Tiêu chí Văn phòng Luật sư Xuân Lâm chúng tôi là:

– Uy tín

– Chuyên nghiệp

– Hiệu quả cùng có lợi

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận: Vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp và pháp luật về thi hành án

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận: Vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp và pháp luật về thi hành án

Bản án của Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bình Thuận có hiệu lực pháp luật hơn 1 năm, đang chuẩn bị cưỡng chế thi hành án (THA), thì Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Bình Thuận có Thông báo hoãn, do có đơn khiếu nại. Đây là hành vi trái pháp luật, vì đơn khiếu nại không phải là căn cứ để hoãn THA. Trong khi đó, người được THA tố cáo chấp hành viên vòi tiền…

 09:04, 24/04/2018
Vụ tranh chấp chưa từng có

Năm 2002, vợ chồng bà Huỳnh Thị Truyền về quê ngoại, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận mua một căn nhà trên thửa đất 566m2, đứng tên bà Nguyễn Thị Đào và 21.604m2 đất màu đứng tên ông Phạm Trung Nhân (con bà Đào). Ngày 2/10/2002, UBND huyện Bắc Bình ra quyết định thu hồi 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đứng tên bà Đào, ông Nhân, để cấp cho bà Truyền. Hơn 4 năm sau, ngày 27/12/2006, ông Nhân đưa nhiều người đến, đuổi người làm công của bà Truyền để giành lại tài sản đã bán, hủy hoại mọi thành quả lao động của bà Truyền, rồi khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng vì bên mua không trả tiền. TAND huyện Bắc Bình và TAND tỉnh Bình Thuận đã xử cho nguyên đơn thắng kiện.

Báo Người cao tuổi đã có hàng chục bài khẳng định, đây là vụ cướp lại tài sản đã bán và được 2 cấp tòa “tiếp tay”. Sau đó, TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm, tuyên hủy 2 bản án nói trên để xét xử sơ thẩm lại. Nhưng phải đến 8 năm sau, khi lãnh đạo cũ “hạ cánh” an toàn, TAND tỉnh mới đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần 2.

Phía nguyên đơn cho rằng: “Vì là bà con nên tạo điều kiện cho bà Truyền sang tên trước, thanh toán sau. Nhưng rồi bà Truyền không thanh toán”. Nói thế thật khó nghe. Nếu bảo bên mua chưa đủ tiền mà bên bán cho sử dụng đất trước để kịp thời vụ thì còn có lí. Nhưng sang tên trước trả tiền sau thì có lợi gì và trả tiền sau là bao lâu? Tuy bị đơn không có nghĩa vụ chứng minh là đã thanh toán, nhưng nhiều căn cứ đã nói lên điều này: Một là hợp đồng chuyển nhượng có chữ kí 2 bên, thanh toán một lần bằng tiền mặt vào ngày 26/8/2002, được UBND xã xác nhận. Hai là chứng từ bên bán nộp thuế chuyển nhượng, bên mua nộp lệ phí trước bạ. Ba là quyết định thu hồi 2 sổ đỏ của bà Đào, ông Nhân và 2 sổ đỏ đứng tên bà Truyền.

Phiên tòa diễn ra rất dân chủ, 2 bên tranh luận thoải mái, không có căn cứ chứng minh bị đơn chưa thanh toán. Bản án số 03/2017/DS-ST ngày 13/3/2017 của TAND tỉnh Bình Thuận, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bà Đào, ông Nhân trả lại toàn bộ nhà, đất đã chuyển nhượng cho bị đơn theo hợp đồng ngày 26/8/2002.

Thông báo hoãn THA là trái luật

Bản án số 03/2017/DS-ST không bị kháng cáo, có hiệu lực pháp luật đã hơn một năm, chuẩn bị để sáng 20/3/2018 sẽ cưỡng chế THA, thì trước “giờ G”, Cục THADS tỉnh Bình Thuận có Thông báo số 82-THADS ngày 19/3/2018, hoãn cưỡng chế THA do có đơn khiếu nại!?

Điều 106 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Bản án, quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Khoản 2, Điều 48 Luật THADS quy định: “Thủ trưởng cơ quan THA ra quyết định hoãn THA khi nhận được yêu cầu hoãn THA của người có thẩm quyền ít nhất là 24 giờ, trước thời điểm… đã ấn định trong quyết định cưỡng chế”. Thế nhưng trong khi không có yêu cầu nào của người có thẩm quyền, Cục THADS tỉnh Bình Thuận lại “nại” cớ có đơn khiếu nại, để hoãn THA là vi Hiến và vi phạm Luật THADS.

