Chiều 8/1, phiên xử bị cáo Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank) và 44 đồng phạm về hành vi gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng cho VNCB, tiếp tục với phần kiểm tra danh sách người liên quan, nhân chứng.
Dù tỏ ra khỏe mạnh trong buổi làm việc sáng nay, song ông Trầm Bê có biểu hiện mệt khi thời gian làm thủ tục phiên xử kéo dài nhiều giờ. Ông được tòa cho phép đưa vào phòng lưu phạm để nhân viên y tế chăm sóc cùng ông Phạm Công Danh.
Ông Trầm Bê đến tòa chiều nay. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Để phục vụ cho quá trình xét xử, tòa đã triệu tập gần 200 người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trong đó, có các cựu lãnh đạo ngân hàng, đại gia như: ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh), bà Hứa Thị Phấn (nguyên Cố vấn cấp cao Ngân hàng Đại Tín), ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV), Trần Lục Lang, Đoàn Ánh Sáng (hai cựu Phó giám đốc BIDV)…
Tuy nhiên, khi được chủ tọa điểm danh, các cựu lãnh đạo của BIDV không có mặt tại tòa và cũng không có người đại diện ủy quyền. Thư ký phiên tòa thông báo chỉ có khoảng 155 người có quyền và nghĩa vụ liên quan có mặt.
Ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát) cũng được tòa điểm danh nhưng không có mặt. Ông cử người đại diện theo ủy quyền đến dự tòa.
Bà Trần Ngọc Bích con gái ông Thanh có mặt theo lệnh triệu tập. Kết quả điều tra xác định, một phần số tiền ông Danh rút ra từ VNCB được sử dụng cho việc trả nợ các khoản vay với ông Thanh và con gái.
Là người bán lại Ngân hàng Đại Tín – TrustBank cho ông Danh, bà Hứa Thị Phấn không có mặt do sức khỏe yếu. Trước đó bà cùng một số cá nhân bị khởi tố để điều tra về những sai phạm trong quá trình thâu tóm TrustBank khiến ngân hàng này lỗ nặng, trước khi bán lại cho ông Danh.
Bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) và Phan Huy Khang (nguyên tổng giám đốc Sacombank). Ảnh: Quỳnh Trần. |
Tòa xét xử cả ngày thứ bảy, chủ nhật
Hơn 16h, chủ tọa thẩm tra xong căn cước những người liên quan còn lại. Trước khi giải thích quyền và nghĩa vụ của các bị cáo, thẩm phán Phạm Lương Toản đồng ý cho ông Danh, ông Bê được ngồi trong phòng lưu phạm để đảm bảo sức khỏe tiếp tục tham gia phiên tòa.
Một số bị cáo khác cũng tỏ ra mệt mỏi, xin phép được vào phòng lưu phạm nhưng không được tòa đồng ý. “HĐXX sẽ căn cứ vào tình trạng sức khỏe thực tế của từng bị cáo, chỉ chấp nhận đề nghị của một số bị cáo đặc biệt”, chủ tọa nói.
Về những người được triệu tập nhưng không đến, HĐXX cho rằng họ đã có lời khai đầy đủ trong quá trình điều tra nên sẽ xem xét có bắt buộc triệu tập hay không. Riêng anh trai ông Danh là Phạm Công Trung, tòa lưu ý luật sư phải nhắc nhở ông này có mặt.
Một số luật sư kiến nghị HĐXX được sử dụng số liệu, tài liệu trong giai đoạn một của vụ án. Đồng thời đề nghị tòa công bố kế hoạch xét hỏi cho các luật sư biết trước để chuẩn bị.
Chủ tọa đồng ý nhưng yêu cầu “phải nằm trong phạm vi liên quan vụ án”, tòa không công bố kế hoạch xét xử mà xét hỏi linh hoạt. Chủ tọa cũng lưu ý: “Đến thời điểm này có đến 73 luật sư tham gia phiên tòa, phiên xử kéo dài trong nhiều ngày nên các luật sư phải nộp bài bào chữa, bảo vệ trước cho thư ký”.
Đối với một số luật sư đồng thời đang tham gia phiên xử ông Đinh La Thăng, TAND TP HCM đã làm việc với Hà Nội, sẽ tạo điều kiện tối đa để lịch làm việc của các luật sư không bị trùng. Những bị cáo có luật sư tham gia phiên tòa ngoài Hà Nội cũng có văn bản chấp nhận vấn đề này.
Để đảm bảo cho tiến độ xét xử chủ tọa cho biết sẽ làm việc cả ngày thứ 7, nếu cần có thể làm việc cả chủ nhật và sẽ thông báo trước.
Ông Trầm Bê được đưa vào phòng lưu phạm chăm sóc y tế. Ảnh: Quỳnh Trần. |
VKS đề nghị triệu tập ông Trần Bắc Hà
16h30 phiên tòa chuyển qua phần xét hỏi. Đại diện VKS cho biết lịch làm việc chỉ còn ít phút, trong khi bản cáo trạng dày đến 200 trang nên đề nghị sẽ công bố vào sáng mai.
Trước khi kết thúc ngày làm việc đầu tiên, đại diện VKS đề nghị HĐXX triệu tập một số người liên quan cần thiết, trong đó có ông Trần Bắc Hà. Yêu cầu này được tòa chấp thuận.
Ông Danh và đồng phạm bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự 1999), khung hình phạt 10-20 năm tù.
Ông Phạm Công Danh rời tòa chiều nay. Ảnh: Quỳnh Trần. |
Theo nội dung vụ án, năm 2012, ông Danh mua lại gần 85% cổ phần của Ngân hàng Đại Tín – TrustBank của nhóm Phú Mỹ do bà Hứa Thị Phấn đại diện với giá 4.600 tỷ đồng. Ông sau đó được Chính phủ chấp thuận tham gia tái cơ cấu ngân hàng này theo phương án của Ngân hàng Nhà nước.
Ông sau đó đưa người vào tiếp quản điều hành và sau này đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng – VNCB. Quá trình điều hành, ông Danh đã sử dụng 29 lượt pháp nhân, công ty do mình thành lập hoặc đi mượn để lập hồ sơ vay khống các ngân hàng Sacombank, BIDV, TPBank gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.000 tỷ đồng.
Ra toà sáng nay, ông Danh trông già hơn so với lần ra tòa ở giai đoạn một vụ đại án (VNCB thất thoát 9.000 tỷ đồng). Sau phần thẩm tra lý lịch ông bị choáng, được đưa vào phòng lưu phạm cho nhân viên y tế chăm sóc.
Hải Duyên
Theo vnexpress