Ngày 31-5, lãnh đạo Công an TP Biên Hòa cho biết Công an thành phố đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, VKSND thành phố đồng loạt khám xét 8 địa điểm thuộc 6 phòng khám trên địa bàn. Hiện Ban Chuyên án đang tập trung mở rộng điều tra vụ làm giả giấy tờ để trục lợi bảo hiểm xã hội (BHXH).

Đã diễn ra từ lâu

Từ giữa năm 2022, Thanh tra BHXH tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc sau khi nhận được thông tin có tình trạng làm khống giấy chứng nhận bệnh án để hưởng BHXH.

Qua xác minh, phát hiện có 69 công nhân tại một công ty ở huyện Trảng Bom mua gần 350 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Các giấy này được mua với 3 mệnh giá là 70.000 đồng, 100.000 đồng và 150.000 đồng/giấy, tùy vào thời gian nghỉ từ 1-5 ngày tại phòng khám đa khoa Tân Long, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa.

“Những công nhân trên liên hệ với “cò” qua số điện thoại. Phía “cò” sẽ làm các giấy tờ từ A-Z và gửi về tận nơi. Công nhân gửi tiền thù lao trước hoặc gửi khi nhận giấy” – ông Nguyễn Hoàng Trúc, Trưởng Phòng Thanh tra – Kiểm tra BHXH tỉnh Đồng Nai, thông tin.

Ông Trúc cho biết năm 2022, BHXH tỉnh đã tiến hành kiểm tra đối với 3 phòng khám Tân Long, Tam Đức và Long Bình Tân. Qua kiểm tra, phát hiện một số trường hợp khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), cấp giấy chứng nhận nghỉ bệnh không đúng quy định. Từ đó, cơ quan chức năng đã thu hồi số tiền 7,2 tỉ đồng. Theo ông Trúc, khi phát hiện ra hiện tượng trục lợi bất chính, BHXH tỉnh đã chuyển hồ sơ tới công an.

Đủ trò trục lợi bảo hiểm xã hội - Ảnh 1.

Công an thu giữ cả trăm thùng tài liệu tại các phòng khám

Giải pháp phải đồng bộ

Trước thời điểm khám xét 8 địa điểm của 6 phòng khám, công an đã bắt giữ 2 đối tượng L.T.H, H.T.Đ (cùng ngụ phường Trảng Dài) khi họ đang tàng trữ hàng trăm các giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy khám sức khỏe đã được làm khống nội dung chuẩn bị giao cho những người đặt mua. Qua khám xét, hơn 130.000 giấy chứng nhận nghỉ bệnh để hưởng BHXH và hơn 400 tờ giấy khám sức khỏe (đã ghi khống kết quả, chưa có thông tin người khám), nhiều máy móc, tài liệu liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh được phát hiện tại 6 phòng khám này.

Đến nay đã có 40 người bị triệu tập. Công an xác định đường dây làm giả giấy tờ để trục lợi các khoản tiền bảo hiểm hoạt động một thời gian dài. Thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây là xác nhận khống cho công nhân bị bệnh để hưởng BHXH. Cụ thể, công nhân muốn báo ốm đã đi đến phòng khám “mua” giấy xác nhận bệnh. Khi có giấy xác nhận bệnh, công nhân nộp cho doanh nghiệp. Từ đây, doanh nghiệp lập danh sách công nhân bị bệnh gửi cho BHXH để họ được chi trả 75% lương

Hoạt động của đường dây có sự tham gia của nhiều đối tượng với thủ đoạn hết sức tinh vi, phức tạp. Hằng năm, các đối tượng thực hiện việc mua bán hàng chục ngàn giấy tờ giả các loại từ các phòng khám, hưởng lợi số tiền hàng trăm tỉ đồng.

Cũng theo công an, chủ một số phòng khám không chỉ bán giấy khám, chữa bệnh khống mà từ việc khám bệnh khống, họ “phù phép” hồ sơ của bệnh nhân để trục lợi cả BHYT.

Nói về giải pháp để ngăn chặn tình trạng trên, ông Phạm Minh Thành, Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai, khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra, siết chặt công tác quản lý hoạt động giải quyết thủ tục trợ cấp ốm đau, tai nạn lao động.

Theo ông Thành, để ngăn chặn thì phải có một nhóm giải pháp đồng bộ do nhiều cơ quan cùng thực hiện chứ một mình BHXH không thể làm được. “Chúng tôi đề nghị cho phép BHXH thanh tra việc chi BHXH, BHYT để bảo đảm phát hiện kịp thời hơn. Quan điểm của chúng tôi là phải quyết liệt, làm mạnh, làm sạch để không chỉ xử lý tình trạng trục lợi BHXH này ở riêng Đồng Nai mà còn cảnh báo cho các địa bàn khác” – Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai nói thêm.

Theo chuyên gia trong lĩnh vực an sinh, gần đây xuất hiện một loại hình trục lợi bảo hiểm mới là “cò bảo hiểm”. Các “cò” này sẽ hướng dẫn người lao động đang thất nghiệp làm hồ sơ rút tiền bảo hiểm. Khi nhận được, tiền sẽ được chia cho họ một phần.

5 phút là có giấy

Từng đi mua giấy chứng nhận nghỉ bệnh, anh Quang Anh (44 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) cho biết do có việc cần nghỉ, gần đây anh ra một phòng khám trên địa bàn phường Long Bình Tân gặp và nói muốn nghỉ 3 ngày bệnh để nữ nhân viên hướng dẫn việc xác nhận để làm thủ tục hưởng BHXH.

“Tại đây, tôi chỉ cần đưa thông tin cá nhân, thẻ BHYT và 150.000 đồng là xong. Khoảng 5 phút chờ là có giấy nghỉ phép bệnh mà không cần khám” – anh Quang Anh kể.

Nhiều thủ đoạn

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện BHXH Việt Nam khẳng định cán bộ ngành không liên quan đến đường dây mua, cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Theo BHXH Việt Nam, tình trạng gian lận, trục lợi BHXH đã xảy ra nhiều năm với các hình thức, thủ đoạn tinh vi như trốn đóng, nợ BHXH. Ngoài ra là tình trạng mua bán sổ BHXH qua mạng xã hội bằng hình thức nhận ủy quyền; mua bán, cấp khống giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; người lao động mang sổ BHXH của mình đi cầm cố hoặc bán cho các đối tượng bên ngoài xã hội.

Bên cạnh đó là tình trạng trục lợi bảo hiểm thai sản, trong đó có việc doanh nghiệp tuyển lao động là phụ nữ mang thai, thực hiện đăng ký đóng BHXH nhưng thực tế không làm việc tại đơn vị để trục lợi BHXH thông qua việc giải quyết chế độ thai sản khi sinh con…

Thêm nữa, với tâm lý vừa được hưởng tiền lương vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhiều trường hợp người lao động đã tìm được việc làm nhưng không thông báo cho cơ quan lao động, cơ quan BHXH để tiếp tục nhận trợ cấp, trục lợi quỹ.

Để giảm thiểu tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH và BHYT, đại diện BHXH Việt Nam cho hay ngành đã tăng cường thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử kết hợp với phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống. Từ năm 2022 BHXH Việt Nam đã phối hợp Bộ Công an trong việc xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật, từ đó truy thu về quỹ BHXH hàng chục tỉ đồng.

Ngọc Dung

Bài và ảnh: NGUYỄN TUẤN