Từ ngày 01/01/2018, nhiều Thông tư mới về giao thông vận tải, thủ tục tố tụng, … bắt đầu có hiệu lực thi hành, sau đây, THƯ VIỆN PHÁP LUẬTđiểm qua một số điểm nổi bật của các Thông tư này.
1. Ô tô trên 07 đến 09 chỗ phải dán nhãn năng lượng trước khi ra thị trường
Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Thông tư 40/2017/TT-BGTVT về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con trên 07 – 09 chỗ.
Theo đó, xe ô tô con trên 07 đến 09 chỗ được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời hoàn toàn mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng phải được dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường.
Ngoài ra, cơ sở sản xuất, lắp ráp (SXLR) và nhập khẩu (NK) xe ô tô con trên 07 đến 09 chỗ được tự công bố mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng trong các trường hợp:
– Xe SXLR thuộc loại xe đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (GCN ATKT&BVMT) trước 01/01/2018 theo Thông tư 30/2011/TT-BGTVT ngày 15/4/2011 và Thông tư 54/2014/TT-BGTVT ngày 20/10/2014.
– Xe NK thuộc loại xe đã được cấp GCN ATKT&BVMT trước 01/01/2018 theo Thông tư 31/2011/TT-BGTVT ngày 15/4/2011 và Thông tư 55/2014/TT-BGTVT ngày 20/10/2014.
Lưu ý: Thông tư 40 không áp dụng đối với các xe trực tiếp phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, xe ngoại giao, lãnh sự…
2. Điều kiện đối với phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch
Thông tư 42/2017/TT-BGTVT quy định phương tiện thủy nội địa chở khách du lịch phải đảm bảo đầy đủ các nội thất, tiện nghi theo quy định nêu sau:
Đối với phương tiện từ 12 đến 20 ghế ngồi phải có:
– Bảng hướng dẫn sử dụng trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm;
– Số điện thoại, địa chỉ cơ quan tìm kiếm cứu nạn;
– Biểu đồ hành trình tuyến du lịch;
– Thùng chứa đồ uống;
– Thùng rác.
Đối với phương tiện từ 20 đến 50 ghế ngồi phải trang bị thêm:
– Dụng cụ chống nắng, micro;
– Tủ thuốc, dụng cụ sơ cứu, cứu nạn;
– Khu vực phục vụ ăn uống, khu chế biến (nếu có) phải đảm bảo yêu cầu của Bộ Y tế và các quy định phòng chống cháy nổ.
Ngoài những nội thất, tiện nghi trên, phương tiện trên 50 ghế ngồi trở lên phải có: Mái che, rèm cửa chống nắng, điều hòa nhiệt độ (quạt mát); phòng vệ sinh.
3. Bồi dưỡng 500.000 đồng/ngày cho người giám định ma túy
Thông tư 49/2017/TT-BCA quy định chế độ bồi dưỡng giám định kỹ thuật hình sự; thành phần, số người thực hiện nhiệm vụ khi giám định đối với trường hợp khám nghiệm, mổ, khai quật tử thi.
Theo đó, mức bồi dưỡng giám định kỹ thuật hình sự là 500.000 đồng/ngày đối với người thực hiện các giám định sau:
– Giám định cháy, nổ;
– Chất ma túy;
– ADN;
– Giám định ký tự đóng chìm trên vật liệu bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại;
– Giám định dấu vết đường vân phải sử dụng một trong các phương pháp như xông keo, Ninhydrin, Iot, hạt nhỏ, Amilo Black để phát hiện dấu vết;
– Giám định hóa pháp lý phải sử dụng hóa chất nguy hiểm để giám định;
– Giám định tinh dịch, máu khi đối tượng giám định bị nhiễm HIV/AIDS, mang nguồn bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm thuộc nhóm A.
4. Những điểm mới về nội quy phòng xử án
Nội quy phòng xử án được đề cập tại Thông tư 02/2017/TT-TANDTC có một số điểm mới đáng chú ý sau:
– Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký phiên tòa (TKPT) phải mặc trang phục xét xử đúng quy định;
– Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, TKPT, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa phải ngồi đúng vị trí trong phòng xử án;
– Tòa án ghi âm, ghi hình, ghi hình có âm thanh diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng.
Trước khi khai mạc phiên tòa, TKPT ổn định trật tự, kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa triệu tập, phổ biến nội quy phiên tòa, thực hiện các thủ tục khác.
Lưu ý: Nếu Thẩm phán, Hội thẩm, TKPT khi xét xử không mặc đúng trang phục thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý.
(Còn nữa – tiếp tục cập nhật)