, TAND Tối cao mới tập trung vào hoạt động hướng dẫn áp dụng pháp luật hoặc tài phán hiến pháp thực sự chuẩn mực và hiệu quả.
ThS LƯU ĐỨC QUANG, giảng viên Trường ĐH Kinh tế – Luật,
ĐH Quốc gia TP.HCM