Tiêu chí Văn phòng Luật sư Xuân Lâm chúng tôi là:

– Uy tín

– Chuyên nghiệp

– Hiệu quả cùng có lợi

Đại án OceanBank: Nguyễn Xuân Sơn liệu có phạm tội Tham ô và Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản?

Đại án OceanBank: Nguyễn Xuân Sơn liệu có phạm tội Tham ô và Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản?
 Những diễn biến bất ngờ của phiên xét xử đại án OceanBank ngày 07/9/2007, khi ông Ninh Văn Quỳnh (nguyên Phó TGĐ PVN) thừa nhận việc đã nhận và sử dụng vào mục đích cá nhân số tiền 20 tỷ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn, khiến cho ‘vùng tối’ trong OceanBank đang dần sáng tỏ.
Đại án OceanBank: Nguyễn Xuân Sơn liệu có phạm tội Tham ô và Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản?

Hà Văn Thắm tin rằng Nguyễn Xuân Sơn không chiếm đoạt tiền
Đọc ngay

Từ lời khai của Ninh Văn Quỳnh…

Trong suốt diễn biến của vụ án, ông Ninh Văn Quỳnh một mực phủ nhận các lời khai của Nguyễn Xuân Sơn, về việc Sơn chi tiền “chăm sóc khách hàng” của OceanBank cho PVN thông qua ông Quỳnh. Ông chỉ thay đổi lời khai sau khi bị Cơ quan Điều tra tống đạt Quyết định khởi tố bị can về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” vào ngày 31/8.

Ông Ninh Văn Quỳnh khai nhận tại tòa

Trước Tòa, ông Quỳnh nói: “Tại phiên tòa sơ thẩm trước và lần này tôi đều trả lời tôi không nhận tiền từ Nguyễn Xuân Sơn. Khi tôi được nghe lệnh bắt và giam vì một vụ án khác, tôi đã suy nghĩ và nhận thức lại. Nay tôi xin khai lại những gì đã khai tại cơ quan điều tra”. Mặc dù vậy, số tiền Ninh Văn Quỳnh khai đã nhận (20 tỷ đồng) là rất ít so với lời khai của Nguyễn Xuân Sơn.

Cáo trạng quy buộc Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt số tiền trên 315 tỷ đồng. Việc chiếm đoạt được thực hiện qua hai giai đoạn. Từ năm 2009 đến hết năm 2010, Khi Sơn giữ chức vụ TGĐ OceanBank, Hà Văn Thắm đã chi cho Sơn 69 tỷ đồng thông qua Công ty BSC (một công ty được Thắm lập ra để thu phí vượt lãi trần và phí ngoài từ các khách hàng vay tiền hay mua ngoại tệ), để Sơn “chăm sóc” các khách hàng gửi tiền thuộc nhóm PVN.

Sau ngày 27/12/2010, Nguyễn Xuân Sơn rời vị trí TGĐ OceaBank để về PVN giữ chức vụ Phó TGĐ. Lúc này, nhận thấy việc chi tiền “chăm sóc khách hàng” thật sự đem lại hiệu quả, Hà Văn Thắm quyết định mở rộng hoạt động chi lãi ngoài trên toàn hệ thống OceanBank để thu hút tiền gửi và giữ chân khách hàng, đồng thời tiếp tục nhờ Nguyễn Xuân Sơn phụ trách việc “chăm sóc khách hàng’ cho nhóm PVN. Giai đoạn này, Nguyễn Xuân Sơn nhận từ OceanBank số tiền 246 tỷ đồng.

Theo lời khai của Nguyễn Xuân Sơn, trong 69 tỷ đồng giai đoạn 2009 – 2010, Sơn chuyển cho Ninh Văn Quỳnh nhiều lần với số tiền khoảng 30 đến 40 tỷ đồng để “chăm sóc” PVN. Số tiền còn lại, Sơn trực tiếp chi cho các khách hàng lớn thuộc nhóm PVN như Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Liên doanh Dầu khí Vietsopetro (VSP). Còn số tiền 246 tỷ đồng nhận của OceanBank sau 2010, Nguyễn Xuân Sơn khai: “Nhận bao nhiêu đều chuyển hết cho Ninh Văn Quỳnh”.

