(PL)- Hai người đã có bốn con chung nhưng tòa không công nhận hôn nhân hợp pháp vì không đăng ký kết hôn.
TAND huyện Sông Hinh (Phú Yên) vừa xét xử sơ thẩm, tuyên bố không công nhận anh KYS (SN 1978) và chị HHN (SN 1970) là vợ chồng.
Chung sống 10 năm, có bốn con chung
Theo hồ sơ, anh S. quen biết rồi chung sống như vợ chồng với chị N. từ năm 1996. Họ có tổ chức đám cưới theo phong tục địa phương nhưng không đăng ký kết hôn. Sau đó, trong quá trình chung sống họ có với nhau bốn đứa con chung, lớn nhất SN 1997, nhỏ nhất SN 2005.
Cuộc sống gia đình êm ấm, hạnh phúc được khoảng 10 năm thì giữa hai người phát sinh mâu thuẫn, ly thân với nhau cho đến nay, không ai quan tâm, giúp đỡ ai. Chỉ bốn đứa con chung là vẫn ở với mẹ…
Gần đây anh S. thấy tình cảm giữa hai người đã không còn, mỗi người cũng đã sống một nơi nên gửi đơn đề nghị TAND huyện Sông Hinh giải quyết việc hôn nhân với chị N. Về tài sản, anh không yêu cầu tòa giải quyết gì. Bốn đứa con chung thì anh đề nghị tòa để cho chị N. tiếp tục nuôi dưỡng…
Làm việc với tòa, chị N. cũng đồng ý chia tay anh S., tài sản chung giữa hai người thì chị đề nghị tòa xem xét. Về con chung, chị đồng ý nuôi hết mà không đòi hỏi anh S. phải cấp dưỡng nuôi con.
Hôn nhân không hợp pháp
Tại phiên xử sơ thẩm mới đây, TAND huyện Sông Hinh nhận thấy anh S. và chị N. chung sống với nhau từ năm 1996 trên cơ sở tự nguyện, có tổ chức đám cưới theo phong tục tập quán địa phương. Tuy nhiên, từ đó đến nay họ không đăng ký kết hôn. Do vậy hôn nhân của họ là hôn nhân không hợp pháp, không được Nhà nước thừa nhận.
Mặt khác, hai người có bốn con chung nhưng ly thân tính đến tháng 10-2017 đã gần 10 năm, không còn tình cảm với nhau và đã được dòng họ giải quyết ly hôn theo phong tục tập quán.
Từ đó HĐXX căn cứ vào Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 không công nhận quan hệ giữa anh S. và chị N. là vợ chồng. Về tài sản, tại phiên tòa, anh S. và chị N. thống nhất không yêu cầu HĐXX giải quyết. Về con chung, hai người cũng thống nhất giao ba con chung chưa thành niên (riêng cháu lớn nhất đã thành niên) cho chị N. tiếp tục nuôi dưỡng cho đến khi các cháu đến tuổi trưởng thành. Chị N. không yêu cầu anh S. phải cấp dưỡng nuôi con. Xét thỏa thuận này là tự nguyện, phù hợp với ý kiến của các cháu nên HĐXX đồng ý và công nhận sự thỏa thuận này.
Tuy nhiên, HĐXX cũng tuyên rõ anh S. được quyền thăm nom con chung, không ai được quyền cản trở. Nếu anh S. lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chung thì chị N. có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom con chung của anh S. Đồng thời, chị N. và các thành viên gia đình chị cũng không được cản trở anh S. trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung.
Quy định liên quan
Theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý. Cũng theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của BLDS và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con, công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập. |