Khó khăn xác định trại giam của đương sự
Theo khoản 1 Điều 129 Luật THADS, Chấp hành viên gửi thông báo, quyết định về việc nhận lại tiền, tài sản cho người được thi hành án đang chấp hành hình phạt tù thông qua Giám thị trại giam, trại tạm giam. Tuy nhiên, việc xác định trại giam của đương sự không phải lúc nào cũng được thực hiện một cách dễ dàng, thuận lợi. Đặc biệt là đối với một số trường hợp gia đình và địa phương không biết thông tin về nơi đương sự phải chấp hành hình phạt tù.
Tình trạng không xác định được địa chỉ trại giam của đương sự là một tình trạng khá phổ biến mà các cơ quan THADS thường gặp phải. Mặc dù Điều 3 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC đã quy định rõ Giám thị trại giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự, Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo cho cơ quan THADS nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm họ, tên, địa chỉ của phạm nhân là người phải THADS hoặc phạm nhân là người được thi hành án theo bản án hình sự, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tiếp nhận phạm nhân vào trại giam. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định trên ở nhiều nơi vẫn còn hạn chế. Trong một số trường hợp việc tìm hiểu và xác định trại giam nơi người được thi hành án đang chấp hành hình phạt tù còn làm mất khá nhiều thời gian của Chấp hành viên, làm giảm hiệu quả thi hành án.
Thủ tục trả lại tài sản cho phạm nhân còn phức tạp
Khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC quy định: Trường hợp phạm nhân là người được THADS có đơn đề nghị được nhận tiền, giấy tờ tại trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thì trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo cho cơ quan THADS biết; trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, cơ quan THADS có trách nhiệm gửi tiền, giấy tờ cho Giám thị trại giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để tiến hành việc trả tiền, giấy tờ cho phạm nhân là người được THADS theo quyết định trả tiền, giấy tờ.
Tuy nhiên, nhiều phạm nhân có trình độ hiểu biết hạn chế, cá biệt còn có cả những phạm nhân không biết chữ, do đó quy định phạm nhân có đơn xin nhận tiền, giấy tờ trong trại giam đôi khi rất khó khăn.
Mặt khác, đối với những tài sản được trả lại có giá trị quá nhỏ như một cái quần bò, một cái ví cũ hay một cái điện thoại không còn sử dụng được… thì việc trả lại lại càng khó khăn hơn khi đương sự thì ở trong trại giam, người nhà đương sự thì không muốn đến nhận do tài sản có giá trị quá nhỏ, nhất là khi họ lại cư trú ở các tỉnh xa với nơi xử án.
Điểm c Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy. Đối với những tài sản, vật chứng không có giá trị, giá trị nhỏ hoặc không sử dụng được thì Tòa án nên tuyên tiêu hủy đối với vật chứng đó, không nên tuyên trả lại cho bị cáo, nhất là khi bị cáo phải chịu hình phạt tù giam với thời gian dài. Việc thống nhất giữa quá trình xét xử với việc xem xét xử lý các tài sản, tang vật của vụ án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giai đoạn THADS, giảm tải công việc cho các cơ quan THADS, tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí của Nhà nước.
Khoản 4 Điều 4 Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BTP-BCA-BTC quy định: Trường hợp phạm nhân là người được THADS thì cơ quan THADS trực tiếp chuyển tiền cho người được thi hành án thông qua Giám thị trại giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc chuyển vào tài khoản tạm gửi của trại giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
Đối với giấy tờ khác thì cơ quan THADS chuyển giao cho Giám thị trại giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để trả lại cho phạm nhân là người được thi hành án. Tuy nhiên, quy định này của Thông tư lại không áp dụng đối với các tài sản khác, trong khi số lượng các việc thi hành án phải trả lại tài sản khác cho phạm nhân là rất lớn.
Do đó, nên xem xét bổ sung quy định rõ đối với những trường hợp đã xác định được chính xác địa chỉ trại giam, cơ quan THADS thực hiện luôn việc chuyển trả tài sản vào trại giam để trại giam tiến hành trả cho phạm nhân mà không cần các thủ tục như đơn xin nhận tài sản, ủy quyền nhận tài sản… để rút ngắn thời gian thi hành án.