(PL)- Đương sự nộp bản chính tờ giấy vay nợ cho tòa. Bất ngờ tòa thông báo giấy nợ này bị tẩy xóa và chuyển hồ sơ cho công an điều tra.
Bà ĐTHN (SN 1970, ngụ xã Đambri, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) vừa gửi đơn đến Pháp Luật TP.HCM cho là thẩm phán và thư ký tòa trong quá trình quản lý tài liệu, chứng cứ vụ án của bà đã làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Cụ thể, bà N. cho rằng bản chính của một trong hai tờ giấy nợ (trị giá 500 triệu đồng) bà nộp cho tòa, sau một thời gian đã bị tẩy xóa, trở thành vô giá trị.
Giấy tờ quan trọng thành… giấy lộn
Theo bà N., tháng 9 và tháng 10-2012, vợ chồng bà cho vợ chồng ông PĐT vay 973 triệu đồng (có ghi giấy vay nợ) nhưng đến hạn ông T. không trả lại tiền. Vì thế đầu năm 2016 bà nộp đơn khởi kiện tại TAND TP Bảo Lộc để được yêu cầu giải quyết. Bà yêu cầu phía vợ chồng ông T. trả cả gốc lẫn lãi hơn 1,3 tỉ đồng.
Khi kiện bà có giao nộp hai bản chính giấy vay nợ và nhận lại biên bản có đóng dấu và chữ ký của thẩm phán thụ lý là ông NVX vào ngày 23-3-2016.
Tuy nhiên, đến ngày 6-7-2016, tại phiên họp kiểm tra chứng cứ giao nộp, tiếp cận chứng cứ do thẩm phán và thư ký khác tiến hành, bà bất ngờ được thông báo “giấy vay nợ 500 triệu đồng đã bị gạch xóa”.
Vì sự việc có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ nên tòa án đã đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc để xác định ai là người gạch xóa giấy vay tiền. Tuy nhiên, sau đó cơ quan điều tra trả lời “chưa đủ căn cứ để khởi tố hoặc không khởi tố”.
Bà N. cho biết bà không thể ngờ tài liệu ban đầu nộp nguyên vẹn giờ lại bị gạch xóa trong khi đây là chứng cứ quan trọng của vụ án. “Tôi đành rút hồ sơ về. Nhận giấy vay tiền 500 triệu đồng đã nộp nay chẳng khác gì tờ giấy lộn, tôi không thể nào ăn ngon ngủ yên, nhìn những cán bộ tòa không ai có một lời xin lỗi, nhận trách nhiệm, cảnh tượng con nợ không trả tiền lại còn xây dựng cơi nới nhà cửa… tôi chỉ biết hận mà không biết phải làm gì” – bà N. nói.
Bà N. đang tiếp tục viết đơn gửi các cơ quan chức năng. Chứng cứ mà bà N. cho là bị tẩy xóa (ảnh nhỏ). Ảnh: HOÀNG YẾN
Cơ quan điều tra nói gì
Theo Cơ quan điều tra Công an TP Bảo Lộc, tháng 7-2016, cơ quan này có tiếp nhận tin báo từ TAND cùng cấp vụ việc trên.
Công an xác định hồ sơ vụ án dân sự thụ lý từ tháng 2-2016 có hai giấy nợ bản gốc 500 triệu đồng và 473 triệu đồng. Ngày 24-5-2016, luật sư bị đơn gửi đơn yêu cầu sao chụp tài liệu gồm đơn khởi kiện, thông báo thụ lý, các giấy vay nợ. Lãnh đạo tòa duyệt, thư ký đã đưa hồ sơ cho luật sư nghiên cứu và chụp ảnh tài liệu. Đến ngày 13-6-2016, thẩm phán phát hiện trong hồ sơ có giấy vay nợ 500 triệu đồng bị gạch xóa.
Công an đã thu thập giấy vay nợ bị gạch xóa và “đơn xin sao chụp hồ sơ” của luật sư viết cùng hai cây bút bi để trưng cầu giám định. Kết quả giám định, loại mực gạch xóa trên giấy vay nợ khác với loại mực viết trên đơn xin sao chụp hồ sơ. Đồng thời cũng không xác định được nét mực gạch xóa được tạo ra vào khoảng thời gian nào, có phải do hai cây bút trên tạo ra không. Vì vậy chưa đủ căn cứ để ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Do đó công an tạm dừng xác minh, giải quyết, khi nào có thêm tài liệu, chứng cứ mới thì tiến hành phục hồi xác minh, giải quyết đối với tin báo về tội phạm nói trên.
