Tiêu chí Văn phòng Luật sư Xuân Lâm chúng tôi là:

– Uy tín

– Chuyên nghiệp

– Hiệu quả cùng có lợi

Bốn lưu ý về lập di chúc khi đang ốm nặng

Bốn lưu ý về lập di chúc khi đang ốm nặng

Chú tôi hiện ốm nặng song còn minh mẫn, muốn lập di chúc có được không và cần lưu ý những điểm gì? (Đặng Ngọc)

Luật sư tư vấn

Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 quy định

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

2. Di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”

Trường hợp muốn lập di chúc khi đang ốm nặng cần lưu ý những điểm sau để đảm bảo tính pháp lý:

Thứ nhất, nếu lập di chúc miệng: Việc lập di chúc bằng miệng được đặt ra khi tính mạng người lập di chúc bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. Như vậy, người đang bị ốm nặng và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể thực hiện việc lập di chúc bằng miệng.

Di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp nếu di chúc được lập trước mặt ít nhất 2 người làm chứng và được thực hiện theo trình tự được quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể:

– Ngay sau khi người để lại di chúc nêu ý chí cuối cùng của mình, người làm chứng phải ghi chép lại;

– Hai người làm chứng phải cùng ký tên và điểm chỉ vào di chúc đó;

– Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Thứ hai, mời công chứng viên đến tận nơi để lập di chúc

Theo Điều 44 Luật Công chứng 2015, việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Như vậy, khi người lập di chúc bị ốm nặng, không thể tự mình đến tận nơi để công chứng thì có thể yêu cầu công chứng viên đến nhà, bệnh viện, … nơi người này chữa trị để công chứng vào di chúc.

Thứ ba, di chúc của người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác.

Di chúc bằng văn bản của người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực. (Điều 638 Bộ luật Dân sự 2015)

Thứ tư, lập di chúc phải có người làm chứng

Trường hợp, người lập di chúc không tự mình viết di chúc cũng như công chứng được thì người để lại tài sản có thể nhờ người khác viết hoặc đánh máy di chúc nhưng phải có ít nhất 2 người làm chứng.

Người làm chứng không phải là người thừa kế của người lập di chúc, có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc và người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Người lập di chúc phải ký vào bản di chúc trước mặt người làm chứng và người làm chứng cũng phải ký vào bản di chúc để xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc.

Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ XUÂN LÂM

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến: 0903 918 848

Số điện thoại Luật sư Lâm: 0903 918 848

Trụ sở: 250A Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM

Email: lxlamlaw@gmail.com- Website: www.luatsulam.com.vn