(PL)- Ông Trần Quốc Tuấn – công chức Tổng cục TDTT – làm việc chuyên trách tại LĐBĐ Việt Nam (VFF) từ năm 2005, trừ quãng thời gian ông từ chức tổng thư ký VFF khóa VI.
Tháng 5-2005, tại Đại hội đại biểu VFF khóa V, việc ông Trần Quốc Tuấn được bầu làm tổng thư ký VFF đã làm nhiều người bất ngờ. Bất ngờ bởi ông Tuấn ngay trước đó chỉ là một vị giám sát bóng đá trẻ (34 tuổi) lại vượt qua được ông Phan Anh Tú (Quyền Tổng Thư ký VFF khóa IV). Bất ngờ còn bởi lúc đó ông Tuấn đang là công chức, giữ chức viện phó Viện Khoa học TDTT (Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT&DL).
Biệt phái qua VFF ba nhiệm kỳ
Tại Đại hội đại biểu VFF khóa VI (tháng 10-2009), ông Trần Quốc Tuấn tái đắc cử chức tổng thư ký VFF. Sau thất bại của đội tuyển U23 Việt Nam tại SEA Games 26 mà ông Tuấn làm trưởng đoàn bóng đá, tháng 12-2011, trước sức ép của dư luận, ông Tuấn từ chức tổng thư ký VFF khóa VI.
Sau đó, ông Tuấn quay về Tổng cục TDTT giữ vai trò vụ trưởng đặc trách về bóng đá của Tổng cục TDTT. Đến Đại hội đại biểu VFF khóa VII (tháng 3-2014), ông giữ chức phó chủ tịch phụ trách chuyên môn.
Như vậy, ông Trần Quốc Tuấn – công chức Tổng cục TDTT – đã làm việc chuyên trách tại một tổ chức xã hội-nghề nghiệp là VFF từ năm 2005 đến nay, trừ quãng thời gian hơn hai năm ông quay về Tổng cục TDTT công tác sau khi từ chức tổng thư ký VFF khóa VI.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực VFF. Ảnh: N.HUY
Không phù hợp quy định?
Tại một hội thảo về bóng đá gần đây, luật sư Trần Vũ Hải (từng ứng cử chủ tịch VFF khóa V) nhận định việc Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT&DL biệt phái cán bộ thuộc quyền tham gia bộ máy VFF là không phù hợp quy định, đặc biệt là với trường hợp xuyên suốt ba nhiệm kỳ như ông Trần Quốc Tuấn.
Để làm rõ hơn nhận định này, chúng tôi đã trao đổi với luật sư Trần Vũ Hải.
“Việc biệt phái cán bộ, công chức làm chuyên trách ở VFF là không hợp lý” – luật sư Hải khẳng định và phân tích:
Thứ nhất, Mục 3 Nghị định 24/2010 của Chính phủ (về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức) có quy định về điều động, luân chuyển, biệt phái công chức. Trong đó, hình thức biệt phái công chức là để thực hiện công việc cần giải quyết trong một thời gian nhất định. Thời hạn biệt phái không quá ba năm. Với một số ngành, lĩnh vực đặc thù thì thời hạn biệt phái thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Thứ hai, khoản 1 Điều 7 Thông tư 03/2013 của Bộ Nội vụ (về chế độ, chính sách đối với người công tác tại hội có tính chất đặc thù) quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước luân chuyển, điều động, phân công làm việc tại các hội theo chỉ tiêu biên chế được giao; chế độ, chính sách thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Trường hợp không thuộc hội đặc thù thì thuộc khoản 2 Điều 7 Thông tư 03/2013. Theo đó, chế độ, chính sách đối với những người công tác tại hội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 thì thực hiện theo thỏa thuận giữa hội với người công tác tại hội, bảo đảm tương quan trong nội bộ hội và theo quy định của BLLĐ, quy định pháp luật có liên quan.
Thứ ba, theo Quyết định 68/2010 của Thủ tướng (về hội đặc thù) thì Việt Nam có 28 hội đặc thù, trong đó không có VFF.
Từ các quy định trên, có thể khẳng định VFF không phải là hội đặc thù nên một cán bộ, công chức không thể làm việc chuyên trách tại đây theo dạng được điều động, luân chuyển mà chỉ có thể thực hiện theo thỏa thuận quy định trong BLLĐ. Mà theo bộ luật này, đã là cán bộ, công chức thì không thể làm việc tại một cơ quan khác (trừ hội đặc thù). Hoặc trong trường hợp thuộc dạng biệt phái thì cũng không được quá ba năm.
