Trả lời trước tòa chiều nay, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định quyết định đầu tư 800 tỉ đồng vào Oceanbank của PVN tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và là quyết định hoàn toàn chính xác, mang lại hiệu quả lớn.
Được bổ nhiệm Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) từ tháng 2.2006 đến hết tháng 7.2011, bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận mình đã ký thỏa thuận góp vốn vào Oceanbank, cũng như ủy quyền cho bị cáo Vũ Khánh Trường, nguyên thành viên HĐTV PVN, ký nghị quyết góp vốn lần 2 (300 tỉ đồng) và bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, nguyên thành viên HĐTV PVN, ký nghị quyết góp vốn lần 3 (100 tỉ đồng).
Lý giải về việc ký Thỏa thuận số 6934 ngày 18.9.2008 mà không thông qua HĐQT, bị cáo Đinh La Thăng cho biết pháp luật không quy định điều này và các thành viên HĐQT PVN lúc đó đều biết chủ trương góp vốn vào ngân hàng của tập đoàn để giải quyết hậu quả của việc không thành lập được Ngân hàng Hồng Việt (bao gồm con người đã tuyển dụng, bộ máy, tiền đầu tư phần mềm…).
Bị cáo Thăng cũng phủ nhận thỏa thuận này là tiền đề cho việc góp vốn về sau, vì nếu các thành viên HĐQT không đồng ý, thống nhất trước khi ra nghị quyết về việc góp vốn, thỏa thuận này hoàn toàn không có giá trị pháp lý.
Đối đáp câu hỏi của chủ tọa phiên tòa về việc bị cáo Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Phó tổng giám đốc PVN, đã 2 lần có báo cáo đánh giá năng lực yếu của Oceanbank, có được HĐQT PVN đưa ra bàn bạc trước khi góp vốn không, bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận báo cáo của bị cáo Sự nói rất rõ, và khẳng định bản thân bị cáo là người học tài chính nên hiểu vấn đề này.
“Oceanbank quy mô vốn thấp, khả năng thanh khoản có hạn nên họ mới có nhu cầu tăng vốn, và như vậy PVN mới có điều kiện góp vốn vào. Khi tăng vốn thì năng lực Oceanbank sẽ tăng lên và khả năng thanh khoản sẽ tăng. Trong báo cáo, anh Sự cũng nói đây là ngân hàng có hệ số tín dụng trung bình khá”, bị cáo Đinh La Thăng trình bày.
Bị cáo Đinh La Thăng cũng đánh giá quyết định đầu tư này hoàn toàn chính xác, vì năm 2009, PVN được chia cổ tức hơn 10% và năm 2010 được chia cổ tức 16%. Việc Oceanbank bị Ngân hàng nhà nước mua lại 0 đồng xảy ra vào năm 2015, khi bị cáo này đã chuyển công tác.
Về việc không tuân thủ yêu cầu của pháp luật như trong cáo trạng nêu, cụ thể là việc trước khi góp vốn vào Oceanbank, PVN phải báo cáo và nhận được sự đồng ý của Thủ tướng, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định PVN đã có báo cáo. “Tất cả các nghị quyết của HĐQT PVN, bị cáo ký đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành”.
Giải thích việc Nghị quyết 7289 của HĐQT PVN được ký trước khi báo cáo Thủ tướng, bị cáo Đinh La Thăng cho biết không có một văn bản pháp luật nào quy định nghị quyết phải ký trước hay sau khi báo cáo Thủ tướng, mà chỉ yêu cầu trước khi đầu tư phải báo cáo.
Thực tế Nghị quyết 7289 chỉ thống nhất về chủ trương về góp vốn, còn sau khi Thủ tướng có ý kiến chấp thuận vào tháng 10.2008, PVN mới thực hiện việc chuyển tiền.
Về việc công văn ngày 14.10.2010 của Bộ Tài chính có yêu cầu PVN báo cáo về tình hình hoạt động của Oceanbank trước khi thực hiện đầu tư, nhưng PVN không hề có báo cáo, bị cáo Đinh La Thăng cho biết đây là công văn Bộ Tài chính trả lời Thủ tướng, chứ không trả lời PVN (PVN có văn bản hỏi, nhưng Bộ Tài chính không phúc đáp – theo bị cáo Đinh La Thăng), và công văn này cũng chỉ có tính chất khuyến cáo chứ không yêu cầu báo cáo, nên PVN không có văn bản báo cáo.
Còn về nội dung công văn, bị cáo Đinh La Thăng khẳng định PVN đã thực hiện từ ngày 12.10.2010, tức là trước khi Bộ Tài chính có công văn, PVN đã tổ chức rà soát, đánh giá lại hoạt động của Oceanbank trước khi đầu tư. Trước tòa, bị cáo Đinh La Thăng 3 lần khẳng định việc trước khi Bộ Tài chính yêu cầu, thì HĐQT PVN đã làm việc này.
Biện hộ cho lý do đầu tư vào Oceanbank, bị cáo Đinh La Thăng cho biết xuất phát từ việc hưởng ứng chủ trương chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, PVN đã “gương mẫu xin dừng thành lập ngân hàng” và để giải quyết hậu quả của việc chuẩn bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt, đã tìm kiếm cơ hội hợp tác với các ngân hàng khác, trong đó có Oceanbank.