(PL)- Đại diện các tổ chức hành nghề công chứng, ngành công an, ngành tòa án đều đưa ra những giải pháp cụ thể để phòng, chống nạn giả mạo này.
Tại hội nghị về các giải pháp phòng ngừa, xử lý tình trạng giả mạotrong công chứng, chứng thực, do UBND TP.HCM và Sở Tư pháp TP tổ chức ngày 19-12, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Nhưng theo đại diện các cơ quan, cần nhất vẫn là nâng cao nghiệp vụ của công chứng viên (CCV) vì đây là chốt chặn đầu tiên và quan trọng nhất.
Làm giả vài giờ, phát hiện nhiều ngày
Đại diện Phòng công chứng Hoàng Xuân đem đến hội nghị các loại giấy tờ giả là giấy chứng nhận, CMND, các văn bằng… mà nơi đây phát hiện được. Theo vị này, có nhiều giấy tờ nhìn bằng mắt không thể nào biết được nên cần phải có máy móc hỗ trợ. Ngay cả thẻ căn cước công dân mới dù có độ an toàn cao nhưng hình ảnh mờ, dễ bong tróc cũng gây khó khăn khi xác định thật, giả.
“Chỉ với 50 triệu đồng, đối tượng có ngay trong tay bộ hồ sơ từ giấy chứng nhận, CMND, hộ chiếu, hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn… để đi công chứng. Chúng làm giả giấy tờ nhanh lắm, có khi chỉ vài tiếng đồng hồ trong khi chúng ta mất hàng giờ, hàng ngày, thậm chí nhiều hơn mới phát hiện ra là giả” – vị này nói.
Trưởng phòng Công chứng số 7, TP.HCM Hoàng Mạnh Thắng nêu vấn đề: Các hành vi giả mạo trong công chứng ngày càng tinh vi và nghiêm trọng. Mục đích của các đối tượng là lừa đảo chiếm đoạt tài sản có khi lên đến hàng tỉ đồng. Ngoài làm giả giấy tờ công chứng còn giả mạo chủ sở hữu tài sản, sau đó chuyển nhượng tại một tổ chức hành nghề công chứng khác…
Đáp lại, Phó Trưởng phòng PC45, Công an TP.HCM Trần Văn Phú cho rằng luật quy định mọi công dân đều có quyền giữ và đưa người phạm tội quả tang đến công an. Công an TP đã chỉ đạo việc tiếp nhận tin báo ngay tại nơi công chứng hoặc chứng thực. Do đó, thời gian tới khi phát hiện hành vi giả mạo thì CCV cần nhanh chóng báo tin cho công an để kịp thời tiếp nhận, xử lý.
Ngoài ra để có nguồn truy xét các đối tượng, đề nghị CCV yêu cầu các bên lăn tay, điểm chỉ trên hợp đồng công chứng, các dấu vân tay, điểm chỉ cần rõ ràng, sắc nét. Cạnh đó cần ghi nhận hình ảnh nhận dạng thật rõ ràng của các bên tham gia giao dịch và lưu trữ đầy đủ vào hồ sơ công chứng.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: HOÀNG GIANG
Các giải pháp cụ thể
Theo đại diện Công an TP, CCV phải được đào tạo, trang bị và cập nhật kỹ năng, kiến thức để nhận diện các hành vi giả mạo. Thời gian qua Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP đã tổ chức một số buổi tập huấn kiến thức phân định cho cán bộ làm công tác công chứng, chứng thực.
Trước mắt, UBND TP cần ưu tiên đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin tối thiểu (hạ tầng mạng, trang thiết bị tin học, máy scan, thiết bị lưu trữ…). Việc này sẽ nâng cao năng lực cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại các quận/huyện. Sở TN&MT nhanh chóng phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hoàn chỉnh bộ thủ tục hành chính về đất đai. Triển khai xây dựng quy trình xử lý thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008 để làm cơ sở triển khai tin học hóa đúng theo quy định, thực tiễn và khoa học…
Đại diện Phòng công chứng số 7 thì đề nghị xây dựng cơ chế phối hợp trong trình báo, tố giác, cung cấp tài liệu, tạm giữ giấy tờ của người vi phạm. Các cơ quan công an hỗ trợ cho tổ chức hành nghề công chứng trong việc tiếp nhận nhanh gọn, kịp thời các thông tin, văn bản trình báo và hồ sơ, tài liệu kèm theo.
Khi tiếp nhận tố giác, cơ quan điều tra làm triệt để để khởi tố các đối tượng liên quan. Ngoài ra cần tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân về các thủ đoạn lừa đảo tinh vi để nâng cao ý thức cảnh giác. Đối với người mua nhà, đất thì cần tìm hiểu kỹ về tài sản, chủ tài sản và giấy tờ liên quan thông qua các kênh thông tin khác nhau.
Đại diện TAND TP.HCM – ông Phùng Văn Hải (Chánh Tòa Dân sự) thì cho rằng khi có tranh chấp phát sinh từ hoạt động công chứng, tổ chức hành nghề công chứng cần tích cực trong việc cung cấp tài liệu chứng cứ. Điều này giúp thẩm phán xác định được cụ thể lý do vô hiệu của hợp đồng, giao dịch công chứng, lỗi trong việc dẫn đến hậu quả vô hiệu. Từ đó buộc trách nhiệm bồi thường của các bên, có hay không có lỗi của CCV dẫn đến giao dịch bị vô hiệu. Thực tế xét xử cho thấy với các tranh chấp liên quan đến công chứng thì việc hợp tác của các tổ chức công chứng chậm và tham gia với trách nhiệm chưa cao.
Theo ông Hải, để ngăn ngừa việc công chứng giả mạo thì cần nâng cao trách nhiệm và năng lực thẩm định hồ sơ của CCV. Thường xuyên cập nhật các mẫu giấy tờ do cơ quan nhà nước ban hành và cách thức nhận biết giấy tờ thật giả, kèm theo trang bị các máy móc hiện đại để kiểm tra, đối chiếu. Phải xây dựng cơ chế phối hợp chuyên môn giữa tổ chức hành nghề công chứng với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý các hợp đồng, văn bản công chứng. Việc xử lý về hình sự và hành chính còn nhẹ, không đủ mức phòng ngừa, răn đe, trừng phạt, cần phải nghiêm khắc hơn…
Bên ngăn chặn, bên tấn công
Chúng ta phải làm mọi cách để tạo sự an toàn trong công chứng. Các tổ chức hành nghề công chứng phải tự cứu mình trước, phải soi kỹ giấy tờ bằng kinh nghiệm, phải kiểm tra hồ sơ, xác minh hồ sơ đầy đủ, đúng quy trình thủ tục công chứng, tránh hành nghề thiếu an toàn. Tìm cách phối hợp tốt với công an ở phường/quận gần nhất để khi cần hỗ trợ là gọi được ngay. Về phía công an thì phải xử mạnh tội phạm về giả mạo trong công chứng. Khi một bên nỗ lực ngăn chặn, một bên nỗ lực tấn công thì tôi nghĩ sẽ phòng, chống được nạn giấy tờ giả. Ông HUỲNH VĂN HẠNH, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Từ chối công chứng nếu nghi ngờ CCV và cơ quan chứng thực là người đầu tiên tiếp cận với các hành vi giả mạo nên cần phải liên tục được đào tạo, trang bị và cập nhật đầy đủ kỹ năng, kiến thức để nâng cao trình độ nhận diện giấy tờ giả. Trước khi tác nghiệp CCV cần kiểm tra thật kỹ các giấy tờ liên quan, hỏi và tìm hiểu kỹ đối tượng tham gia giao dịch. Ngoài ra cần giải thích và hướng dẫn để các bên tự đi tìm hiểu, xác minh kỹ tài sản khi giao dịch. Nếu cần thiết thì tiến hành xác minh, yêu cầu cơ quan chuyên môn tiến hành giám định khi có đề nghị của người yêu cầu công chứng. Trường hợp nếu vẫn còn nghi ngờ thì CCV mạnh dạn từ chối công chứng, chứng