Giám đốc bộ phận nghiên cứu tại quỹ BullionVault, ông Adrian Ash, nói với MarketWatch: “Tăng trưởng việc làm lên mạnh, lợi suất trái phiếu tăng cũng như xuất hiện thêm nhiều khả năng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được duy trì ở ngưỡng cao trong thời gian dài hơn, tuy nhiên giá vàng thế giới vẫn tiếp tục tăng. Giờ đây yếu tố bất ổn địa chính trị đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá vàng chứ không phải các số liệu kinh tế hay triển vọng lãi suất”.
Cũng theo ông Ash, giờ đây khi mà căng thẳng Nga – Ukraine đang tiềm ẩn khả năng tăng mạnh hơn nữa, hoàn toàn có lý do để tin rằng các quỹ đầu tư toàn cầu sẽ mua vàng bằng mọi giá.
Mới đây Jerusalem Post đưa tin các sứ quán của Israel đã được đặt trong tình trạng báo động sau khi Iran thề sẽ trả đũa vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào lãnh sự quán Iran ở Damascus, Syria hồi đầu tuần này. Còn theo tờ Times of Israel đưa tin vào trước đó, quân đội Israel đã dừng cho phép các binh sỹ thuộc lực lượng chiến đấu về nghỉ phép trong bối cảnh căng thẳng với Tehran leo thang.
Vàng là tài sản có vai trò “hầm trú ẩn” và không mang lãi suất, chính vì vậy khi rủi ro địa chính trị gia tăng và triển vọng lãi suất giảm, đó là môi trường có những yếu tố có lợi cho giá vàng. Từ khi căng thẳng quân sự Israel-Hamas nổ ra vào tháng 10 năm ngoái đến nay, giá vàng thế giới đã tăng 25%.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá vàng thế giới trên thị trường New York tăng 22,70USD/ounce tương đương 1% lên 2.331,2USD/ounce, theo số liệu của FactSet.
Thị trường chứng khoán Mỹ và đồng USD tăng giá trong phiên cuối cuần. Báo cáo thị trường việc làm Mỹ tháng 3-2024 phát đi nhiều thông điệp tích cực vượt kỳ vọng của các chuyên gia, nó đẩy lùi khả năng FED hạ lãi suất cơ bản đồng USD trong thời gian ngắn.
Trong thông báo mới nhất về thị trường lao động, Bộ Lao động Mỹ công bố trong tháng 3-2024, các doanh nghiệp Mỹ tuyển dụng nhiều người lao động hơn so với tính toán trước đó của các chuyên gia, đồng thời mức lương người lao động cũng tăng đều đặn.
Trưởng bộ phận chiến lược tại quỹ Ameriprise Financial tại Michigan – Mỹ, ông Anthony Saglimbene, cho biết nhà đầu tư hiện đang tính toán về việc liệu FED có tiếp tục hạ lãi suất ba lần trong năm 2024: “Cũng có thể chỉ có hai lần hạ lãi suất, hiện vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra nhận định chắc chắn. Nếu kinh tế Mỹ vẫn diễn biến như khoảng thời gian vừa qua, cũng có thể nói đến khả năng FED không hạ lãi suất trong năm nay”.
Khi mà giá vàng thế giới tiếp tục lập kỷ lục trên 2.264USD/ounce vào ngay đầu quý 2-2024, CEO quỹ Fiore – ông Frank Giustra và chủ tịch quỹ Emeritus – ông Pierre Lassonde đang nói về một sự thay đổi cục diện đáng kể trên thị trường vàng toàn cầu.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Lassonde nói với báo chí: “Thế giới vẫn còn chưa thực sự nhận ra điều này. Nước mua vàng nhiều nhất thế giới giờ không phải Mỹ mà là Trung Quốc. Trung Quốc đang thực sự có ảnh hưởng lớn trên thị trường vàng”. Nhiều nước phương Tây khác cũng đang không mua vàng nhiều như trước, chính vì vậy phương Tây đã mất đi sức ảnh hưởng lên giá của loại tài sản quý giá này, ông Lassonde nhấn mạnh.
Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC chốt phiên ngày thứ Sáu (ngày 5-4) ở mức 79,5 triệu/lượng mua vào và 81,5 triệu/lượng bán ra, chênh lệch mua vào bán ra 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn SJC 99,99 ở mức 70,8 triệu/lượng mua vào và 72 triệu/lượng bán ra.
Liên quan tới Nghị định 24-2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã có hơn 10 năm, Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng đã có đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện.
Giới chuyên gia nhận định, việc đưa ra đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng có thể sẽ đưa giá vàng Việt Nam xuống thấp và gần với giá thế giới.
Tuy nhiên, bất chấp những thông tin xoay quanh đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, giá vàng nhẫn nhiều phiên giao dịch gần đây vẫn tăng.