Tuy nhiên, trước khi Ninh Văn Quỳnh khai nhận, Nguyễn Xuân Sơn chưa chứng minh được mình đã sử dụng số tiền nhận từ BSC và OceanBank để “chăm sóc khách hàng” như thỏa thuận với Hà Văn Thắm. Lại thêm việc thay đổi lời khai trong phiên tòa sơ thẩm lần 1 hồi đầu năm 2017, khi Sơn chối bỏ hoàn toàn việc nhận số tiền nêu trên, đã dẫn đến việc Sơn bị cáo buộc về hành vi chiếm đoạt.

Theo lập luận của VKS, trong số tiền 246 tỷ của OceanBank, có 49 tỷ thuộc sở hữu Nhà nước do PVN nắm giữ, vì vậy Sơn bị truy tố về hai tội “Tham ô tài sản” 49 tỷ đồng của Nhà nước, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” 197 tỷ đồng của OceanBank và 69 tỷ đồng thông qua công ty BSC, là những tội danh liên quan đến hành vi chiếm đoạt này.

“Vùng tối đang sáng dần”

Trên thực tế, đây là giả thuyết khó được dư luận chấp nhận. Bởi lẽ, nếu Sơn không chi tiền “chăm sóc khách hàng”, thì vì đâu mà PVN lại có những ưu đãi to lớn và bất thường cho OceanBank đến mức “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” như vụ án vừa được khởi tố? Và nếu Sơn bị buộc tội chiếm đoạt số tiền này, thì phải chăng những đối tượng hưởng lợi từ Sơn lại vô can, ung dung ngoài vòng pháp luật?

Với hiểu biết và kinh nghiệm lâu năm trên thương trường, Hà Văn Thắm nhận định: “Bị cáo nghĩ anh Sơn khai trong phiên tòa này là đúng. Anh Sơn không chiếm đoạt tiền mà đã chi hết cho khách hàng. Việc anh Sơn chi chăm sóc khách hàng tính chất giống như việc chị Thu hay người khác chi”.

Hà Văn Thắm tin vào nhận định của mình: “Số tiền chi cho Sơn để chi chăm sóc khách hàng ở PVN, tôi tin anh Sơn vẫn làm tốt, không chiếm đoạt nên có khoản ưu đãi riêng trong việc tạo điều kiện để anh Sơn được mua 2 triệu cổ phiếu bán giá ưu đãi. Bị cáo biết anh Sơn bán lúc nào, bán bao nhiêu và lãi được 40 tỷ. Ngoài ra còn nhiều khoản khác. Bị cáo nói anh Sơn, nếu làm tốt, sẽ có cách để anh không thiệt thòi. Anh em với nhau 5.000 đồng hay 5 triệu đồng đều là ăn cắp, chúng ta đàn ông nên thẳng thắn với nhau. Bị cáo tin anh Sơn không làm sai. Anh Sơn mua cổ phiếu nhiều lắm nên không nhớ. Bị cáo hay để ý xem anh Sơn có chiếm đoạt không nên bị cáo nhớ”.

Chắc hẳn niềm tin của Thắm không phải là vô cớ, vì bị cáo này khai nhận: “Bị cáo biết anh Sơn phụ trách các khách hàng nào. Hành động của họ thể hiện việc anh Sơn đi làm có kết quả. Bị cáo đều theo dõi hành động của các khách hàng hàng ngày. Số lượng tiền bị cáo đồng ý chi, trong đó anh Sơn gửi đi là khá lớn, không thể đút gầm giường được” – Lời khai của Hà Văn Thắm trước Tòa.

Về phía VKS, mặc dù cáo buộc và truy tố Nguyễn Xuân Sơn về hành vi chiếm đoạt hơn 315 tỷ đồng, nhưng theo logic diễn biến vụ án, có một số đoạn trong bản Cáo trạng lại dường như thừa nhận việc Sơn đã thực hiện “chăm sóc” và thiết lập được mạng lưới các khách hàng lớn thuộc PVN nhận tiền của Ocean Bank, để sau khi rời Ocean Bank, Sơn bàn giao lại cho Nguyễn Minh Thu tiếp tục thực hiện.