thực. Nếu xét thấy tài liệu hoặc người giả mạo thì yêu cầu công an xác minh hoặc từ chối luôn, không chứng. Ông TRẦN VĂN PHÚ, Phó trưởng phòng PC45 – Tôi lo lắng, băn khoăn Với cơ chế hiện nay thì CCV chúng tôi phải tự cứu nhau, nếu phát hiện thì tự thông tin cho nhau để cảnh giác trước các hành vi giả mạo. Tôi thật sự lo lắng, băn khoăn khi mà đối tượng làm giấy tờ giả, giả người đi lừa đảo bán nhà, đất, tài sản nhằm chiếm đoạt khoản tiền lớn mà chúng ta không xử lý hình sự được. CCV chúng tôi, khi phát hiện có dấu hiệu khả nghi chỉ có quyền lập biên bản, thông tin để cảnh giác, phòng ngừa việc các đối tượng chạy sang tổ chức hành nghề công chứng khác nhằm qua mặt CCV khác. Bà NGÔ MINH HỒNG, Chủ tịch Hội Công chứng TP.HCM |
Bốn cách nhận diện giấy tờ giả Theo bà Trần Thị Xuân Yến (Phòng Tư pháp quận 5, TP.HCM), có bốn cách để nhận diện giấy tờ giả. Một là kiểm tra thật kỹ giấy tờ được xuất trình để nhận ra điều bất thường. Phân biệt việc tẩy xóa trên giấy tờ bằng hóa chất hoặc bằng cơ học: Nếu bằng cơ học thì thường lộ nhược điểm tại nơi tẩy xóa mất độ bóng láng cần thiết do có nhiều vết trầy xước; giấy ở chỗ tẩy xóa sẽ mỏng hơn bình thường; nền in ở vị trí tẩy, bao gồm cả dòng kẻ, bị phá hủy. Nếu tẩy bằng cơ học thì độ trơn bóng của giấy không tự nhiên, có khi nhợt nhạt, thay đổi màu sắc tại chỗ tẩy xóa; các nét chữ xung quanh vùng tẩy có thể bị mất hoặc thay đổi màu; các nét viết, in sau khi tẩy xóa thường to, đậm, nhòe. Chữ ký giả thường không tự nhiên, không lưu loát, đường nét run, gãy, không có mối liên kết các nét, nét bắt đầu và nét kết thúc không sắc gọn… Con dấu giả thì khoảng cách giữa các vành thường không đều; đường nét không liên tục, không tự nhiên; nét chữ không thẳng; kiểu chữ không đúng quy cách; bố cục các dòng chữ, hình vẽ không cân đối; các chi tiết như quốc huy, quốc hiệu khó thể hiện đầy đủ nên thường đọng mực, mờ nhòe… Hai là tăng cường “tìm hiểu” hỏi đối tượng. Nếu phát hiện có điều bất thường hoặc nghi ngờ, công chức tiếp nhận hồ sơ hỏi một số chi tiết trên giấy tờ, văn bản và một số chi tiết có liên quan, đồng thời quan sát thái độ, hành vi của đối tượng. Ba là cần trang bị công cụ hỗ trợ cho công chức tiếp nhận hồ sơ: Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ trình độ cao như sử dụng các máy soi, kính lúp để phóng đại quan sát các chi tiết trên giấy tờ, văn bản (dấu giả khi nhìn vào sẽ thấy chữ in trên mộc có những răng cưa còn dấu thật thì không; hình quốc huy nếu giả thì rất nhạt, mất một số chi tiết còn thật thì trông rất nét) cũng mang đến một số hiệu quả nhất định trong việc phòng ngừa. Bốn là liên hệ các cơ quan, tổ chức nơi cấp giấy tờ, văn bản để xác minh: Khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ thì chủ động liên hệ, yêu cầu các cơ quan này cung cấp những thông tin để xác minh tính hợp pháp của giấy tờ, văn bản. |