Tiêu chí Văn phòng Luật sư Xuân Lâm chúng tôi là:

– Uy tín

– Chuyên nghiệp

– Hiệu quả cùng có lợi

Quản lý đất đai: Thay mệnh lệnh hành chính bằng biện pháp kinh tế

Quản lý đất đai: Thay mệnh lệnh hành chính bằng biện pháp kinh tế
(PLO)- Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định việc quản lý đất đai bằng các biện pháp kinh tế thay cho mệnh lệnh hành chính là quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi).

Sáng 10-8, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp hội đồng thẩm định dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã trực tiếp báo cáo nhanh về quá trình, nội dung xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Câu chuyện giá đất, bảng giá đất

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 18 (ngày 16-6-2022), Bộ TN&MT đã nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật.

“Chúng tôi đã chuẩn bị toàn bộ hồ sơ gồm: Dự thảo, tờ trình, báo cáo rà soát, thống kê, báo cáo đánh giá tác động, trong đó có tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành. Đặc biệt là tổ chức ba hội nghị góp ý xây dựng dự luật tại ba miền Bắc – Trung – Nam và phối hợp với VCCI tổ chức một hội nghị lấy ý kiến của các doanh nghiệp…” – Bộ trưởng Hà cho hay.

Quản lý đất đai: Thay mệnh lệnh hành chính bằng biện pháp kinh tế ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu (đứng) và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (bên trái ông Hiếu) tại cuộc họp. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Bộ trưởng Bộ TN&MT cho hay dự luật đã chuyển đổi từ công cụ quản lý bằng mệnh lệnh hành chính sang quản lý bằng biện pháp kinh tế. Nguyên tắc này sẽ xuyên suốt, chi phối trong quá trình sửa luật. Ông Hà lấy ví dụ về định giá đất – một nội dung quan trọng trong tài chính đất đai, dự thảo quy định xây dựng bảng giá đất hằng năm và hệ số biến động giá đất. Khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì cấp tỉnh điều chỉnh cho phù hợp. Tiến tới cơ quan chức năng sẽ nắm giá đất của từng thửa đất, công bố hằng quý, hằng tháng.

“Việc này sẽ giúp giải quyết vấn đề địa tô chênh lệch. Những thửa đất mà do quy hoạch, tự nhiên ra mặt đường thì sẽ tính được hệ số chênh lệch để Nhà nước thu thuế giao dịch. Ví dụ giá đất từ 10 đồng lên 100 đồng thì tính được và Nhà nước thu khi có giao dịch đất, còn người mua ở đó, không làm gì thì thôi” – Bộ trưởng Hà nói.

Đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật

Tại cuộc họp, đại diện nhiều bộ, ngành là thành viên của hội đồng thẩm định dự luật đã góp ý vào các nội dung (được quy định tại Điều 39 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật) như: Sự cần thiết ban hành dự luật, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật, pháp lệnh; sự phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp; sự phù hợp với điều ước quốc tế, chi phí thủ tục hành chính; việc tuân thủ trình tự, thủ tục xây dựng luật…

Khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì cấp tỉnh điều chỉnh cho phù hợp. Tiến tới cơ quan chức năng sẽ nắm giá đất của từng thửa đất, công bố hằng quý, hằng tháng.

Đa số ý kiến đồng tình với nội dung bản dự thảo luật, đồng thời đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị hồ sơ dự luật một cách công phu, tương đối đầy đủ.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét các nội dung như: Vấn đề áp dụng pháp luật (Điều 4); điều kiện giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất (Điều 64); hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp và đánh giá tác động; quyền sử dụng đất…

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhận định: Hội đồng thẩm định dự luật thấy rằng nội dung cơ bản của dự thảo luật phù hợp với các nhóm chính sách lớn đã được Đảng, Nhà nước thông qua khi xây dựng luật. “Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo phân tích rõ hơn trong tờ trình về những chính sách lớn đã được cụ thể hóa như thế nào” – ông Hiếu nói.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng nhấn mạnh Luật Đất đai liên quan rất nhiều luật, bao phủ nhiều lĩnh vực. Nhiều ý kiến trong hội đồng thẩm định cũng nêu ra sự xung đột pháp luật, một số nội dung sẽ có vướng mắc trong thực tế. Do đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của hệ thống pháp luật.

“Đặc biệt, hiện Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu – những luật có mối quan hệ chặt chẽ với Luật Đất đai đang được xây dựng cùng thời điểm với Luật Đất đai sửa đổi. Vì vậy, đề nghị Bộ TN&MT phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chủ trì xây dựng các luật trên để có sự đồng bộ, thống nhất và cập nhật các nội dung mới” – thứ trưởng Bộ Tư pháp nêu.

“Trên cơ sở xem xét hồ sơ dự luật, các ý kiến của thành viên hội đồng, chúng tôi nhất trí thông qua dự thảo luật. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo luật để sớm trình Chính phủ, đảm bảo tiến độ xây dựng luật” – thứ trưởng Bộ Tư pháp kết luận.•

Dự luật bám sát các chính sách lớn về đất đai

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà thông tin chiều 8-8, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc của lãnh đạo QH và thường trực các cơ quan của QH với Bộ TN&MT về dự án luật. Cuộc họp thống nhất sẽ xem xét dự luật theo quy trình ba kỳ họp, trong đó dự luật sẽ trình QH xem xét vào kỳ họp thứ tư (tháng 10-2022) và thông qua tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10-2023).

Bộ trưởng Bộ TN&MT khẳng định việc xây dựng dự thảo luật đã bám sát, thể chế hóa các chính sách được nêu ra tại Nghị quyết 18-NQ/TW, cũng như các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai; đảm bảo kế thừa, sự ổn định của hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm phát huy nguồn lực đất đai và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW và thi hành Luật Đất đai; thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, thông qua cải cách hành chính, chuyển đổi số; thực hiện phân công, phân cấp nhiều hơn đi kèm với điều kiện thực hiện…

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ XUÂN LÂM

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến: 0903 918 848

Số điện thoại Luật sư Lâm: 0903 918 848

Trụ sở: 250A Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM

Email: lxlamlaw@gmail.com- Website: www.luatsulam.com.vn