(PL)- Thực tế cho thấy nhiều đối tượng đang bị tố giác, kiến nghị khởi tố hoặc bị khởi tố nhưng đã kịp bỏ trốn ra nước ngoài, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Có điều này bởi BLTTHS 2003 chưa quy định cụ thể về việc cấm xuất cảnh với người bị tố giác.
Để đáp ứng yêu cầu phát hiện và xử lý tội phạm, phù hợp với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh…, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung biện pháp tạm hoãn xuất cảnh tại Điều 124. Theo đó, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh được áp dụng đối với: Người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ; bị can, bị cáo.
Như vậy, kể từ ngày 1-1-2018, các cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ luật định để ngăn chặn các trường hợp người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội trốn ra nước ngoài, phục vụ cho công tác điều tra, xử lý tội phạm.
Bộ Công an cũng cho biết thời gian tới tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành chức năng tăng cường hợp tác quốc tế, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự. Mục đích là để dẫn độ tội phạm và thu hồi tài sản, đặc biệt là đối với các quốc gia có nhiều người Việt Nam sinh sống, tạo cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Cơ quan này cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) và các cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài để truy bắt các đối tượng phạm tội đang bỏ trốn, phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.