Từ ngày 01/7/2017, nhiều chính sách mới về bảo hiểm, thuế, đầu tư bắt đầu có hiệu lực thi hành. Đơn cử như sau:
1. Hướng dẫn mới về tỷ lệ hoa hồng đại lý bảo hiểm
Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Thông tư 50/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 và Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2010. Theo đó:
Các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài trả cho đại lý bảo hiểm tỷ lệ hoa hồng tối đa dựa trên phí bảo hiểm thực tế thu được của từng hợp đồng.
Tỷ lệ hoa hồng tối đa của một số nghiệp vụ bảo hiểm phổ biến:
– Bảo hiểm phi nhân thọ:
+ Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại: 5%
+ Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy: 20%
Đối với hợp đồng bảo hiểm trọn gói hoa hồng được tính bằng tổng số hoa hồng của từng nghiệp vụ được bảo hiểm.
– Bảo hiểm nhân thọ nộp phí 01 lần:
+ Bảo hiểm tử kỳ: 15%
+ Bảo hiểm sinh kỳ: 5%
Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhóm thì tỷ lệ hoa hồng tối đa bằng 50% các tỷ lệ tương ứng áp dụng cho hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cá nhân cùng loại.
– Các hợp đồng bảo hiểm sức khỏe: 20%.
2. Điều chỉnh khung giá tính thuế tài nguyên
Thông tư 44/2017/TT-BTC quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau tại Điểm b Khoản 5 Điều 4 Nghị định 12/2015/NĐ-CP .
Khung giá tính thuế cụ thể đối với khoáng sản kim loại và không kim loại, sản phẩm của rừng tự nhiên, hải sản tự nhiên, nước và yến sào thiên nhiên được quy định tại các phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 44.
Khung giá nêu trên sẽ được điều chỉnh khi:
– Giá tài nguyên phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với mức giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với mức giá tối thiểu tại khung giá.
– Phát sinh loại tài nguyên mới chưa được quy định.
Bảng giá tính thuế tài nguyên cụ thể do UBND cấp tỉnh ban hành phù hợp với khung giá của Bộ Tài chính.
3. Áp dụng quy định mới về thù lao dịch vụ đấu giá tài sản (ĐGTS)
Thông tư 45/2017/TT-BTC quy định cụ thể mức tối đa thù lao dịch vụ ĐGTS (hiện hành là phí ĐGTS) tương ứng khung giá trị TS theo giá khởi điểm với TS tại Khoản 1 Điều 4 Luật ĐGTS 2016. Đơn cử như sau:
– Đối với giá trị TS theo giá khởi điểm/hợp đồng dưới 50 triệu đồng thì mức tối đa thù lao dịch vụ ĐGTS là 8% giá trị TS bán được;
– Đối với giá trị TS theo giá khởi điểm/hợp đồng từ 50 triệu đến 100 triệu đồng thì mức tối đa thù lao dịch vụ ĐGTS là 3,64 triệu đồng + 5% trên phần chênh lệch giá trị TS theo giá trúng ĐG với giá khởi điểm;
Xem chi tiết tại Thông tư 45/2017/TT-BTC (thay thế Thông tư 335/2016/TT-BTC ngày 27/12/2016 và bãi bỏ Điều 13 Thông tư 48/2012/TT-BTC ngày 16/3/2012).
4. Cho phép chuyển đổi điểm thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu thành cảng cạn
Đây là nội dung mới nổi bật được quy định tại Nghị định 38/2017/NĐ-CP về đầu tư xây dựng cảng cạn.
Theo đó, khi có nhu cầu chuyển đổi, chủ đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc gửi bằng các hình thức phù hợp khác đến Cục Hàng hải Việt Nam. Hồ sơ gồm:
– Văn bản đề nghị chấp thuận chủ trương chuyển đổi điểm thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu thành cảng cạn.
– Bản vẽ tổng thể thể hiện vị trí điểm thông quan, phương án kết nối mặt bằng phân khu chức năng.
Chậm nhất sau 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì Cục Hàng hải gửi văn bản hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ.
Nếu hồ sơ hợp lệ, Cục hàng hải lấy ý kiến của Bộ tài chính, UBND cấp tỉnh nơi xây dựng cảng; thẩm định và báo cáo Bộ GTVT.
Chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận báo cáo, Bộ GTVT phải có văn bản trả lời chấp thuận chuyển đổi hoặc không đồng ý (nêu rõ lý do).