Phóng viên Báo Người cao tuổi đã 2 lần làm việc với Cục THADS tỉnh Bình Thuận, nói rõ đây là hành vi trái luật. Thông báo hoãn cưỡng chế THA, không nêu căn cứ theo luật định, mà lại viện dẫn đơn khiếu nại. Thậm chí còn khẳng định sẽ tiếp tục THA khi có kết quả giải quyết đơn này. Nghĩa là Cục THADS tỉnh Bình Thuận định xem xét lại nội dung bản án!? Nếu như vậy là lạm quyền. Vì thẩm quyền xem xét lại bản án là của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, chứ không phải của Cục THADS địa phương. Cơ quan THA không thể mượn bất cứ lí do gì, kể cả sợ bản án xử sai, để không tổ chức THA. Như vậy thì còn gì là tính nghiêm minh của pháp luật? Hơn ai hết, Cục THADS tỉnh Bình Thuận phải hiểu rõ quy định của Luật THADS, đơn khiếu nại hay dư luận về nội dung bản án không phải căn cứ để hoãn THA. Chỉ trong trường hợp bản án bị kháng nghị, có văn bản yêu cầu hoãn THA, thì Thủ trưởng cơ quan THA mới được ra quyết định hoãn THA (chứ không phải thông báo).

Chấp hành viên nhũng nhiễu, lãnh đạo Cục “lừa” nhà báo

Phía bị THA khiếu nại cho rằng, 2 tài sản nói trên, một sổ đỏ ghi là “hộ” Nguyễn Thị Đào, một sổ đỏ ghi là “hộ” Phạm Trung Nhân, nhưng khi chuyển nhượng thì chỉ có bà Đào và ông Nhân kí. Sự thật đây không phải đất giao cho hộ, mà 2 tài sản này là của ông Nguyễn Văn Dũng, Việt kiều Mỹ, nhờ bà Đào, ông Nhân đứng tên (ông Dũng là em bà Đào). Khi tranh chấp xảy ra, bà Đào, ông Nhân và những người bán cho họ đều khai với TAND huyện Bắc Bình như thế (có Bút lục).

Theo điều tra của phóng viên, thửa đất 21.604m2, một nửa là của ông Nguyễn Văn Hải bán cho ông Dũng năm 2001, do ông Nhân đứng tên giùm. Còn căn nhà trên 566m2 đất, là nhà ông Nguyễn Quốc Khánh, có 300m2 đất ở, phần đất ở còn lại là của ông Nguyễn Trung Thành, em ông Khánh, cũng bán cho ông Dũng, do bà Đào dứng tên giùm, nhưng không hiểu sao sổ đỏ lại ghi là “hộ” bà Đào, “hộ” ông Nhân? Phải chăng có sự nhầm lẫn khi in sổ đỏ? Tuy nhiên, hơn 10 năm tranh chấp, nguyên đơn chỉ nói do bị đơn không trả tiền, còn người liên quan quyền lợi không nêu chuyện đất cấp cho hộ. Nay 3 người em ông Nhân lại khiếu nại là đất cấp cho hộ. Vậy 10 năm qua, 3 người này vẫn ở địa phương, sao không có ý kiến, vậy đâu là sự thật?

Bà Truyền hết sức bức xúc: “Gia đình tôi rất khó khăn, một tài sản lớn bị chiếm dụng trái phép, 16 năm nay đã không sinh lợi, còn tốn công khiếu nại, hầu tòa. Ông Hà Vi Tùng, chấp hành viên của Cục THADS tỉnh Bình Thuận rất nhiều lần xin tiền, tôi không có, lại ở xa, nhờ người đại diện của tôi ở Phan Thiết đưa 8 lần, mỗi lần 2 – 3 triệu đồng. Sau Tết Bính Tuất, ông Tùng nhắn tin, gửi số tài khoản xin tiền, tôi chỉ gửi vào tài khoản của ông 2 triệu đồng. Trong một bữa nhậu, ông Tùng nói với người đại diện của tôi (có nhiều người nghe): “Bà Truyền “kẹo” (keo kiệt), không bồi dưỡng thì khỏi thi hành án…”. Khi làm việc với Cục THADS tỉnh Bình Thuận, phóng viên nhắc chuyện chấp hành viên nhũng nhiễu, một vị lãnh đạo Cục cho phóng viên biết: “Bản án nói trên của TAND tỉnh Bình Thuận đã có kháng nghị. Nếu vậy thì không cần thiết gặp để trao đổi về THA nữa”. Tuy nhiên, đến nay bản án này vẫn không bị kháng nghị (như vậy là lãnh đạo Cục THADS tỉnh Bình Thuận đã “lừa” nhà báo).

Đề nghị Tổng cục THADS có biện pháp, để Cục THADS tỉnh Bình Thuận nhanh chóng tổ chức thi hành Bản án số 03/2017/DS-ST ngày 13/3/2017 của TAND tỉnh Bình Thuận. Có như vậy, phép nước mới được giữ nghiêm, Hiến pháp, pháp luật mới được tôn trọng

Trần Mỹ

Tối đa 500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích

Chưa có bình luận nào cho bài viết

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ XUÂN LÂM

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến: 0903 918 848

Số điện thoại Luật sư Lâm: 0903 918 848

Trụ sở: 250A Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM

Email: lxlamlaw@gmail.com- Website: www.luatsulam.com.vn