Luật sư có thể trải qua ngàn vụ án, thắng thua trong tích tắc, còn thân chủ- có khi cả đời mới một lần đụng chuyện và nổi hay chìm chỉ trong một bản án.
Đó là nhận định của luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM) trong thực trạng nhiều luật sư sử dụng mạng xã hội gây áp lực đến cơ quan công quyền, tạo sự hả hê cho người nhà thân chủ. Báo Người Lao Động xin đăng ý kiến của luật sư về vấn đề này.
Nếu hỏi chọn bảo vệ đối tượng nào thì câu trả lời của tôi là việc bảo vệ thân chủ là nghĩa vụ tối cao.
Trong học và hành luật ai cũng nắm nguyên tắc pháp chế XHCN. Khái niệm và định nghĩa thì dài dòng nhưng nôm na là phải bảo vệ cái to nhất là pháp luật rồi mới đến các chủ thể, nội dung khác. Với luật sư thì buộc họ phải đặt thân chủ mình xuống hàng thứ 2.
Đừng nên nói rằng chỉ có nước ta mới có cái nguyên tắc ấy. Thật ra hệ thống pháp luật là công cụ để quản lý xã hội của Nhà nước vì vậy hầu như các nước đều giương cao nguyên tắc này, tức ý thức chấp hành pháp luật là tối cao. Tuy nhiên, phân tầng cho từng loại xã hội thì nguyên tắc này được ứng dụng và sử dụng khác nhau. Cũng từ đó nhiều nước đặt phần thưởng cho việc phát hiện ra các kẽ hở của hệ thống luật pháp nước đó đối với mọi đối tượng. Và luật sư rất thường được …..lãnh thưởng.
Một phiên tòa có đông bị cáo và nhiều luật sư tham gia
Luật sư suốt ngày chỉ xoáy xoay vào các quy định pháp luật nhằm tìm ra chỗ mà chen vào để bảo vệ tốt nhất cho thân chủ. Nhưng phải nhớ đó là sự lách luật chứ không phải làm trái pháp luật rồi che giấu để không bị phát hiện. Xe gắn máy thấy vạch rời mà chuyển làn sang làn xe hơi để vượt qua phương tiện khác hay vật cản. Điều đó nguy hiểm vì lưu thông không đúng làn đường nhưng pháp luật cho phép khi việc ấy chỉ tạm thời chứ không được sử dụng làn ô tô cho xe máy của mình. Đó là cái lách trong thực tế cuộc sống.
Lách luật cũng như thế. Tuy nhiên, có nhiều người lại nhầm lẫn giữa lách luật với làm trái pháp luật mà chưa bị phát hiện. Luật sư càng phải tìm ra nhiều kẽ hở ấy để làm cơ sở mà bảo vệ cho thân chủ, tìm ra được càng nhiều thì càng tăng độ giỏi của mình. Bởi để hình thành nên một quy định, một chế định, quy phạm hay luật, bộ luật thì cả rừng các nhà chuyên môn vào cuộc nhưng quy định đặt ra vẫn không thể bịt kín hết mọi chỗ hở. Vậy người tìm ra được kẽ hở ấy phải là người giỏi. Nhà nước cần khuyến khích cho cái sự tìm ra kẽ hở ấy mà còn tìm cách trám lại cho hoàn chỉnh. Vì thế cả vấn đề phần thưởng cũng là sáng kiến hay và nên làm.
Khi thực hiện nghĩa vụ bảo vệ cho thân chủ, tôi phải tìm đủ mọi phương cách trong đó khai thác mạnh hệ thống pháp luật giăng mắc kia để tạo một điểm tựa cho sự phản bác, cáo buộc.
Đó là nói về vấn đề bảo vệ cái nào và điều gì. Thế có phải vì bảo vệ cho thân chủ mà ta xem nhẹ pháp luật hay dìm các đại diện của cơ quan tố tụng hay không? Chắc chắn là không.
