(PL)- UBND huyện cấp đất cho người khác từ phiếu chuyển của tòa án nên bị UBND tỉnh “tuýt còi”, nay người dân yêu cầu huyện phải bồi thường.
Ông Bùi Văn Chót (trú huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) phản ánh hộ gia đình ông bị UBND huyện Châu Thành (Hậu Giang) ra quyết định (QĐ) thu hồi giấy đỏ mảnh đất. Sau đó, cơ quan này ra thông báo hủy giấy đỏ rồi lại ra QĐ khác thu hồi QĐ và thông báo trên. Nhưng cuối cùng, đất của gia đình ông đã mất hơn 2.000 m2 nên ông yêu cầu UBND huyện phải bồi thường bằng tiền.
Từ biên bản hòa giải tại tòa
Cụ thể, năm 1997 hộ gia đình ông Chót được UBND huyện cấp giấy đỏ diện tích hơn 13.000 m2 đất. Năm 2005, UBND huyện thu hồi giấy đỏ nêu trên với lý do để thực hiện thỏa thuận giao trả đất cho bà Đ. (mẹ ông Chót). Năm 2007, UBND huyện Châu Thànhtiếp tục ra thông báo hủy bỏ giấy đỏ của hộ ông.
Sau khi ông khiếu nại thì tháng 6-2011, UBND huyện ra QĐ thu hồi QĐ và thông báo nêu trên với lý do là thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hậu Giang. Theo đó, công văn chỉ đạo của UBND tỉnh còn yêu cầu huyện hướng dẫn ông Chót gửi đơn tranh chấp đất đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
Lý do của việc thu hồi giấy đỏ nêu trên bắt nguồn từ việc bà Đ. khởi kiện ông Chót ra tòa đòi lại đất. Theo ông Chót, ngoài đất cha mẹ cho, vợ chồng ông còn mua thêm, sau đó gộp lại làm chung một giấy đỏ. Tháng 9-2004, TAND huyện Châu Thành (Hậu Giang) hòa giải, ông Chót đồng ý giao trả cho bà Đ. 150 m2 đất nhưng không đồng ý việc tách thành giấy đỏ khác.
Vợ chồng ông Bùi Văn Chót trình bày sự việc. Ảnh: N.NAM
Từ đó bà Đ. rút đơn khởi kiện, xin chuyển hồ sơ sang UBND huyện giải quyết nên tòa ra QĐ đình chỉ vụ án. QĐ đình chỉ nêu: “Xét thấy nguyên đơn rút đơn khởi kiện và xin chuyển toàn bộ hồ sơ vụ kiện sang UBND huyện Châu Thành và Phòng Giao thông, xây dựng, địa chính, rút giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Chót và điều chỉnh cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Đ.”.
Trong QĐ thu hồi giấy đỏ của hộ ông Chót, UBND huyện căn cứ vào biên bản hòa giải với nội dung nêu trên và căn cứ vào phiếu chuyển hồ sơ của tòa sang UBND huyện giải quyết theo yêu cầu của nguyên đơn.
Đòi UBND bồi thường đất bị mất
Sau đó, vào các năm 2007 và 2008, UBND huyện đã lấy ba thửa đất với tổng diện tích 2.506 m2 của gia đình ông Chót để công nhận cấp giấy đỏ cho bà Đ. Trong số này có một phần diện tích do tách địa giới hành chính nên thuộc địa phận quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Tiếp đó, bà Đ. đã tặng và chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất trên cho ba người khác.
Phải có văn bản xác định hành vi trái luật
Theo Điều 6, Điều 13 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, điều kiện để được bồi thường thì ông Chót phải có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của công chức UBND huyện Châu Thành là trái pháp luật trong việc thu hồi giấy đỏ và gây thiệt hại cho ông Chót.
Luật sư LÊ QUANG VŨ, Đoàn Luật sư TP.HCM
Sau khi ông Chót khiếu nại, đến năm 2011, UBND huyện đã có QĐ thu hồi QĐ thu hồi giấy đỏ và thu hồi thông báo hủy giấy đỏ như trên. Lúc này ông Chót đi đòi lại diện tích đất huyện đã tự tách và cấp giấy đỏ cho bà Đ. thì đất đã bị chuyển nhượng.
Ông Chót nói: “Khi tôi liên hệ UBND huyện, Phòng TN&MT thì được trả lời miệng là đất của tôi mẹ tôi đã tặng, chuyển nhượng cho người khác nên gia đình muốn lấy lại thì đi kiện người đang sở hữu đất đòi lại, chứ UBND không còn liên quan nữa…”. Theo hướng dẫn này, ông Chót khởi kiện ra tòa nhưng cả tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên bác yêu cầu đòi hơn 2.000 m2 đất của ông. Nay ông Chót có đơn yêu cầu UBND huyện phải bồi thường bằng giá trị tiền phần đất đã mất.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Hồng Tỉnh, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Châu Thành (Hậu Giang), cho biết nơi đây chưa nhận được đơn yêu cầu bồi thường của ông Chót. Theo ông Tỉnh, sau khi nhận đơn văn phòng mới có thể tham mưu cho chủ tịch UBND giải quyết. Đơn yêu cầu bồi thường của ông Chót phải cung cấp đầy đủ hồ sơ theo luật, yêu cầu cụ thể bồi thường bao nhiêu tiền, loại đất gì…
Ủy ban có lỗi nên phải bồi thường?
Theo tôi, trường hợp này UBND huyện Châu Thành (Hậu Giang) có hai điểm sai nên phải bồi thường cho ông Chót bằng giá trị đất hoặc phần đất khác tương ứng. Thứ nhất, căn cứ để thu hồi giấy đỏ của ông Chót dựa vào biên bản hòa giải ở tòa, không có tính pháp lý. Thứ hai, khi UBND huyện đã ra QĐ thu hồi các QĐ, thông báo liên quan đến việc thu hồi, hủy bỏ giấy đỏ của ông Chót thì lại không thu hồi cả giấy đỏ đã cấp cho bà Đ. dẫn đến hậu quả là đất đã chuyển dịch cho người khác, không lấy lại được. Vì có lỗi nên UBND huyện phải bồi thường cho ông Chót theo đơn yêu cầu. Luật sư TRẦN CHẤN HOÀNG, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ |