(PL)- Theo quy định hiện hành, vi phạm của họ chỉ có thể xử phạt hành chính nhưng họ lại bị kết án.
Theo hồ sơ, tháng 1-2015, tại cuộc họp Chi hội Cựu chiến binh (CCB) thôn 6 (xã Trường Xuân, huyện Đăk Song, Đắk Nông), Chi hội trưởng Đỗ Mạnh Hùng nêu ý kiến là đất rừng của chi hội giao cho một người dân đã bị lấn chiếm mất một phần. Để tránh bị người dân tiếp tục lấn chiếm, chi hội phải phát dọn để lấy đất trồng cây keo, sản xuất gây quỹ hoạt động. Toàn thể hơn 20 hội viên cùng thống nhất đồng ý.
Chặt cây bụi trồng keo, bị kết tội hủy hoại rừng
Trong hai ngày tháng 1-2015, các hội viên chi hội CCB đã chặt những cây bụi, cây nhỏ, dây leo với diện tích 0,4 ha. Tiếp đó, trong hai ngày tháng 4-2015, các hội viên tiếp tục chặt dọn với diện tích 0,38 ha. Tổng cộng các hội viên đã phát dọn 0,78 ha.
Vì việc này, Công an, VKSND thị xã Gia Nghĩa đã khởi tố, truy tố Đỗ Mạnh Hùng cùng sáu chi hội viên chi hội CCB về tội hủy hoại rừng. Theo CQĐT và VKS, đây là đất rừng sản xuất nằm trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa (giáp ranh huyện Đăk Song – NV) do Công ty TNHH MTV Gia Nghĩa quản lý. Theo kết quả giám định, các hội viên đã gây thiệt hại hơn 42 triệu đồng nên phạm tội hủy hoại rừng.
Tháng 4-2016, TAND thị xã Gia Nghĩa xử sơ thẩm lần đầu đã phạt bảy bị cáo 6-7 tháng tù về tội danh trên.
Trên hủy án, dưới tiếp tục kết tội
Bảy bị cáo kháng cáo kêu oan. Tại phiên xử phúc thẩm lần đầu của TAND tỉnh Đắk Nông hồi tháng 6-2016, đại diện VKS tỉnh cho rằng trưởng thôn Nguyễn Nam Thái không tham gia phá rừng nhưng cấp sơ thẩm nhận định bị cáo tham gia với vai trò đồng phạm giúp sức là đánh giá không khách quan về hành vi của bị cáo.
Mặt khác, cấp sơ thẩm kết luận các bị cáo hủy hoại tổng cộng 0,78 ha rừng nhưng không tiến hành giám định diện tích này mà lại đi giám định cả vạt rừng 0,98 ha để xác định thiệt hại là không phù hợp.
Ngoài ra, tháng 3-2015, Chi cục Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa xác định cả khu rừng 0,98 ha (nơi các bị cáo phát dọn 0,78 ha) bị hủy hoại đã thiệt hại 100%. Như vậy việc cấp sơ thẩm nhận định các bị cáo hủy hoại 0,38 ha rừng trong hai ngày tháng 4-2015 là không phù hợp.
Từ đó, đại diện VKS đề nghị tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu. Đồng tình, TAND tỉnh đã tuyên hủy bản án sơ thẩm.
Tháng 9-2017, tại phiên xử sơ thẩm lần hai của TAND thị xã Gia Nghĩa, bảy bị cáo cho rằng mình chỉ tham gia dọn dẹp rừng vì trên thực tế rừng đã bị hủy hoại từ trước tháng 1-2015 rồi. Các nhân chứng cũng khẳng định điều này. Tuy nhiên, TAND thị xã Gia Nghĩa vẫn kết luận bảy bị cáo đã hủy hoại tổng cộng 0,78 ha rừng và phạt họ 6-7 tháng tù.