Muốn ta lên cao thì không phải bằng cách dìm người ta xuống thấp. Các trận tranh tài thể thao sau khi kết thúc thì cả người thắng lẫn kẻ thua đều khen nhau. Người thua công nhận vì đối thủ quá hay nên ta mới thua, chứ thua một kẻ xoàng thì ta còn tệ hơn kẻ ấy. Vì vậy càng nâng đối thủ thì vai của ta càng cao. Bạn thắng thì khen kẻ thua, bởi kẻ thua quá giỏi tức ta thắng được người giỏi mà. Như thế nguyên tắc nâng cao đối thủ luôn đúng, tất nhiên đúng trong trường hợp cùng chính trực, dưới thắt lưng thì không kể vào đây.
Trong trận chiến pháp lý thì có khác một chút, bởi ở tính phức tạp và quá nhiều các quy định mà không phải ai cũng đã đọc hoặc nghiền ngẫm tới. Có thể chê bai người có vị trí, thẩm quyền ấy nhưng không trang bị cho mình đủ lượng kiến thức để hành xử đúng hay quá cố chấp không dung nạp luận lý đúng. Tuy nhiên việc tung hô thân chủ của mình là người đã thực hiện hành vi tội phạm và đối kháng với các cơ quan tố tụng thì không ổn lẫn không được. Dù thấy không ít những điều trái ngang nhưng tôi có niềm tin rằng đó không phải là số nhiều.
Nghề luật sư bắt buộc loại trừ các câu hỏi với thân chủ “ông/bà/anh/chị…. có thực hiện hành vi phạm tội đó không? Có đâm/chém/giết.. người đó không….” mà có hệ thống các câu hỏi khác “nghệ thuật” hơn để nắm bắt sự thật. Vụ án oan sai là không ít nhưng không thể nói là nhiều. Nhiều ở đây là tôi tính ở tỷ lệ vài phần trăm. Nhưng nhân nó thành điển hình cho cả một nền tư pháp thì không được.
Với tôi, khi ra tòa tôi luôn thấy mình đang thực hiện một trọng trách và luôn ưu tư. Trọng trách bởi số phận pháp lý của thân chủ có được trắng án hay gia giảm chút nào? Còn ưu tư thì luôn tự hỏi mình làm gì? Có làm đúng không? Rồi như thế nào là đúng trong hành nghề luật sư?
Án dân sự thì có bên thắng nên phải có bên thua và người thua không hẳn họ không có lý mà còn vì nhiều lý do khác nhưng cái thắng ắt không được đạp qua đạo đức.
Án hình sự, cái sự thắng thua không rõ như phi hình sự nhưng đó là sự được hoặc được ít, không được. Chọn cho mình kết quả cuối cùng nào luôn là sự suy tính lớn, rất lớn của nghề nghiệp. Được vạ thì má đã sưng, trạng chết chúa cũng băng hà… là những dằn vặt lớn khi tự hỏi lợi ích mình đang mang lại cho thân chủ là gì. Dung hòa giải pháp và kết quả tốt nhất luôn được đặt ra chứ không phải sự thắng thua. Thắng nhưng hệ lụy thì vô cùng là không thể chấp nhận.
Như thế cái sự tiến lùi trong từng bước đi được cân nhắc thật cẩn thận. Chẳng để thỏa mãn mình thậm chí còn nén mình lại để thân chủ đạt được mục đích, có được kết quả tốt thì luật sư cũng sẵn sàng.
Luật sư có thể trải qua ngàn vụ án, ở đó thắng thua, được hơn chỉ trong tích tắc, còn thân chủ – có khi cả đời họ mới một lần đụng chuyện và cuộc đời nổi hay chìm chỉ trong một bản án ấy. Vì vậy không thể vô cảm, bất cần hay chỉ nhằm thỏa mãn bản thân mà thân chủ phải nhận lãnh một kết cục tồi tệ.