“Trên cơ sở kết quả điều tra xác định: Từ khi Nguyễn Xuân Sơn về làm Phó tổng giám đốc PVN, về công tác quản lý thì Nguyễn Xuân Sơn không trực tiếp điều hành hoạt động của Ngân hàng Đại Dương (trong đó có việc Ngân hàng Đại Dương ra chủ trương chi lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng trên toàn hệ thống). Tuy nhiên, chủ trương chi lãi ngoài của Ngân hàng Đại Dương đã được thực hiện từ khi Nguyễn Xuân Sơn làm Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Dương, theo đề nghị chi “chăm sóc khách hàng” của Sơn” – Trích Cáo trạng trang 29.

“Khi Nguyễn Xuân Sơn được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc PVN thì Nguyễn Minh Thu được Hội đồng thành viên PVN giới thiệu làm Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Dương và Nguyễn Xuân Sơn đề nghị Nguyễn Minh Thu tiếp tục trực tiếp làm việc với 03 khách hàng lớn là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Công ty Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) và Liên doanh Dầu khí Vietsopetro (VSP)” – Trích Cáo trạng trang 29 – Lời khai của Nguyễn Minh Thu.

“Ngoài ra, theo chỉ đạo và bàn giao lại của Nguyễn Xuân Sơn sau khi Sơn về giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc PVN, giao lại vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Dương cho Thu; bị can Nguyễn Minh Thu đã trực tiếp phê duyệt, nhận và chi tiền lãi ngoài 125,6 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn cho các khách hàng thuộc nhóm Dầu khí, trong đó bị can Nguyễn Minh Thu trực tiếp nhận và chi tiền 57,817 tỷ đồng cho Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Công ty Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) và Liên doanh Dầu khí Vietsopetro (VSP)” – Trích Cáo trạng trang 30.

Sự kiện Ninh Văn Quỳnh – một cấp dưới của Nguyễn Xuân Sơn trong hệ thống tổ chức PVN – khai đã nhận và sử dụng cho mục đích cá nhân số tiền 20 tỷ đồng từ Nguyễn Xuân Sơn đang làm dấy nên những phỏng đoán về số tiền “khủng” mà Nguyễn Xuân Sơn phải “chăm sóc” cho những “ông lớn” thuộc PVN. Cùng với việc Cơ quan Điều tra khởi tố vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại PVN, những “vùng tối” trong đại án Ocean Bank đang dần sáng tỏ, bao gồm cả bí mật về việc Nguyễn Xuân Sơn đã dùng số tiền từ Công ty BSC và OceanBank như thế nào và chi cho những ai?

“Lời khai nhận của Ninh Văn Quỳnh đã làm lung lay cáo buộc của VKS đối với Nguyễn Xuân Sơn về tội “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, vì nhận định của VKS về số tiền mà Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt không còn chính xác nữa, và khả năng Nguyễn Xuân Sơn không chiếm đoạt số tiền 135 tỷ đồng từ OceanBank và thông qua Công ty BSC là hoàn toàn có thể. Trong khi đó, yếu tố chiếm đoạt là cấu thành bắt buộc của hai tội danh nêu trên, nếu không chứng minh được hành vi chiếm đoạt thì không thể buộc tội.

Mặt khác, nếu Tòa muốn tuyên buộc Nguyễn Xuân Sơn với hai tội danh đó trong lần xét xử này, thì phải làm rõ bị cáo chiếm đoạt bao nhiêu, chi phí hết bao nhiêu trong tổng số tiền 135 tỷ đồng, mà đây là một việc rất khó, có thể phải trả hồ sơ điều tra bổ sung hay tách ra để đợi kết quả của những vụ án khởi tố sau. Theo ý kiến của cá nhân tôi, Tòa nên áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội để loại bỏ hai tội danh này cho Nguyễn Xuân Sơn”, Luật sư Tạ Quốc Cường, công ty Luật Hợp danh sự thật (Đoàn luật sư Hà Nội)phân tích./.

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ XUÂN LÂM

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến: 0903 918 848

Số điện thoại Luật sư Lâm: 0903 918 848

Trụ sở: 250A Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM

Email: lxlamlaw@gmail.com- Website: www.luatsulam.com.vn