Một đường dây buôn bán pháo lậu liên tỉnh với gần 2,5 tạ pháo lậu vừa được Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh Nghệ An chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triệt xóa, bước đầu bắt giữ 4 đối tượng.
Buôn bán pháo lậu bị xử lý như thế nào?
Chia sẻ06:13 | 02/11/2024
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Các đối tượng cùng tang vật bị thu giữ trong đường dây mua bán pháo nổ liên tỉnh bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ. Ảnh: Công an tỉnh Nghệ An |
Đường dây liên tỉnh
Qua công tác nắm tình hình, đầu tháng 10/2024, Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh Nghệ An phát hiện một nhóm đối tượng có hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm với số lượng lớn từ Quảng Trị về Nghệ An và các địa bàn khác để tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Nhóm đối tượng này hoạt động với thủ đoạn tinh vi, sử dụng mạng xã hội để thay đổi phương thức liên lạc; thường xuyên thay đổi phương tiện, địa điểm giao hàng khiến quá trình đấu tranh của lực lượng CA gặp rất nhiều khó khăn.
Nhận định đây là vụ án phức tạp với sự tham gia của nhiều đối tượng, hoạt động liên tỉnh để vận chuyển, mua bán pháo lậu với số lượng rất lớn, Phòng Cảnh sát hình sự đã báo cáo lãnh đạo CA tỉnh xác lập chuyên án đấu tranh.
Quá trình điều tra, xác minh, CQCA xác định Lê Văn Hoài, SN 1991, trú tại xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và Hoàng Đình Minh, SN 1977, trú tại xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là 2 đối tượng cầm đầu đường dây vận chuyển, mua bán pháo nổ liên tỉnh nói trên.
Pháo hoa nổ sau khi được các đối tượng mua ở khu vực biên giới sẽ được Lê Văn Hoài và Hoàng Đình Minh thuê Nguyễn Đức Phú, SN 1990, trú tại xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị vận chuyển, cung cấp tới các đầu mối ở trong và ngoài tỉnh.
Tại Nghệ An, đối tượng Phan Văn Lương, SN 1982, trú tại xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp là đầu mối trực tiếp giao dịch, mua bán pháo từ Hoài và Minh, sau đó mang đi tiêu thụ tại địa bàn tỉnh.
Sau quá trình theo dõi, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, ngày 26/10, tại tuyến Quốc lộ 48 thuộc xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa, Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì, phối hợp phòng nghiệp vụ CA tỉnh và Đội CSGT đường bộ số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông) tổ chức đón lõng, bắt giữ Hoàng Đình Minh khi đối tượng này đang vận chuyển số lượng lớn pháo từ Quảng Trị ra giao dịch với Phan Văn Lương tại địa bàn tỉnh Nghệ An, tang vật thu giữ gần 1 tạ pháo nổ.
Cùng ngày, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Nghệ An thi hành lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở của Phan Văn Lương, Hoàng Đình Minh và thi hành lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở, lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Lê Văn Hoài; thu giữ gần 1,5 tạ pháo nổ. Hiện, Cơ quan CSĐT đã tạm giữ hình sự 4 đối tượng trên để điều tra mở rộng chuyên án.
Chế tài quy định ra sao?
Luận bàn về hành vi buôn lậu hàng cấm (pháo nổ) dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định, việc mua bán pháo nổ là hành vi bị nghiêm cấm hay theo điểm g khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư 2020.
Đồng thời, tại Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với pháo như sau: cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ, trừ trường hợp tổ chức, DN thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này; cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo; Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
Như vậy, theo luật sư Hồng Liên, các cá nhân hoặc tổ chức, DN không thuộc Bộ Quốc phòng và không được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ mà mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo là hành vi vi phạm pháp luật.
Về xử phạt hành chính, khoản 4, khoản 5 Điều 11, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, người vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 40 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm có thể sẽ bị hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại tiền thu lợi bất chính.
Về xử lý trách nhiệm hình sự, kể từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành; theo quy định tại các Điều 190 (về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”); Điều 191 (về tội “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”), Bộ luật Hình sự năm 2015 thì pháo nổ và thuốc lá điếu được quy định là mặt hàng cấm, do vậy tất cả các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các mặt hàng này sẽ bị xử lý hình sự khi đảm bảo yếu tố định lượng.
Về quy định các yếu tố định lượng gồm: sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 6kg đến dưới 40kg; từ 40kg đến dưới 120kg và từ 120kg trở lên. Tương đương với đó là các mức xử lý tương đương, trong đó, mức xử lý cao nhất đối với hành vi vi phạm này lên tới 15 năm tù giam.
Theo đó, khoản 1, Điều 190, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 6kg đến dưới 40kg thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Từ 40kg đến dưới 120kg, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Phạm tội thuộc trường hợp sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 120kg trở lên, thì bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm.