Tiêu chí Văn phòng Luật sư Xuân Lâm chúng tôi là:

– Uy tín

– Chuyên nghiệp

– Hiệu quả cùng có lợi

Rút yêu cầu khởi tố ở phúc thẩm, tính sao?

Rút yêu cầu khởi tố ở phúc thẩm, tính sao?

(PL)- Luật chỉ quy định việc rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa sơ thẩm, chưa quy định với phiên xử phúc thẩm nên tòa khó xử.

Mới đây, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm vụ ông Đinh Công Mách (84 tuổi) bị truy tố về tội cố ý gây thương tích do bị cáo có kháng cáo. Trong phiên tòa này, một tình huống pháp lý xảy ra đó là các bị hại tự nguyện rút lại yêu cầu khởi tố đối với bị cáo. Luật sư (LS) đề nghị đình chỉ xét xử nhưng HĐXX đã sửa án theo hướng miễn hình phạt cho bị cáo.

Luật sư: Đề nghị đình chỉ vụ án

Theo hồ sơ, bị cáo Mách có mâu thuẫn tranh chấp đất với vợ chồng con trai H. và con gái út M. Cuối năm 2016, khi chị M. thuê người xây hàng rào trên phần đất tranh chấp thì ông Mách ngăn cản, hai bên cự cãi nhau. Trong khi công an đang giải quyết thì ông Mách dùng hung khí tấn công, gây thương tích cho bạn trai của chị M. và vợ chồng anh H. Theo giám định, tỉ lệ thương tích của người con trai là 8%, con dâu là 1%, còn bạn trai của con gái là 3%. Sau đó, vụ án được khởi tố theo yêu cầu của vợ chồng anh H. và bạn chị M.

Xử sơ thẩm vào tháng 8, TAND quận Bình Thủy, TP Cần Thơ phạt ông Mách ba tháng tù. Ông Mách kháng cáo kêu oan. Nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, các bị hại đồng loạt rút lại đơn yêu cầu khởi tố đối với bị cáo. Khoản 2 Điều 105 BLTTHS quy định trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì tòa đình chỉ vụ án. Riêng với việc rút yêu cầu khởi tố trước phiên tòa phúc thẩm thì luật chưa quy định.

Trước tình huống này, vị chủ tọa nói: “Đây là vụ án đang ở giai đoạn xét xử phúc thẩm cho nên các LS bào chữa cho bị cáo phát biểu quan điểm là hủy án hay đình chỉ vụ án? Đây là tình huống lần đầu tiên có”.

Có tám LS tham gia bảo vệ miễn phí cho bị cáo Mách tại tòa phúc thẩm.

Một LS Đoàn LS tỉnh Bạc Liêu đề nghị HĐXX áp dụng quy định tại khoản 2, 3 Điều 155 BLTTHS 2015 hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Một LS khác thì đề nghị HĐXX xét nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng tình tiết có lợi cho bị cáo, đề nghị đình chỉ vụ án do bị hại đã rút yêu cầu khởi tố.

Rút yêu cầu khởi tố ở phúc thẩm, tính sao? - ảnh 1
Ông Đinh Công Mách (giữa) và người nhà chụp ảnh với các luật sư sau phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: NN

Tòa: Miễn hình phạt

Vị chủ tọa nói tiếp: “Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 144 chỉ áp dụng tình tiết có lợi trong BLHS 2015, còn BLTTHS 2015 thì đến ngày 1-1-2018 mới có hiệu lực. Vì thế, tòa cần nghe tiếp các ý kiến của LS…”.

Lúc này, LS Thái Thị Diễm Trúc (Đoàn LS tỉnh An Giang) cho rằng đây là vụ án khởi tố do có đơn yêu cầu của người bị hại. Tại tòa, các bị hại đồng loạt rút đơn thì hiểu là chấm dứt sự kiện pháp lý đó. Vì thế, HĐXX nên áp dụng tương tự với việc rút trước phiên tòa sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

Phát biểu tại tòa, đại diện VKSND TP Cần Thơ nói: Bị cáo dùng hung khí tấn công các bị hại đã đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích. Nhưng bị hại đã rút yêu cầu khởi tố nên đề nghị HĐXX áp dụng điểm a khoản 1 Điều 249 BLTTHS đối với bị cáo.

Cuối cùng, HĐXX nhận định hành vi bị cáo là có tội, cấp sơ thẩm xử có tội là đúng pháp luật. Nhưng do các bị hại rút yêu cầu khởi tố nên đề nghị của đại diện VKS là có cơ sở. Từ đó tuyên chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm, miễn hình phạt cho ông Mách.

TAND TP.HCM xử lý khác

Cuối năm 2013, gia đình bị cáo Bùi Văn Tấn và gia đình người bị hại đánh nhau. Tấn dùng cây gỗ đánh bị hại gây thương tích 10% và cố tật nhẹ. Do có đơn đề nghị nên Tấn bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích. Xử sơ thẩm, TAND huyện Hóc Môn tuyên phạt Tấn chín tháng tù.

Tấn kháng cáo kêu oan. VKS huyện kháng nghị cho rằng lọt người, lọt tội. Trước khi chuẩn bị xử phúc thẩm, Tấn đã bồi thường cho bị hại 40 triệu đồng nên được rút yêu cầu khởi tố.

Ngày 7-11 vừa qua, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên bác kháng cáo, bác kháng nghị, hủy án sơ thẩm, đình chỉ vụ án đối với Tấn. HĐXX vận dụng chính sách pháp luật có lợi theo khoản 2 Điều 155 BLTTHS 2015 để chấp nhận việc rút yêu cầu khởi tố của phía bị hại, hủy án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Trong phần tuyên án, HĐXX nhấn mạnh việc đình chỉ vụ án này là do chính sách mới, nhân đạo của Nhà nước, do tình hình khách quan. Vì thế, bị cáo Tấn không có quyền yêu cầu đòi bồi thường vì cấp sơ thẩm đã xét xử đúng và không có lỗi.

Khoản 2 Điều 155 BLTTHS 2015 quy định: Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định việc rút yêu cầu khởi tố đó là trái với ý muốn của họ…

Quy định này không giới hạn thời điểm rút đơn yêu cầu khởi tố của người bị hại, kể cả tại phiên tòa xét xử phúc thẩm. Nó thể hiện sự tôn trọng ý chí của người bị hại và tạo điều kiện cho người phạm tội khắc phục hậu quả gây ra.

NHẪN NAM

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ XUÂN LÂM

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến: 0903 918 848

Số điện thoại Luật sư Lâm: 0903 918 848

Trụ sở: 250A Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM

Email: lxlamlaw@gmail.com- Website: www.luatsulam.com.vn