PL)- Mong muốn ấy của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 896, cũng là mong ước của nhiều người dân.
Nhưng để biến điều này thành hiện thực cuộc sống vẫn là một chặng đường gian nan mà nguyên nhân chính là tiền đâu để thực hiện Đề án 896 (Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về quản lý dân cư).
Điều đáng nói là nguyên nhân “thiếu kinh phí” ấy cũng đã được nêu ra và mổ xẻ từ cách đây ba năm nhưng hơn ngàn ngày qua vẫn chưa được giải quyết để có thể tiến gần tới cái đích quản lý dân cư bằng dữ liệu điện tử chứ không phải bằng sổ sách giấy tờ mà Đề án 896 đã đặt ra.
Cụ thể, theo Đề án 896 thì đến hết năm 2015 đã phải hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật CSDLQG về dân cư trong phạm vi cả nước. Từ năm 2016, thực hiện khâu nhập thông tin cơ bản về công dân vào CSDLQG về dân cư và cấp số định danh cá nhân. Hết năm 2020, thông tin cơ bản của tất cả công dân sẽ được nhập, cập nhật vào CSDLQG về dân cư và mỗi công dân đều có số định danh cá nhân. Cũng từ đây các cơ quan hành chính nhà nước tại các cấp chính quyền khai thác, sử dụng thông tin trực tuyến tại CSDLQG về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.
Đề án 896 cũng đặt ra mục tiêu phát triển ứng dụng thẻ công dân điện tử hoặc phương tiện điện tử khác để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự xã hội như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu và các giấy tờ khác có liên quan; phấn đấu đến cuối năm 2020 đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm các loại giấy tờ công dân khác như thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, thẻ mã số thuế cá nhân…
Yêu cầu, lộ trình là vậy nhưng trên thực tế thì sau năm năm thực hiện Đề án 896, đến nay các cơ quan hữu quan vẫn còn đang loay hoay với thủ tục “đầu tiên – tiền đâu”!
Không ai không thấy những ích lợi to lớn, quan trọng của CSDLQG về dân cư mà nói như Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng thì “đây là dữ liệu quan trọng nhất của một quốc gia”. Không thể cải cách hành chính, không thể giảm các giấy tờ công dân, trong đó có việc bỏ sổ hộ khẩu mà nhiều người dân đang trông đợi, nếu như không xây dựng được CSDLQG về dân cư.
Những ngày này chúng ta đang nói nhiều đến cách mạng công nghiệp 4.0 với những dự tính nghe ra rất dữ dội. Vậy chúng ta hãy bắt đầu cuộc cách mạng này bằng việc quyết liệt tìm cách gỡ điểm kẹt về tiền để xây dựng cho được CSDLQG về dân cư và đưa vào ứng dụng đúng như lộ trình đặt ra. Bởi mọi thứ sẽ vẫn là thứ xa vời nếu mỗi chiếc ví của người dân Việt vẫn cứ phồng căng bởi đủ thứ giấy tờ tùy thân mà đi đâu cũng phải kè kè bên người!