Từ tháng 7-2021, nhiều chính sách, quy định mới liên quan đến người dân sẽ chính thức có hiệu lực. PLO xin trích giới thiệu một số chính sách mới này.

Chính thức dừng cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ 1-7

Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7. Trong đó điểm nổi bật nhất là quy định về việc thay đổi phương thức quản lý cư trú từ truyền thống thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang quản lý bằng số hóa.

Cụ thể, đối với đăng ký thường trú, thay vì cấp sổ hộ khẩu, khi công dân đủ điều kiện để đăng ký thường trú thì cơ quan đăng ký cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Còn đối với đăng ký tạm trú, thay vì cấp sổ tạm trú, khi công dân đủ điều kiện để đăng ký tạm trú thì cơ quan đăng ký có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1-7 - ảnh 1
Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ được dừng cấp mới từ ngày 1-7. Ảnh: PLO

Do đó, kể từ ngày 1-7, sẽ dừng cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; đối với sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31-12-2022.

Ngoài ra, cũng theo quy định tại Luật Cư trú thì điều kiện đăng ký thường trú ở các tỉnh, thành phố là như nhau. Để được đăng ky thường trú thì diện tích nhà thuê tối thiểu 08 m2 sàn/người…

Nhiều thay đổi về chính sách ưu đãi với người có công

Pháp lệnh số 02/2020 về ưu đãi người có công với cách mạng được Quốc hội ban hành ngày 9-12-2020 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7.

Theo Pháp lệnh này, thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh được Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu, bao gồm nhà xưởng, trường, lớp, trang thiết bị, được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, miễn hoặc giảm thuế đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đây là một chế độ mới so với quy định trước đây.

Đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, mức trợ cấp hằng tháng cũng được tăng bằng ba lần mức chuẩn (tức 4.872.000 đồng/tháng), thay vì một lần mức chuẩn như quy định trước đây.

Riêng với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá nhưng vẫn nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành, hoặc chăm sóc cha, mẹ đẻ của liệt sĩ khi còn sống, sẽ được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và được hỗ trợ về bảo hiểm y tế.

Không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng

Nghị định số 55/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ có hiệu lực từ ngày 10-7 tới đây.

Theo đó, trường hợp vi phạm quy định về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, Nghị định 55 đã bổ sung mức phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo công tác thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường về cơ quan phê duyệt phương án và cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường tại địa phương theo quy định; không báo cáo cơ quan phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong trường hợp có sự điều chỉnh phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Ngoài ra, quy định mới cũng sửa đổi phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng đối với hành vi thực hiện không đúng, hoặc thực hiện không đầy đủ một trong các hạng mục công việc phải thực hiện trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.

Phạt tiền từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với hành vi không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; không lập lại phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định, trừ trường hợp thuộc đối tượng phải lập lại báo đánh giá tác động môi trường.