(PL)- Năm 2017 là năm mà số lượng phóng viên, nhà báo bị xử lý hình sự, bị bắt quả tang nhận tiền, vòi vĩnh doanh nghiệp nhiều hơn mọi năm.
Sáng 26-12, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Có hiện tượng liên kết “đánh hội đồng”
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng năm 2017 công tác báo chí có chuyển biến tích cực, đạt kết quả toàn diện. Chất lượng, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền nghị quyết trung ương đạt những kết quả tích cực, nhất là trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nhiều nhà báo đã không ngại có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, có nhà báo đã hy sinh cả mạng sống của mình, vượt qua các thế lực xấu để làm tròn sứ mệnh…
Tuy nhiên, ông Thưởng cho rằng báo chí còn nhiều hạn chế, thiếu sót, một số khuyết điểm có biểu hiện nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến uy tín báo chí. “Rõ nhất là xa rời tôn chỉ, mục đích, nhất là ở một số trang tin điện tử. Khuynh hướng giật gân câu khách, thông tin thiếu nhạy cảm chính trị, dễ dãi trong trích nguồn, xào lại tin bài của báo khác là phổ biến” – ông Thưởng nói.
Theo ông Thưởng, năm 2017 là năm mà số lượng phóng viên (PV), nhà báo bị xử lý hình sự, bị bắt quả tang khi nhận tiền, vòi vĩnh doanh nghiệp nhiều hơn mọi năm. “Điều này làm cho người làm báo chân chính rất đau lòng, đặt ra đòi hỏi trong làng báo phải đấu tranh với nhau để loại khỏi những con sâu làm rầu nồi canh” – ông Thưởng nói và nhận định việc xử phạt báo chí như gãi ngứa, không đủ sức răn đe…
Đánh giá công tác báo chí năm 2017, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cũng chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế của báo chí như tình trạng “đánh hội đồng”, kết án vụ việc, hiện tượng mà không cần xem xét đến các quy trình của pháp luật. “Thậm chí, có tình trạng PV liên kết thành những “liên minh báo chí”, tổ chức theo nhóm lấy danh nghĩa cùng đi tác nghiệp nhằm sách nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, theo kiểu ép ký hợp đồng quảng cáo, hợp tác truyền thông và gỡ, sửa tin bài sau khi đăng một cách tùy tiện, vụ lợi. Cá biệt, có một số PV, nhà báo đã vi phạm pháp luật trong quá trình tác nghiệp, bị truy cứu trách nhiệm hình sự” – ông Bảo nói.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cùng các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM
Cơ quan chủ quản không vô can
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, ông Thưởng cho biết năm 2018 phải phấn đấu triển khai quy hoạch báo chí. Bên cạnh đó, cần tập trung thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí. “Vi phạm tôn chỉ, mục đích là nặng nề nhất nhưng quy định xử phạt còn lỏng lẻo” – ông Thưởng nói và đề nghị đối với xu hướng “báo hóa” các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử không đúng tôn chỉ, mục đích cần thu hồi giấy phép, thu hồi thẻ nhà báo. Đồng thời, rà soát thu hồi, cấp phát lại tên miền với những tên miền không phù hợp.
Có lợi ích nhóm hay không?
Thời gian qua, một số cơ quan báo chí đã giải quyết vấn đề kinh tế thông qua các chương trình dịch vụ, bài giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm, thậm chí ký hợp tác toàn diện với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Điều này cũng bộc lộ các vấn đề đáng suy nghĩ. Như giờ đang đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng mà cơ quan báo chí ký hợp đồng hợp tác toàn diện thì có bị ảnh hưởng không? Có thể đặt ra câu hỏi là có lợi ích nhóm, có sự kết hợp quyền lực kinh tế với quyền lực thông tin không? Đây là vấn đề cấp bách, cần phải cùng phối hợp bàn bạc tìm hướng đi, giải pháp hiệu quả cho công việc này. Ông VÕ VĂN THƯỞNG, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Fake news đang làm khuynh đảo xã hội Trong khi fake news (tin giả) khuynh đảo xã hội và có nguy cơ lấn át những nguồn tin chính thống thì việc kiểm chứng thông tin trên báo chí lại đang trở nên lỏng lẻo. Và thật đáng buồn khi không ít tòa soạn thậm chí áp dụng cách làm nguy hiểm là “đăng tải trước, chỉnh sửa sau nếu cần thiết”. Sẽ ra sao nếu người dân không còn tin vào báo chí, sẽ ra sao nếu tin giả nhiều hơn tin thật? Báo chí phải hành động chứ không thể ngồi chờ cơ quan chức năng ra luật, chờ các công ty công nghệ thay đổi thuật toán, chờ người dùng trở nên thông minh hơn để tự xa lánh fake news. Ông LÊ QUỐC MINH, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam |
Ông Thưởng cũng ví von giữa thẻ nhà báo với thẻ hành nghề bác sĩ. “Bác sĩ mà bị rút thẻ thì không làm được nghề nữa. Nhà báo mà bị rút thẻ thì vẫn làm được, thậm chí viết còn cay nghiệt hơn. Có nhà báo ra tù rồi không viết báo nữa mà làm biên tập viên. Hoặc cơ quan khác lại xin về bổ nhiệm vị trí ở tòa soạn” – ông Thưởng nói về một lỗ hổng và yêu cầu cần rà soát.
Ông Thưởng cũng chỉ ra có cơ quan báo chí khoán cho văn phòng đại diện mỗi tháng 4-5 tỉ đồng. Theo ông Thưởng, như vậy là không đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động của báo chí và cần phải xử lý rốt ráo.
Để làm chuyển biến rõ nét công tác báo chí, ông Thưởng cho biết bên cạnh trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước thì phải quy trách nhiệm cho cơ quan chủ quản theo quy định của Đảng và Luật Báo chí. “Từ giờ trở đi, cơ quan chủ quản không vô can được. Sau đó xử lý tới tổng biên tập, PV… Nếu quy định nhà nước thiếu thì phải bổ sung, điều chỉnh” – ông Thưởng khẳng định.
Kiểm tra việc cấp thẻ báo chí cho chủ quán nhậu Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết đang yêu cầu Cục Báo chí phối hợp với Sở TT&TT TP.HCM kiểm tra trường hợp một cơ quan báo chí cấp thẻ hoạt động cho cả chủ vựa phế liệu, chủ quán nhậu “để làm ăn”. “Hiện Bộ TT&TT đã chỉnh sửa quy định, giao quyền cho địa phương xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí trên địa bàn mình quản lý” – ông Tuấn nói. Liên quan đến vấn đề quản lý báo chí trên địa bàn, ông Võ Văn Long – Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết hiện có 38 cơ quan báo chí và 142 văn phòng đại diện hoạt động trên địa bàn TP.HCM. “Có văn phòng đưa nhiều thông tin không chuẩn mực, không chính xác, nhạy cảm, không phù hợp với lợi ích của đất nước và của dân tộc. Có hiện tượng PV thường trú vi phạm do cơ quan chủ quản buông lỏng, thậm chí giao khoán về tài chính dẫn đến những vụ việc không thể lường trước” – ông Long cho hay. Để tăng cường công tác quản lý văn phòng đại diện, PV thường trú, ông Long cho rằng nên cho phép địa phương được quyền xử lý các cơ quan báo chí không đăng ký văn phòng đại diện khi hoạt động. Ông cũng kiến nghị Bộ TT&TT có quy chế ủy quyền cho Sở TT&TT TP.HCM xử lý các sai phạm của văn phòng đại diện xảy ra trên địa bàn, có như vậy mới kịp thời. |