Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, TS Bùi Duy Tùng, ĐH RMIT Việt Nam (VN), đánh giá việc mở một sàn giao dịch dành cho trái phiếu riêng lẻ (theo hướng dẫn tại Thông tư 30/2023 của Bộ Tài chính – PV) đem đến những kỳ vọng thúc đẩy tính thanh khoản và giải quyết các vấn đề nợ của các doanh nghiệp (DN) phát hành trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Bước tiến quan trọng trong chuyên nghiệp hóa
. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc VN lập sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ?
+ TS Bùi Duy Tùng: Việc VN lập sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ được coi là một bước tiến quan trọng trong việc chuyên nghiệp hóa và minh bạch hóa thị trường trái phiếu. Dự kiến sàn giao dịch sẽ được đưa vào vận hành trong tháng 7-2023.
Sự ra đời của sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ hứa hẹn sẽ giải quyết những vấn đề này, tạo ra một môi trường giao dịch minh bạch và hiệu quả hơn.
Sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ cũng giúp tăng cường tiếp cận thông tin DN, nâng cao chất lượng thanh toán và giảm thiểu rủi ro liên quan. Điều này không chỉ bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư mà còn góp phần nâng cao uy tín và sự tin tưởng vào thị trường trái phiếu VN.
. Điều này có thúc đẩy tính thanh khoản cũng như giải quyết được các điểm nghẽn và khối nợ khổng lồ của các DN phát hành trên thị trường TPDN hiện nay?
+ Đầu tiên, về mặt thanh khoản, sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ sẽ giúp trái phiếu lưu thông dễ dàng và định giá sát hơn. Điều này giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào môi giới và công ty chứng khoán, từ đó tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong giao dịch.
Khi sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ được hình thành sẽ giúp thị trường trái phiếu dễ dàng được thanh khoản. Ảnh: N.NHI |
Thứ hai, về việc giải quyết nợ, sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ cũng đóng vai trò quan trọng. Tính đến ngày 26-6, có khoảng 59 DN nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN. Tổng dư nợ TPDN của 59 DN này khoảng 159.500 tỉ đồng, chiếm khoảng 14,6% dư nợ TPDN toàn thị trường.
Sự ra đời của sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ sẽ giúp các DN có thêm kênh để tái cấu trúc nợ và tìm kiếm nguồn vốn mới, giúp giảm bớt áp lực về dòng tiền và nợ trái phiếu.
Tóm lại, việc lập sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ là một bước tiến đáng khen ngợi trong việc thúc đẩy tính thanh khoản và giải quyết các vấn đề nợ của các DN phát hành trên thị trường TPDN. Tuy nhiên, cần có những biện pháp hỗ trợ khác để giúp các DN vượt qua khó khăn và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Trái chủ hưởng nhiều lợi ích
. Lợi ích lớn nhất mà các trái chủ sẽ thụ hưởng được khi sàn TPDN được mở ra?
+ Sàn giao dịch TPDN sẽ tạo ra một thị trường thứ cấp cho trái phiếu, giúp các trái chủ có thể mua và bán trái phiếu một cách dễ dàng hơn. Điều này giúp các trái chủ có thể thoát ra hoặc gia tăng vị thế của mình một cách linh hoạt hơn.
Đồng thời sẽ tạo ra một môi trường giao dịch minh bạch với thông tin về giá cả và giao dịch được công bố rõ ràng. Điều này giúp các trái chủ có thể đưa ra quyết định đầu tư dựa trên thông tin đầy đủ và chính xác.
Thông qua việc tạo ra một thị trường thứ cấp, sàn giao dịch giúp giảm rủi ro thanh khoản, tức rủi ro không thể bán trái phiếu khi cần. Ngoài ra, sự minh bạch của sàn giao dịch cũng giúp giảm rủi ro thông tin, tức rủi ro do không có đủ thông tin để đưa ra quyết định đầu tư.
Sàn giao dịch TPDN sẽ mở ra cơ hội đầu tư mới cho các trái chủ. Thay vì chỉ mua trái phiếu từ DN qua các đợt phát hành riêng lẻ, các trái chủ có thể mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp, tận dụng cơ hội từ sự biến động giá trên thị trường.
Khi sàn đi vào vận hành sẽ hỗ trợ nhu cầu bán của nhiều trái chủ đang muốn thanh khoản trái phiếu hiện nay. Hiện còn nhiều nhà đầu tư đang mong chờ lượng trái phiếu của DN tốt, lãi suất hấp dẫn sắp được đưa ra thị trường.
Vẫn còn những thách thức
. Còn những rủi ro mà các chủ thể trên sàn này sẽ phải đối diện ra sao, thưa ông?
+ Tất nhiên việc vận hành sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ cũng đặt ra những thách thức. Việc chuyên nghiệp hóa thị trường đồng nghĩa với việc trái phiếu được trả về đúng bản chất sản phẩm đầu tư, tức là mua có thể lãi và cũng có thể lỗ.
Điều này đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức và kỹ năng đầu tư tốt để đưa ra quyết định đầu tư thông minh. Do đó, cơ quan quản lý cần có những biện pháp hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình chuyển đổi để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường.
Việc lập sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ không phải là giải pháp toàn diện cho các vấn đề nợ của các DN. Đối với những DN đang gặp khó khăn về dòng tiền, việc đàm phán để gia hạn thời hạn các trái phiếu đến hạn là một giải pháp tốt nhất mà các đơn vị phát hành trái phiếu có thể lựa chọn ở thời điểm này. Từ đó có thêm thời gian phục hồi sản xuất, kinh doanh và tạo ra đủ dòng tiền chi trả cho các khoản nợ trái phiếu của mình.
. Xin cảm ơn ông.
Để sàn giao dịch hoạt động hiệu quả
TS Ronald Ravinesh Kumar. |
Thị trường TPDN thường được hỗ trợ bởi các tổ chức trung gian như ngân hàng, thị trường chứng khoán phi tập trung, thị trường sơ cấp. Nhà đầu tư thường là các tổ chức tài chính như ngân hàng, quỹ đầu tư và quỹ hưu trí.
Sau khi được phát hành, TPDN có thể được niêm yết trên thị trường thứ cấp (sàn giao dịch chứng khoán). Các cơ quan quản lý, ví dụ như Ủy ban Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (VN), FINRA (Mỹ), Ủy ban Chứng khoán và Hội đồng chứng khoán Úc (ASIC) và Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) là một số tổ chức cung cấp giám sát quản lý và quy tắc ứng xử cho tất cả các bên trong thị trường.
Luật DN về công ty niêm yết và công ty tư nhân cũng là hướng dẫn hữu ích. Để thiết lập một thị trường TPDN hoạt động tốt, việc phối hợp giữa tất cả các bên liên quan, bao gồm TPDN cụ thể, cần được xác định cụ thể. Các quy định, quy tắc và trách nhiệm của mỗi bên phải được thực hiện một cách rõ ràng, hiệu quả. Điều này phải được giám sát và kiểm soát bởi Ủy ban Chứng khoán nhà nước hoặc đại diện của họ.
TS RONALD RAVINESH KUMAR, giảng viên kinh tế cấp cao,
ĐH RMIT Việt Nam