Bảy bị cáo trong một phiên xử. Ảnh: CTV
Không đủ định lượng xử lý hình sự
Về mặt pháp lý, một thẩm phán TAND TP.HCM và các luật sư Lê Văn Hoan, Trần Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) đều chung một nhận định là chưa đủ căn cứ để buộc tội bảy bị cáo.
Theo các chuyên gia này, bản án sơ thẩm lần hai quy kết các bị cáo hủy hoại 0,38 ha rừng vào hai ngày tháng 4-2015 là hoàn toàn không có cơ sở bởi từ tháng 3-2015, Chi cục Kiểm lâm thị xã Gia Nghĩa đã xác định diện tích rừng này bị hủy hoại hoàn toàn (thiệt hại 100%). Đến tháng 4-2015 trên thực tế đã không còn rừng nữa thì không thể nói các bị cáo hủy hoại 0,38 ha được.
Do đó, chỉ có thể xem xét trách nhiệm hình sự của các bị cáo với phần diện tích 0,4 ha mà các bị cáo phá trong hai ngày tháng 1-2015. Vậy theo quy định hiện hành, trách nhiệm của các bị cáo nếu có hành vi hủy hoại 0,4 ha rừng sẽ như thế nào?
Khoản 1 Điều 189 BLHS quy định về tội hủy hoại rừng như sau: Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền 10-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Ở đây, các bị cáo chưa từng bị xử phạt hành chính về hành vi hủy hoại rừng. Mặt khác, theo hướng dẫn trong Thông tư liên tịch số 19/2007 của Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSND Tối cao,TAND Tối cao, gây hậu quả nghiêm trọng trong tội hủy hoại rừng là đốt rừng, phá rừng hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng sản xuất với diện tích từ trên mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính đến hai lần mức tối đa bị xử phạt vi phạm hành chính. Mà theo khoản 5 Điều 20 Nghị định 157/2013 của Chính phủ, đối với loại rừng sản xuất, hành vi chặt phá cây rừng từ trên 3.000-5.000 m2 không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền 30-50 triệu đồng.
Như vậy, giả sử nếu cơ quan tố tụng có chứng minh được các bị cáo có hành vi hủy hoại 0,4 ha (4.000 m2) rừng sản xuất trong hai ngày tháng 1-2015 đi chăng nữa thì cũng chỉ có thể xử phạt hành chính họ với số tiền 30-50 triệu đồng theo quy định trên. Hành vi hủy hoại 0,4 ha rừng sản xuất của các bị cáo không thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng trong tội hủy hoại rừng.
Từ những phân tích trên, các chuyên gia cho rằng chỉ có thể xử phạt hành chính đối với bảy bị cáo. Việc TAND thị xã Gia Nghĩa kết án họ về tội hủy hoại rừng là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Hiện bảy bị cáo đều kháng cáo kêu oan. Theo dự kiến, ngày 15-11, TAND tỉnh Đắk Nông sẽ đưa vụ án ra xử phúc thẩm lần hai. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Người đã mất, người đi cấp cứu
Vụ án có bảy CCB bị khởi tố thì có năm người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo. Tháng 8-2017, trước ngày tòa sơ thẩm xử lần hai, bị cáo Đoàn Xuân Trường đã qua đời nên các cơ quan tố tụng phải đình chỉ vụ án đối với bị cáo này. Cũng trong tháng 8-2017, CQĐT đã bắt tạm giam sáu người còn lại. Gia đình các bị cáo cho biết rất bất ngờ về việc này. Sức khỏe yếu, trong thời gian bị tạm giam, hai bị cáo Hoàng Văn Sằn và Nguyễn Nam Thái đã phải đi cấp cứu. “Nghe tin chồng ngất xỉu, phải cấp cứu ở bệnh viện tỉnh, chân tay tôi bủn rủn, chạy vội tới bệnh viện nhưng không có cách nào để mua thuốc cho chồng điều trị bệnh tim. Đã hai lần sáu gia đình chúng tôi xin bảo lãnh cho chồng tại ngoại nhưng không được giải quyết” – vợ bị cáo Thái khóc kể. |