Sáng 26-11, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Sửa đổibổ sung Luật Thanh tra: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Những hạn chế của Luật Thanh tra 2010

Tại hội thảo, ông Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, cho biết: Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra được xây dựng theo hướng các hoạt động thanh tra sẽ được tăng cường tính chuyên nghiệp, vừa bảo đảm tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, vừa bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước. Ông Long nhận định Luật Thanh tra đã được triển khai thực hiện suốt 10 năm qua. Luật có những bất cập và hạn chế nhất định được thể hiện ở một số khía cạnh.

Sửa Luật Thanh tra: Bảo đảm tính chủ động của cơ quan thanh tra - ảnh 1
Ông Trần Văn Long, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ (phải), chỉ ra những điểm mới trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra.
Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Về tổ chức, đã có cơ quan thanh tra ở các bộ, ngành nhưng thực tế vẫn cần tổ chức các cơ quan thanh tra địa phương để thực hiện chức năng thanh tra. Một bất cập nữa là có sự chồng chéo giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán.

Trong thực tiễn, có rất nhiều hoạt động kiểm tra thường xuyên của chủ thể quản lý nhưng lại được coi việc đó là thanh tra. Từ đó, ông Long nhấn mạnh cần làm rõ thẩm quyền và trách nhiệm trong tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra. “Dự luật sẽ phải xác định rõ vị thế, thẩm quyền, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, hoạt động cơ quan thanh tra, không để tình trạng lúng túng như hiện nay” – ông Long bày tỏ.

Đề xuất tách chế định thanh tra nhân dân khỏi Luật Thanh tra

Tại hội thảo, ThS Nguyễn Văn Trí, Phó Trưởng Khoa luật hành chính – nhà nước Trường ĐH Luật TP.HCM, có tham luận: “Sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra: Sự cần thiết hay không của một số chế định trong Luật Thanh tra”.

Theo ThS Trí, Luật Thanh tra hiện tại và dự thảo đều dành một chương điều chỉnh về thanh tra nhân dân. Tuy nhiên, thanh tra nhân dân là hình thức giám sát của nhân dân, thể hiện chức năng giám sát xã hội.

“Về bản chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cả tổ chức, phương thức hoạt động của thanh tra nhân dân không liên quan gì đến hoạt động thanh tra mà đó là giám sát” – diễn giả khẳng định.

Do đó, ThS Trí đề xuất tách chế định thanh tra nhân dân ra khỏi Luật Thanh tra và điều chỉnh bằng một luật riêng, có thể là Luật Giám sát của nhân dân.

ADVERTISING

Theo ông, việc tách biệt như trên sẽ đảm bảo thuật ngữ thanh tra không còn khiên cưỡng mà thuần túy là hoạt động cơ bản trong quản lý nhà nước. Đồng thời hoạt động giám sát của nhân dân cũng được nâng tầm.

Nhiều diễn giả khác tại hội thảo cũng nêu ý kiến rằng dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra nên có sự phân định rõ ràng về khái niệm lẫn thẩm quyền, cơ cấu, tổ chức của cơ quan thanh tra với các cơ quan khác như kiểm toán, hoạt động thanh tra nhân dân.

Cơ quan thanh tra độc lập với cơ quan quản lý cùng cấp

Trong phần tham luận, TS Phạm Thị Huệ, Trưởng phòng Hành chính – tổ chức, Viện Chiến lược và khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ, phân tích hiện nay tổ chức cơ quan thanh tra hành chính ở tỉnh, sở, huyện có mô hình giống nhau.

Quy định này dẫn đến việc hoạt động thanh tra của các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội bị quá tải do nhân lực ít trong khi nhiều địa phương khác lại dư nhân lực. Cơ cấu này làm cơ quan thanh tra thụ động về nhân sự, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động thanh tra. Đồng thời, tổ chức cơ quan thanh tra ở địa phương phụ thuộc lớn vào người đứng đầu địa phương. Có thực trạng là từ thanh tra viên đến chánh thanh tra thường xuyên bị điều chuyển.

Từ những vướng mắc này, TS Phạm Thị Huệ kiến nghị tổ chức các cơ quan thanh tra có sự độc lập nhất định với cơ quan quản lý cùng cấp.

Theo đó, cấp trung ương sẽ có cơ quan Thanh tra Chính phủ thuộc Chính phủ, có nhiệm vụ giúp Chính phủ thanh tra cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý Chính phủ. Cơ quan thanh tra cấp khu vực có thể tổ chức theo vùng, miền như cách tổ chức cơ quan kiểm toán hiện nay. Các cơ quan này trực thuộc và chịu trách nhiệm trực tiếp từ Thanh tra Chính phủ.

Cơ quan thanh tra cấp tiểu khu vực tại huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh sẽ trực thuộc và chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ cơ quan thanh tra khu vực.