Tiêu chí Văn phòng Luật sư Xuân Lâm chúng tôi là:

– Uy tín

– Chuyên nghiệp

– Hiệu quả cùng có lợi

Chuyện bắt, giữ người trong tố tụng hình sự còn bất cập

Chuyện bắt, giữ người trong tố tụng hình sự còn bất cập
(PLO)- Theo các chuyên gia, biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự còn một số điểm chưa hợp lý, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng, nhất là người bị buộc tội.

Ngày 3-10, trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức hội thảo về biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự.

Khi nào áp dụng biện pháp ngăn chặn?

Trình bày ý kiến tham luận, TS Phạm Thái (Phó trưởng khoa Luật Hình sự, Đại học Luật TP.HCM) nói biện pháp cưỡng chế là một chế định quan trọng của luật TTHS. Đặc biệt, các biện pháp ngăn chặn là rất cần thiết nhằm nhanh chóng phát hiện, xử lý hành vi phạm tội, người phạm tội. Trái lại, chính việc áp dụng những biện pháp này sẽ gây tổn thương, hạn chế các quyền tự do cá nhân.

Chuyện bắt, giữ người trong tố tụng hình sự còn bất cập - ảnh 1
TS Phạm Thái trình bày tại hội nghị ngày 3-10. Ảnh:M.Vương

Cụ thể, nhóm một là các biện pháp ngăn chặn bao gồm giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khởi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh…

Theo TS Thái, biện pháp cưỡng chế chỉ áp dụng trong vụ án hình sự cụ thể đã khởi tố hay có thể áp dụng trước khi khởi tố, vấn đề này vẫn còn tranh luận. Trong số đó, các biện pháp ngăn chặn được áp dụng phổ biến nhất trong thực tế giải quyết các vụ án hình sự. Tuy vậy, tự thân những biện pháp này đã minh định với mục đích là để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc phòng ngừa người phạm tội gây khó khăn cho việc điều tra.

Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, đối tượng bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần nhận thức chính xác, rõ ràng. Áp dụng các biện pháp này trong trường hợp cần thiết, dựa trên căn cứ luật định. Những chủ thể tiến hành tố tụng cũng cần nhận thức các biện pháp ngăn chặn không phải hoạt động điều tra, các biện pháp ngăn chặn không có tính bắt buộc mà ngược lại có sự lựa chọn.

Ts Thái cũng nêu lên một bất cập là quy định của BLTTHS 2015 thì biện pháp “giữ người trong trường hợp khẩn cấp” được thay thế cho biện pháp “bắt người trong trường hợp khẩn cấp”.

Thông thường thì phải có bắt rồi mới tạm giữ, tạm giam. Mục đích của bắt là để tạm giữ, tạm giam. Các hành vi tố tụng này luôn đi liền, gắn chặt với nhau. Khi CQĐT tiến hành sẽ ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lập biên bản giữ người lại phải tiếp tục ra lệnh và thi hành lệnh bắt đối tượng đã giữ hợp pháp trước đó.

Áp dụng đối với người dưới 18 tuổi  

Theo NCS.Trịnh Duy Thuyên (Chuyên viên phòng NCKH và hợp tác quốc tế, trường ĐH Cảnh sát nhân dân TP.HCM) thì áp dụng các biện pháp xử lý mục đích phải lấy giáo dục làm chính. Do đó, biện pháp cưỡng chế vẫn có thể áp dụng đối với người dưới 18 tuổi nhưng sẽ theo những quy định riêng.

Chuyện bắt, giữ người trong tố tụng hình sự còn bất cập - ảnh 2
ông Thuyên trình bày tại hội nghị ngày 3-10. Ảnh:M Vương

Theo ông Thuyên, biện pháp cưỡng chế đối với người dưới 18 tuổi có thể được hiểu là “những biện pháp mang tính chất quyền lực của nhà nước, có tính chất lựa chọn để áp dụng đối với người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật hình sự, do cơ quan có thẩm quyền áp dụng trong từng giai đoạn tố tụng. Khi có căn cứ cho rằng họ sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục phạm tội cũng như khi cần đảm bảo thi hành án.”

Ông Thuyên cũng nêu những bất cập trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với người dưới 18 tuổi. Về căn cứ áp dụng chỉ thực hiện khi thật cần thiết. Tuy nhiên,trường hợp nào là cần thiết thì BLTTHS 2015 chưa giải thích rõ.

Về việc giữ người, theo quy định của BLHS thì người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hình sự về một số tội phạm nhất định. Đồng thời, hành vi chuẩn bị phạm tội vi phạm quy định tại điều 123 BLHS (tội giết người), điều 168 BLHS (tội cướp tài sản) mới được áp dụng áp dụng giữ người trong trường hợp khẩn cấp.

Khi không còn căn cứ để tạm giữ, tạm giam thì cơ quan có thẩm quyền phải kịp thời hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác. “Đối với người từ 14 đến dưới 16 tuổi, khi hết thời hạn điều tra, không nên gia hạn tạm giam, tạm giữ” – ông Thuyên nêu quan điểm.

Cạnh đó, biện pháp áp giải luật cũng không đưa ra cụ thể các trường hợp nào được áp dụng mà chỉ nêu ra đối tượng bị áp giải.

Nêu kiến nghị, ông Thuyên đề cập đến vấn đề phải ban hành văn bản hướng dẫn xác định trường hợp nào là cần thiết, có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn , biện pháp áp giải. Theo đó, có thể liệt kê ra một số hành vi cần thiết phải áp dụng đối với người dưới 18 tuổi. Cụ thể, không có nơi cư trú rõ ràng, không xác định được lý lịch, có dấu hiệu bỏ trốn, bị bắt theo trường hợp truy nã, đe dọa, trả thù người làm chứng, bị hại….

Tách bạch giữa ngăn chặn và cưỡng chế

Nêu quan điểm, luật sư Vũ Phi Long (nguyên phó chánh tòa Hình sự, TAND TP.HCM) cho rằng biện pháp ngăn ngặn và biện pháp cưỡng chế là hai biện pháp khác nhau, tách biệt và không liên quan với nhau.

Theo ông Long, biện pháp ngăn chặn chỉ sử dụng cho đối tượng duy nhất là người bị buộc tội. Có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn như tạm giam, tạm giữ, cấm đi khỏi nơi cư trú, cấm xuất cảnh. Nói cách khác, đây là biện pháp chỉ sử dụng cho bị can, bị cáo và không áp dụng cho đối tượng nào khác.

Trong khi đó, biện pháp cưỡng chế bao gồm kê biên, phong tỏa, áp giải, dẫn giải là áp dụng chung cho nhiều đối tượng khác, không chỉ riêng bị can, bị cáo.

MINH VƯƠNG

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ XUÂN LÂM

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến: 0903 918 848

Số điện thoại Luật sư Lâm: 0903 918 848

Trụ sở: 250A Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM

Email: lxlamlaw@gmail.com- Website: www.luatsulam.com.vn