Tiêu chí Văn phòng Luật sư Xuân Lâm chúng tôi là:

– Uy tín

– Chuyên nghiệp

– Hiệu quả cùng có lợi

Bắt tạm giam 2 bị cáo đầu vụ VN Pharma tại tòa

Bắt tạm giam 2 bị cáo đầu vụ VN Pharma tại tòa

(PL)- Nghe đọc lệnh bắt xong, mặt bị cáo Hùng tái xanh, choáng váng nên công an phải gọi nhân viên y tế đến hỗ trợ.

Ngày 23-10, không như dự kiến sẽ tuyên án, TAND Cấp cao tại TP.HCM bất ngờ quay lại phần xét hỏi đối với vụ án buôn lậu, làm giả giấy tờ, con dấu, tài liệu tại Công ty CP VN Pharma do Nguyễn Minh Hùng, tổng giám đốc, cùng đồng phạm thực hiện. Bất ngờ hơn vì khi bắt đầu phiên xử buổi chiều cùng ngày, HĐXX đã đọc lệnh bắt tạm giam đối với hai bị cáo đầu vụ là Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường sau một thời gian dài được tại ngoại. Nghe đọc lệnh xong, bị cáo Hùng choáng váng.

Chứng cứ mới không thuyết phục?

Lý do HĐXX quay lại phần xét hỏi được chủ tọa thông báo là xét thấy vụ án có nhiều vấn đề phức tạp cũng như các chứng cứ cần làm rõ. HĐXX liên tục truy vấn hai bị cáo Hùng và Cường (người môi giới cho VN Pharma mua lô thuốc H-Capita) về một số hành vi như chi hoa hồng cho bác sĩ, nâng khống giá thuốc, thiết kế mẫu thuốc, giấy tờ lô thuốc…

HĐXX hỏi bị cáo Cường về chứng cứ mới cung cấp tại phiên phúc thẩm cho rằng Công ty Helix Canada (đơn vị bán thuốc cho VN Pharma) là có thật cứ không phải công ty ma như hồ sơ truy tố. Nhưng theo HĐXX, các tài liệu này có nhiều mâu thuẫn. Cụ thể, giấy ủy quyền của ông Raymundo (Công ty Helix Canada) ủy quyền cho bị cáo Cường hoạt động tại Việt Nam năm 2013. Trong khi mãi đến năm 2014 công ty này mới được cấp phép hoạt động.

Cường lý giải: “Ông Raymundo là giám đốc nhà máy, ông đồng ý ủy quyền cho bị cáo làm đại diện cho ông tại Việt Nam. Sau đó ông sẽ gửi các giấy tờ cần thiết về trình Bộ Y tế… Bị cáo là người làm ăn luôn tìm kiếm cơ hội kinh doanh nên làm việc với ông Raymundo. Bị cáo không rành về luật pháp, ông Raymundo cung cấp giấy tờ cho bị cáo, cung cấp cho Bộ Y tế…”.

Về tình tiết con dấu Công ty Helix Canada được thu giữ tại công ty bị cáo là con dấu giả, Cường khai: “Bị cáo tin tưởng vào sự ủy quyền của Raymundo nên không biết”.

Đáng chú ý là trong khi xét hỏi Cường có vẻ khá căng thẳng với các câu hỏi của một vị thẩm phán liên quan đến hành vi sai phạm về giấy tờ lô thuốc… Cường đã nói những câu: “Bà thẩm phán nói thế là sai hết”, “Như thế là bà thẩm phán ép tội, không cho bị cáo nói”, “Tòa không được hù dọa bị cáo”…

Bắt tạm giam 2 bị cáo đầu vụ VN Pharma tại tòa - ảnh 1
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng (trước) và Võ Mạnh Cường bị còng tay đưa ra xe về trại tạm giam. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trong khi đó bị cáo Hùng khai khi thuốc nhập về phải điều chỉnh một số vấn đề để phù hợp với đặc trưng của Việt Nam. Theo đó, khi Hùng mua thuốc H-Capita được sản xuất từ Công ty Helix Canada, Cường đã đưa cho Hùng một số giấy tờ ủy quyền để chứng minh tính hợp pháp của việc ủy quyền, chứng minh hoạt động của Helix Canada. Sau đó Cường đưa các tài liệu này cho phòng nghiên cứu phát triển của VN Pharma và giao về phòng xuất nhập khẩu để làm hồ sơ xin nhập thuốc. Do có người quen giới thiệu nên Hùng đã thuê bị cáo Phạm Văn Thông (dược sĩ) viết tiêu chuẩn thuốc. Các tiêu chuẩn này sau đó được chuyển cho Cường để bị cáo này chuyển lại cho Helix Canada sản xuất theo yêu cầu của VN Pharma.

HĐXX đặt vấn đề căn cứ nào bị cáo thuê dược sĩ viết tiêu chuẩn thuốc? Hùng khai thuốc H-Capita đã bán 20 năm nên không còn độc quyền, người bán được quyền viết tiêu chuẩn thuốc để đặt hàng nhà sản xuất. Tòa truy: “Việc này dựa trên quy định nào?”. Hùng đáp: “Quy định chung chung…”.

