Tiêu chí Văn phòng Luật sư Xuân Lâm chúng tôi là:

– Uy tín

– Chuyên nghiệp

– Hiệu quả cùng có lợi

Dân bị chính quyền ‘kiện ngược’ trong vụ tranh chấp quyền sử dụng đất

Dân bị chính quyền ‘kiện ngược’ trong vụ tranh chấp quyền sử dụng đất

Bà Huỳnh Thị Lan Phương nhiều lần gửi đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền tỉnh Tây Ninh, đồng thời có đơn khởi kiện về vụ “Tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất” nhưng chưa được giải quyết. Nay, UBND thị xã Trảng Bàng lại “kiện ngược” bà Lan Phương.

Chúng tôi đã đặt một số câu hỏi liên quan đến vấn đề này với luật sư Trần Duy Cảnh – Giám đốc điều hành Công ty luật TNHH Luật Việt (TP.HCM).

Trước hết, đề nghị luật sư cho biết, Quyết định số 1062/QĐ-CT ngày 7.11.2001 của UBND tỉnh Tây Ninh có căn cứ pháp luật không?

Luật sư Trần Duy Cảnh: Quyết định (QĐ) này về việc thu hồi đất 939,06 ha đất của Nông trường Cao su Bời Lời (nông trường) có một số điểm không có căn cứ pháp luật (PL) như sau: Nhầm lẫn về đối tượng bị thu hồi. QĐ đó có ghi rõ nội dung là “đối tượng bị thu hồi đất là Nông trường Cao su Bời Lời”, không phải là bà Huỳnh Thị Lan Phương. Trong khi, bà Phương là người được trực tiếp khai thác theo hợp đồng (HĐ) giao khoán với nông trường và bị ảnh hưởng trực tiếp khi đất bị thu hồi. Khẳng định rõ là nông trường thực hiện giao khoán khai thác đất cho bà Lan Phương là đúng theo quy định PL của Chính phủ tại thời điểm đó. Bà Lan Phương phải là đối tượng bị thu hồi đất, và do vậy phải giải quyết các vấn đề liên quan đến lợi ích hợp pháp với bà Lan Phương, chứ không phải với nông trường. Nhưng QĐ trên đã phớt lờ, không đưa bà Lan Phương vào để giải quyết quyền lợi hợp pháp cho bà là không đúng thực tế sử dụng đất và quy định của PL.

Dân bị chính quyền 'kiện ngược' trong vụ tranh chấp quyền sử dụng đất - ảnh 1
Cao su đang trồng tại khu đất do Nông trường Cao su Bời Lời giao cho bà Huỳnh Thị Lan Phương

ẢNH: THIÊN THẢO

Cơ sở pháp lý thu hồi đất cũng không đúng quy định PL. UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng “do giảm nhu cầu sử dụng đất…” (Khoản 1, Điều 26, luật Đất đai năm 1993) là không đúng với thực trạng sử dụng đất. “Giảm nhu cầu sử dụng” phải được hiểu là không có ai khai thác, gây lãng phí. Đối với phần đất bà Lan Phương được nông trường ký HĐ giao khoán đúng PL đang được trồng và khai thác cao su thì không thể được xem là không sử dụng hết, giảm nhu cầu sử dụng để thu hồi. Hơn nữa, việc bà Phương đã sử dụng nhiều lao động tại địa phương, đổ bao nhiêu công sức, thời gian và đặt nhiều hy vọng vào thành quả… giờ không thể thu hồi trắng như vậy được. PL và đạo đức không cho phép làm chuyện đó.

Cuối cùng, tuyên bố giao dịch vô hiệu là thẩm quyền của tòa án chứ không phải của UBND tỉnh Tây Ninh. QĐ số 1062/QĐ-CT ngày 7.11.2001 không nêu lý do thu hồi “là do các hợp đồng kinh tế giữa nông trường và bà Lan Phương là vô hiệu”. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện QĐ trên thì UBND tỉnh Tây Ninh và UBND huyện Trảng Bàng (hiện nay là UBND thị xã Trảng Bàng) lại nêu lý do “do các hợp đồng kinh tế giữa Nông trường Cao su Bời Lời và bà Lan Phương là vô hiệu” để liên tiếp thúc ép bà Lan Phương phải giao đất. UBND thị xã Trảng Bàng đang có dấu hiệu vi phạm quy định PL khi liên tiếp khẳng định HĐ ký giữa nông trường và bà Lan Phương là vô hiệu. Tính đến hiện tại, chưa có bản án nào của tòa xác định các hợp đồng giữa nông trường và bà Lan Phương là vô hiệu nên chúng vẫn có giá trị pháp lý.

Bà Huỳnh Thị Lan Phương đã tiến hành khiếu nại nhiều lần về những quyết định của chính quyền các cấp của tỉnh Tây Ninh mà chưa được giải quyết, ý kiến của luật sư như thế nào?

Bà Lan Phương đã khiếu nại các thông báo của UBND thị xã Trảng Bàng có liên quan đến việc thu hồi đất. Tuy nhiên, đã quá thời hạn giải quyết khiếu nại rất lâu rồi mà UBND thị xã vẫn im lặng, không giải quyết khiếu nại theo quy định của PL. Bà Lan Phương cũng đã có khiếu nại các QĐ thu hồi đất đến UBND tỉnh Tây Ninh. UBND tỉnh có Thông báo số 1839 TB-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh từ chối giải quyết khiếu nại của bà Lan Phương với lý do đây là các “Quyết định hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ và không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của bà Lan Phương”. Việc trả lời này là không có căn cứ PL vì đây là các QĐ thu hồi quyền sử dụng đất (QSDĐ), ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của bà Lan Phương. Cụ thể, ảnh hưởng đến QSDĐ và tài sản tạo lập trên đất.

UBND huyện Trảng Bàng (nay là UBND thị xã Trảng Bàng) cũng ra liên tiếp các thông báo từ năm 2017 – 2021 nhằm thu hồi diện tích đất của bà Lan Phương làm thiệt hại rất nghiêm trọng tài sản, tinh thần, danh dự, uy tín… của bà Lan Phương. Theo luật Khiếu nại năm 2011 thì QĐ 1062 nêu trên của UBND tỉnh Tây Ninh phải được xác định là QĐ hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh. Do xâm phạm đến quyền, lợi ích của bà Lan Phương nên các khiếu nại của bà Phương phải được giải quyết theo thủ tục khiếu nại chung mà PL đã quy định.

Dân bị chính quyền 'kiện ngược' trong vụ tranh chấp quyền sử dụng đất - ảnh 2
Nhiều công nhân gần 20 năm nay sống bằng thu nhập từ chủ của vườn cao su

ẢNH: THIÊN THẢO

Ông có ý kiến gì khi mới đây UBND thị xã Trảng Bàng khởi kiện bà Lan Phương tại Tòa án nhân dân thị xã Trảng Bàng?

Trước hết, không thấy căn cứ vào quy định PL nào để Tòa án nhân dân thị xã Trảng Bàng có thẩm quyền giải quyết “Tranh chấp đòi tài sản là quyền sử dụng đất” giữa một bên là cơ quan nhà nước quản lý về đất đai với người sử dụng đất. Theo quy định của PL đất đai thì những cơ quan này có thẩm quyền để cưỡng chế thu hồi đất sau khi đã có quyết định thu hồi đất và phải thực hiện các hoạt động như bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… Chính quyền thu hồi QSDĐ không sử dụng cơ quan tòa án để thực hiện mà là tự ra các quyết định hành chính. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nếu người sử dụng đất không thực hiện bàn giao QSDĐ thì phải thực hiện cưỡng chế, không thể khởi kiện bằng một vụ án dân sự. UBND thị xã Trảng Bàng với tư cách là người quản lý, không phải chủ sở hữu nên không thể tham gia với tư cách là chủ sở hữu để khởi kiện đòi tài sản là QSDĐ được.

UBND thị xã Trảng Bàng khởi kiện yêu cầu tuyên bố các HĐ giữa nông trường và bà Lan Phương vô hiệu cũng không đúng. Trong quy định của PL, chỉ có các bên tham gia giao dịch là nông trường và bà Lan Phương mới có quyền yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu, UBND thị xã Trảng Bàng không phải là bên tham gia HĐ nên không có quyền khởi kiện tuyên bố vô hiệu.

Tòa án nhân dân thị xã Trảng Bàng thụ lý giải quyết vụ án bằng một vụ án dân sự là không đúng quy định. Do vậy, cần phải căn cứ quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 217; Điểm a, Khoản 1, Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về người khởi kiện không có quyền khởi kiện để đình chỉ giải quyết vụ án.

Vậy theo ông, nếu đúng trình tự thủ tục pháp lý theo luật định thì UBND tỉnh Tây Ninh phải thực hiện ra sao?

Tóm lại, để thực hiện thu hồi phần diện tích đất của bà Lan Phương thì UBND tỉnh Tây Ninh phải thỏa thuận, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp theo các nội dung mà HĐ giao khoán đã ký với nông trường, thực hiện các thủ tục theo quy định của PL. Tỉnh phải có quyết định thu hồi đất mà đối tượng là bà Lan Phương, phải đền bù thỏa đáng theo quy định. Vụ việc giải quyết phải dựa vào PL để xử lý.

Cách làm khác, nông trường phải thỏa thuận với bà Lan Phương thanh lý chấm dứt các HĐ kinh tế đã ký và thực hiện thông qua thương lượng, hòa giải và bồi thường thiệt hại theo quy định tại Nghị định 135/2005/NĐ-CP và Nghị định 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Nếu không thỏa thuận được thì các bên có quyền khởi kiện ra tòa án. Khi bản án có hiệu lực thì tổ chức thi hành theo PL thi hành án dân sự.

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ XUÂN LÂM

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến: 0903 918 848

Số điện thoại Luật sư Lâm: 0903 918 848

Trụ sở: 250A Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM

Email: lxlamlaw@gmail.com- Website: www.luatsulam.com.vn