Tiêu chí Văn phòng Luật sư Xuân Lâm chúng tôi là:

– Uy tín

– Chuyên nghiệp

– Hiệu quả cùng có lợi

Đất của mình, muốn sử dụng, phải kiện ra tòa: Là sao?

Đất của mình, muốn sử dụng, phải kiện ra tòa: Là sao?
(PLO)- Theo chuyên gia, chủ đất đề nghị chính quyền nơi có đất lập biên bản hành vi lấn chiếm, gây cản trở cho việc sử dụng đất; sau đó chính quyền phải xử phạt, buộc khắc phục hậu quả.

Câu chuyện có đất nhưng không được sử dụng do bị người khác cản trở, lấn chiếm trên thực tế xảy ra không hiếm. Tuy nhiên, thay vì lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt người có hành vi cản trở, lấn chiếm đất thì chính quyền địa phương lại “chỉ qua tòa”.

Chỉ có thể kiện mới bảo vệ được quyền sử dụng đất?

Phản ánh tới Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Lượng (Tây Ninh) cho biết đầu tháng 3-2022 ông mua mảnh đất tại phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh. Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, ông được Sở TN&MT tỉnh cấp hai giấy chứng nhận.

Đất của mình, muốn sử dụng, phải kiện ra tòa: Là sao? ảnh 1
Ông Lượng đành bất lực vì không thể làm gì trên đất của mình. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Tuy nhiên, khi ông xây hàng rào thì bị hộ gia đình kế bên cầm hung khí đe dọa khiến ông không thể làm gì trên đất của mình.

Ông Lượng đã phản ánh với chính quyền địa phương nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm được. Về phía hộ kế bên, họ cho rằng đất là của mình nên không cho ai đến chiếm hữu, sử dụng.

Tương tự, bà HYL cho biết năm 2017 bà mua mảnh đất tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM; đã hoàn thành các thủ tục đăng bộ, cập nhật sang tên trên giấy chứng nhận.

Đầu tháng 8-2022, bà L xây hàng rào để bảo vệ đất. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, hộ dân kế bên đã điều máy xúc vào phá dỡ hết hàng rào. UBND xã Bình Lợi hòa giải ba lần đều không thành. Bà đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp bảo vệ cho người sử dụng đất (SDĐ), đồng thời xử lý hành vi của người cản trở. Tuy nhiên, UBND xã hướng dẫn bà kiện hộ kế bên ra tòa. Đến nay, bà L đã khởi kiện.

Liên quan đến trường hợp của ông Lượng, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch UBND phường Lộc Hưng, cho biết UBND phường đã nhiều lần mời hộ kế bên lên làm việc nhưng họ không hợp tác.

Trong buổi làm việc ngày 22-6, UBND phường yêu cầu họ cung cấp giấy tờ liên quan đến khu đất nhưng họ không cung cấp được. Trong khi đó, phía ông Lượng cung cấp hai giấy chứng nhận của khu đất.

“Do không có giấy tờ sở hữu nên UBND phường đã yêu cầu hộ này không được xâm phạm đến quyền SDĐ của ông Lượng” – chủ tịch UBND phường thông tin.

Đại diện UBND phường Lộc Hưng cũng cho biết do ông Lượng và hộ kế bên hòa giải không thành nên UBND phường đã hướng dẫn người dân kiện hộ kế bên để được giải quyết.

Ngăn cản chủ đất xây tường rào là lấn, chiếm đất

Nếu không cho người khác xây tường nhà vì lý do ghét, ngăn cản cho bõ ghét thì có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 16 Nghị định 91/2019.

Tuy nhiên, trường hợp ông Lượng và bà L là do hộ kế bên cho rằng đất là của mình nhưng lại không có giấy tờ hợp pháp chứng minh; do đó đây là hành vi lấn đất, chiếm đất.

TS CAO VŨ MINH

UBND có quyền xử phạt

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Cao Vũ Minh (Trường ĐH Kinh tế-Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) phân tích: Ông Lượng và bà L đều có giấy chứng nhận quyền SDĐ hợp pháp nên được toàn quyền thực hiện quyền của một chủ nhân đích thực. Hành vi của những chủ thể khác không cho họ thực hiện các quyền năng; ngăn cản, chống trả khi họ xây tường rào là lấn đất (nếu giáp ranh đất) hoặc chiếm đất (nếu không giáp ranh). Do đó, những hành vi này phải bị xử phạt theo Điều 14 Nghị định 91/2019 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 04/2022). Bên cạnh việc áp dụng hình thức xử phạt là phạt tiền thì còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả lại đất đã lấn, chiếm. Như vậy mới có thể bảo đảm quyền của ông Lượng và bà L, đồng thời khôi phục được trật tự pháp luật.

Hành vi lấn, chiếm đất là vi phạm hành chính nên UBND cấp xã phải lập biên bản và chuyển cho chủ tịch UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh xử phạt.

Hướng dẫn của UBND cấp xã trong hai trường hợp trên chỉ đúng khi các bên không có giấy tờ chứng minh hợp pháp, khi đó cần thiết phải kiện để tòa xác định. Còn ở hai trường hợp trên, hai chủ đất có giấy tờ rõ ràng thì UBND sẽ phải can thiệp giải quyết. Nếu xác định là chiếm đất, lấn đất thì UBND phải yêu cầu bên chiếm đất, lấn đất trả lại cho chủ đất; nếu người chiếm đất, lấn đất vẫn chây ì thì xử phạt, buộc khắc phục hậu quả chứ không thể “chỉ qua tòa”.

Ngoài ra, đối với hành vi đập tường rào nhà bà L thì đã cấu thành một vi phạm mới là hủy hoại tài sản của người khác. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 144/2021 hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu giá trị tài sản bị hủy hoại trên 2 triệu đồng theo Điều 178 BLHS.

Có thể kiện hành chính nếu chính quyền không giải quyết

Về nguyên tắc khi xảy ra hành vi lấn, chiếm, hủy hoại, gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc SDĐ của người khác, UBND cấp xã nơi có bất động sản tiến hành lập biên bản. Việc xử phạt vi phạm hành chính tuân theo Nghị định 91/2019.

Trường hợp UBND cấp xã không giải quyết thì người có quyền SDĐ có quyền khiếu nại lên cấp trên để giải quyết hoặc khởi kiện vụ án hành chính. Cụ thể là khởi kiện hành vi hành chính của UBND (không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật).

Luật sư HUỲNH TRỌNG NGHĨA, Đoàn Luật sư TP.HCM

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ XUÂN LÂM

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến: 0903 918 848

Số điện thoại Luật sư Lâm: 0903 918 848

Trụ sở: 250A Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM

Email: lxlamlaw@gmail.com- Website: www.luatsulam.com.vn