Tiêu chí Văn phòng Luật sư Xuân Lâm chúng tôi là:

– Uy tín

– Chuyên nghiệp

– Hiệu quả cùng có lợi

Hướng đến xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu công chứng

Hướng đến xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu công chứng
(PLO)- Việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng liên thông với cơ sở dữ liệu về quản lý đất đai và biện pháp bảo đảm sẽ hạn chế nhiều bất cập khi công chứng, chứng thực.

Chiều 10-7, đoàn khảo sát của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng trên địa bàn TP.HCM có buổi làm việc tại Sở Tư pháp TP.HCM.

Xây dựng dữ liệu công chứng còn khó khăn

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, TP.HCM hiện nay có 117 tổ chức hành nghề công chứng. Tình trạng giả mạo giấy tờ, giả mạo chủ thể để yêu cầu công chứng và tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch tại các tổ chức hành nghề công chứng đang diễn biến phức tạp.

Hiện chưa có hệ thống liên kết để tham khảo thông tin người yêu cầu công chứng về nhân thân, tình trạng tài sản. Đặc biệt chưa có hệ thống liên kết giữa tổ chức hành nghề công chứng với văn phòng đăng ký đất đai, UBND, tòa án… Từ đó dẫn đến nhiều hợp đồng, văn bản đã được công chứng nhưng không cập nhật đăng bộ sang tên được vì đang bị tranh chấp. Một số hồ sơ công chứng cần xác minh, trả lời của cơ quan thẩm quyền nhưng còn chậm trễ, thậm chí không trả lời cho tổ chức hành nghề công chứng.

Hướng đến xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu công chứng ảnh 1
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: SONG MAI

UBND TP kiến nghị Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực liên thông; tiến tới kết nối, chia sẻ dữ liệu công chứng, chứng thực với cơ sở dữ liệu về quản lý đất đai của văn phòng đăng ký đất đai và cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm của Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm – Bộ Tư pháp.

Tại buổi khảo sát, đại diện Trung tâm Thông tin và tư vấn công chứng cho biết TP.HCM đã xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động công chứng từ trước khi có quy định xây dựng cơ sở dữ liệu theo Luật Công chứng năm 2014.

TP.HCM có hai phần mềm dùng cho hoạt động công chứng gồm: Phần mềm chứa giao dịch công chứng và phần mềm chứa biện pháp ngăn chặn áp dụng cho các tài sản tại TP.HCM và một số yêu cầu ngăn chặn khác của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến tài sản, cá nhân, tổ chức không được phép tham gia giao dịch.

Giải pháp hạn chế rủi ro trong các giao dịch

Theo UBND TP.HCM, đó là cần quy định các hợp đồng, giao dịch, kể cả ủy quyền phải được công chứng. Bởi lẽ việc quy định không bắt buộc công chứng, chứng thực đối với một số loại hợp đồng, giao dịch (quy định tại điểm b khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013; khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014) mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản thực tế đã phát sinh bất cập.

Công chứng số là xu hướng

Tại hội nghị, ông Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho biết trong giai đoạn này cần phải sửa Luật Công chứng theo hướng công chứng số và cơ sở dữ liệu kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Nhiệm vụ lớn của công chứng hiện nay là công chứng số và Luật Công chứng là nền tảng cơ sở pháp lý để thực hiện việc này, nếu không thích ứng thì sẽ lạc hậu, đào thải.

Nhiều doanh nghiệp tìm đủ kiểu “lách luật” để huy động vốn khi chưa đủ điều kiện dưới hình thức thỏa thuận hợp đồng bán, chuyển nhượng, đặt cọc, thỏa thuận đăng ký giữ chỗ… Khi thị trường biến động hoặc nhận thấy nội dung thỏa thuận gây bất lợi thì doanh nghiệp thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng, thậm chí đi kiện để tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu.

Do đó, pháp luật cần quy định cơ quan, tổ chức có chuyên môn, nghiệp vụ vững chắc, am hiểu quy định pháp luật, khách quan, trung thực… như tổ chức hành nghề công chứng để chứng nhận hợp đồng, giao dịch nhằm phòng ngừa, hạn chế rủi ro; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Khi có tranh chấp thì các tình tiết ghi trong văn bản công chứng theo ý chí và sự tự nguyện của các bên sẽ có giá trị chứng cứ (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc tòa án tuyên bố vô hiệu).

UBND TP cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét quy định tại các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến bất động sản về việc các hợp đồng, giao dịch (kể cả ủy quyền) phải được công chứng nhằm đảm bảo các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.•

Sẽ kiến nghị Quốc hội sửa đổi phù hợp

Kết luận tại buổi khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang đánh giá rằng Luật Công chứng là trình tự, thủ tục còn nội dung của các hợp đồng giao dịch và tính pháp lý của hợp đồng giao dịch nằm ở các luật khác như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai… Hiện ba luật này đang sửa đổi và sắp được Quốc hội xem xét thông qua.

Ông Giang cho biết thông qua phiên giải trình này sẽ kiến nghị Quốc hội sửa đổi phù hợp nhất để đảm bảo tính thống nhất, tính pháp lý của hợp đồng giao dịch mà các bên tham gia khi có sự công chứng.

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ XUÂN LÂM

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến: 0903 918 848

Số điện thoại Luật sư Lâm: 0903 918 848

Trụ sở: 250A Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM

Email: lxlamlaw@gmail.com- Website: www.luatsulam.com.vn