“Anh không thể một lúc làm cả hai vai, vừa làm chuyên trách ở một tổ chức xã hội-nghề nghiệp không phải hội đặc thù lại vừa làm ở cơ quan quản lý chính tổ chức đó. Theo các quy định tôi đã dẫn chứng, việc một cán bộ, công chức làm chuyên trách ở VFF là không phù hợp. Trong trường hợp này, cán bộ đó phải xin nghỉ việc ở cơ quan nhà nước hoặc VFF hoặc cơ quan nơi công chức đó công tác phải yêu cầu họ nghỉ việc. VFF cũng cần yêu cầu họ phải có sự lựa chọn” – luật sư Hải khẳng định.
Tổng cục TDTT nói gì?
Về vấn đề trên, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Tuấn cho hay ông làm việc tại VFF theo sự phân công của tổ chức, mọi vấn đề liên quan đề nghị PV trao đổi với Tổng cục TDTT.
Theo ông Vương Bích Thắng (Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT), việc cử ông Trần Quốc Tuấn sang VFF là “hợp lý và đúng”.
Theo ông Thắng, bóng đá cũng là công tác TDTT, quản lý điều hành hoạt động bóng đá cũng là nhiệm vụ của Tổng cục TDTT. Do đó, việc Tổng cục cử ông Tuấn sang làm phó chủ tịch VFF là phù hợp để thực hiện nhiệm vụ của ngành TDTT cũng như của Tổng cục. Quá trình này đã được Bộ Nội vụ, Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT cho phép.
“Ông Tuấn là một cán bộ quản lý bóng đá tốt. Thời gian ông Tuấn sang VFF đã có rất nhiều đóng góp vào công tác quản lý, điều hành bóng đá Việt Nam. Việc cử ông Tuấn tham gia vào ban lãnh đạo VFF không có gì sai cả” – ông Thắng khẳng định.
Về vấn đề VFF không phải là hội đặc thù nhưng ông Tuấn vẫn được biệt phái sang, ông Thắng tiếp tục cho rằng đây là nhiệm vụ của Tổng cục TDTT nhằm quản lý hoạt động bóng đá tốt hơn. “Nếu chúng tôi cử ông Tuấn sang một ngành khác, làm một nhiệm vụ khác thì mới nói nhưng đây là việc mà Tổng cục TDTT phải làm” – ông Thắng nói.
Đối với việc ông Tuấn được cử sang VFF đã quá thời hạn biệt phái ba năm theo Nghị định 24/2010, ông Thắng cho biết là cần thiết vì là nhiệm vụ lâu dài của ngành. “Một mình Tổng cục không thể làm bóng đá được mà phải có sự tham gia rất lớn của xã hội. Ông Tuấn chỉ là một cán bộ của Tổng cục tham gia cùng các thành phần khác để tổ chức, vận hành và làm bóng đá. Việc cử sang không phải là áp đặt mà do VFF chủ động đề nghị. Đây vừa là nhiệm vụ cũng vừa là trách nhiệm. Nếu cử cán bộ không có hiểu biết về chuyên môn, về quan hệ quốc tế thì rất khó phát triển” – ông Thắng nói.
Biệt phái đến khi nào? Trong nhiệm kỳ VII, không chỉ có mình ông Trần Quốc Tuấn mà còn có một số công chức ngành TDTT được biệt phái tham gia VFF: Tổng Thư ký Lê Hoài Anh là cán bộ Tổng cục TDTT; Ủy viên Nguyễn Minh Ngọc là cán bộ Viện Khoa học TDTT; Ủy viên Trương Hải Tùng (đang phụ trách Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ) là cán bộ Trường ĐH TDTT. Trả lời câu hỏi sẽ biệt phái ông Tuấn cùng một số cán bộ sang VFF đến khi nào, Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho hay sau này đến một lúc nào đó khi nền bóng đá không cần đến người nhà nước nữa, có thể tự phát triển thì lúc đó sẽ tính toán. Điều này cũng phụ thuộc vào phong trào phát triển bóng đá Việt Nam cũng như yêu cầu của VFF. Trong khi đó, luật sư Trần Vũ Hải đề nghị Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý về hội, về công tác cán bộ, công chức cần nghiêm túc xem xét vấn đề biệt phái cán bộ sang một tổ chức xã hội-nghề nghiệp không phải hội đặc thù như VFF. Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT, VFF cần nghiên cứu các quy định của FIFA và quy định của pháp luật về việc thời gian tới có nên cử các cán bộ, công chức sang giữ vai trò chuyên trách tại VFF hay không. “Đối với việc ứng cử tại VFF, một công chức hoàn toàn có thể làm điều này nếu được một CLB hoặc thành viên nào đó giới thiệu nhưng chỉ làm việc với tư cách không chuyên. Nếu làm chuyên trách thì không được phép bởi như đã nói nó không phù hợp với các quy định của pháp luật, bản thân công chức đó cũng sẽ không làm hết mình vì không làm được ở đây thì về lại cơ quan cũ” – luật sư Hải nói. |
T.PHAN – N.HUY
Theo báo Pháp luật