Sau đó, TAND TP Bảo Lộc tiếp nhận lại hồ sơ tiếp tục giải quyết vụ án. Tháng 5-2017, tòa chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử thì bà N. rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện và nhận lại tài liệu, chứng cứ đã nộp.
Đòi thẩm phán và tòa án bồi thường
Sau khi rút yêu cầu khởi kiện, bà N. tố cáo thẩm phán NVX và thư ký là người gạch xóa chứng cứ gốc do bà giao nộp. Theo bà, việc gạch xóa tài liệu tòa đã yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành làm rõ nhưng không tìm ra ai, do đó chỉ có thẩm phán và thư ký trực tiếp giải quyết vụ án gạch xóa chứng cứ gốc bà giao nộp. Từ đó bà yêu cầu thẩm phán và thư ký bồi thường 500 triệu đồng.
Cạnh đó, bà cũng cho là sau khi xảy ra việc gạch xóa giấy nợ, tòa chuyển hồ sơ vụ án cho thẩm phán và thư ký khác. Và tòa ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả trả lời của cơ quan điều tra làm vụ án kéo dài, ảnh hưởng đến quyền yêu cầu thi hành án đối với số tiền 473 triệu đồng. Vì vậy bà yêu cầu tòa phải có trách nhiệm bồi thường số tiền này (phần này bà không yêu cầu cá nhân thẩm phán bồi thường).
Căn cứ bà N. đưa ra là việc chậm giải quyết vụ án gây thiệt hại cho bà. Việc tòa tạm đình chỉ vụ án khiến vợ chồng bị đơn tẩu tán hết tài sản, không còn tài sản để trả nợ cho bà. Đồng thời khi bà rút đơn khởi kiện, tòa trả lại hồ sơ cho bà thì tài liệu giấy nợ 500 triệu đồng lại bị gạch xóa không còn giá trị để đòi nợ.
Trước tố cáo và yêu cầu của bà N., chánh án TAND TP Bảo Lộc đã có buổi làm việc và thông báo kết quả cho rằng “các nội dung tố cáo của bà không có cơ sở. Vì khi tòa đang chuẩn bị xét xử vụ án thì bà N. rút đơn khởi kiện. Do vụ án chưa được giải quyết nên không có cơ sở xác định bà có bị thiệt hại hay không. Hơn nữa trong thời gian thẩm phán X. đang giải quyết vụ án thì lãnh đạo tòa không nhận được phản ánh hoặc khiếu nại nào của bà về hành vi, thái độ của thẩm phán này nên không có căn cứ để chấp nhận”.
PV đã liên hệ với Chánh án TAND TP Bảo Lộc Nguyễn Khắc Quảng để tìm hiểu thêm sự việc. Theo ông, đó là nội dung trả lời đơn tố cáo của tòa đối với bà N. Còn việc đương sự có khiếu nại nơi nào khác không thì không rõ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ án này khi có diễn biến mới.
Chứng cứ trong vụ án dân sự: Chưa có quy định bảo quản Hiện nay chưa có quy định của pháp luật về bảo quản chứng cứ (nếu có thì chỉ là trong giáo trình khoa học điều tra hình sự chỉ ra những đặc tính của chứng cứ, kinh nghiệm bảo quản chứng cứ,…) và ngành tòa án chỉ quy định khi giao nhận chứng cứ, tài liệu thì phải lập thành biên bản giao nhận tài liệu, chứng cứ nhưng nội dung cụ thể của biên bản này như thế nào thì không có quy định. Với trường hợp trên thì phải xem lại nội dung biên bản giao nhận chứng cứ xem chứng cứ khi giao nhận được mô tả như thế nào, rồi xem xét xem chứng cứ có bị thay đổi, sửa chữa không, nếu có thay đổi, sửa chữa thì thay đổi, sửa chữa như thế nào, nội dung sửa chữa ra sao… Nếu có việc sửa chữa, thay đổi chứng cứ trong thời gian hồ sơ ở tòa án thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về thẩm phán. Một thẩm phán chuyên xử dân sự tại TP.HCM |