Về tờ hướng dẫn sử dụng thuốc H-Capita, Hùng khai rằng do VN Pharma dịch lại và có thể tự viết theo tiêu chuẩn vì mẫu mã thuốc do VN Pharma thiết kế. Hùng giải thích: “Mẫu mã ai thiết kế cũng được. Nếu lô hàng ở Việt Nam thì mình được quyền thiết kế lại về ngôn ngữ, mẫu mã, nhận dạng thương hiệu. Nếu nhập từ nước ngoài thì được quyền thiết kế lại ở nước lưu hành”.

Làm rõ tiền chi hoa hồng

Khi bắt đầu thời gian xét xử buổi chiều HĐXX đã bất ngờ đọc lệnh bắt tạm giam đối với hai bị cáo Hùng và Cường. Theo đó, hai bị cáo sẽ bị tạm giam 90 ngày để phục vụ cho việc điều tra, xét xử. Khi lực lượng công an đến để thi hành công bố lệnh bắt tạm giam thì gương mặt Hùng tái xanh, choáng váng. Công an đã phải gọi nhân viên y tế đến hỗ trợ. Sau đó HĐXX công bố nghỉ giải lao 15 phút để chờ bị cáo Hùng đủ sức khỏe quay lại phòng xử tiếp tục làm việc.

Hai bị cáo Hùng và Cường bị truy tố, xét xử về tội buôn lậu theo khoản 4 Điều 153 (12-20 năm tù hoặc tù chung thân). Trước đó hai bị cáo cùng bị bắt từ ngày 19-9-2014, tạm giam tại B14 Bộ Công an và được thay đổi biện pháp ngăn chặn tại ngoại từ ngày 17-3-2017.

Liên quan đến các khoản tiền chi hoa hồng bán thuốc 7,5 tỉ đồng trước đây bị cáo Hùng có khai dùng để chi cho các bác sĩ, tại phiên tòa bị cáo nói: “Thưa tòa, bị cáo chưa bao giờ khai dùng số tiền này chi cho bác sĩ cả”.

Chủ tọa yêu cầu bị cáo Ngô Anh Quốc (phó tổng giám đốc VN Pharma) đối chất với Hùng thì được xác nhận số tiền là có thật và dùng chi cho nhân viên bán hàng. Khi HĐXX nhắc nhở phải khai báo trung thực thì Hùng khẳng định: “Bị cáo cam kết lời khai của mình là trung thực. Tiền này chi cho việc marketing, ăn trưa, chi phí tiếp thị…, không chi cho bác sĩ”.

Chủ tọa hỏi số tiền không dừng lại ở 7,5 tỉ đồng mà lên đến gần 170 tỉ đồng, vậy tiền ở đâu mà có? Hùng nói rằng tất cả đều do từ tăng giá thuốc.

Liên quan tới số tiền này, tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lê Thị Vũ Phương (kế toán trưởng VN Pharma) khai muốn bán được thuốc tại các bệnh viện thì phải chi hoa hồng cho bác sĩ. Ngoài lô thuốc H-Capita 500 mg, các loại thuốc khác công ty đều phải chi hoa hồng.

Trả lời đại diện VKS, bị cáo Quốc khai số tiền này chi cho trình dược viên nhưng không biết trình dược viên làm việc với ai. Bị cáo khẳng định việc chi này là chi sai, còn việc trình dược viên chi tiếp cho ai thì không biết. Trong khi bị cáo Hùng cũng thừa nhận trình dược viên làm việc với bác sĩ nhưng trình dược viên chi tiền cho bác sĩ hay cho ai thì đó là quyền của họ…

Hôm nay, HĐXX sẽ tiếp tục xét xử. Tòa dự kiến sẽ hỏi đại diện Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao.

Tòa được quyền bắt tạm giam trong lúc xét xử

Theo Điều 243 BLTTHS, sau khi nhận hồ sơ vụ án, tòa án cấp phúc thẩm có quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn. Đối với bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì HĐXX có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi tuyên án, trừ trường hợp được hoãn chấp hành hình phạt tù theo quy định.

Nhiều ý kiến cho rằng tòa bắt tạm giam hai bị cáo ngay trong lúc xét xử là chưa phù hợp nhưng theo tôi việc này đúng luật. Cụ thể, tiểu mục 2.2 khoản 2 Phần II Nghị quyết 05/2005 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần xét xử phúc thẩm) hướng dẫn: Để đảm bảo quyết định bắt và tạm giam được thi hành ngay và đúng pháp luật thì tòa phúc thẩm ra quyết định bắt và tạm giam bị cáo nếu trong khi nghiên cứu hồ sơ vụ án để chuẩn bị xét xử phúc thẩm cũng như qua diễn biến xét xử tại phiên tòa, nếu thấy có đầy đủ các điều kiện sau đây: Có căn cứ để xử phạt tù bị cáo; bị cáo không thuộc trường hợp có thể cho hưởng án treo; bị cáo không thuộc một trong các trường hợp được hoãn chấp hành hình phạt tù theo quy định. Như vậy việc đọc lệnh bắt tạm giam ngay sau khi tuyên án hay trong lúc xét xử phúc thẩm là không sai.

Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

PHƯƠNG LOAN ghi

HOÀNG YẾN

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ XUÂN LÂM

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến: 0903 918 848

Số điện thoại Luật sư Lâm: 0903 918 848

Trụ sở: 250A Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM

Email: lxlamlaw@gmail.com- Website: www.luatsulam.com.vn