Vì sao Giang Kim Đạt có thể ra vào Vinashinlines quá dễ dàng? Thoắt cái anh ta được ký hợp đồng, bổ nhiệm, chấm dứt hợp đồng, rồi lại quay lại làm việc, được bổ nhiệm chức vụ…
Chiều 17/8, phiên tòa xét xử Giang Kim Đạt tiếp tục với phần thẩm vấn bị cáo Trần Văn Liêm (SN 1955, cựu TGĐ Vinashinlines) và Trần Văn Khương (SN 1950, cựu kế toán trưởng Vinashinlines).
Theo bản án sơ thẩm, tháng 4/2006, Trần Văn Liêm được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Vinashinlines. Một năm sau, Liêm tiếp nhận Giang Kim Đạt vào công tác tại phòng khai thác 2.
Từ đó về sau, Giang Kim Đạt ra vào Vinashinlines như cái chợ. Thoắt cái anh ta được ký hợp đồng, bổ nhiệm, chấm dứt hợp đồng, rồi lại quay lại làm việc, được bổ nhiệm chức vụ.
Quan lộ kỳ lạ của Giang Kim Đạt được bị cáo Trần Văn Liêm lý giải là bởi, mỗi lần cần đến Đạt, Liêm lại ký hợp đồng lao động với anh ta để hợp thức hóa vai trò của Đạt ở Vinashinlines.
Bị cáo Trần Văn Liêm tại phiên tòa phúc thẩm |
Khai về “mối lương duyên” khiến Trần Văn Liêm gặp Giang Kim Đạt, nguyên TGĐ Vinashinlines cho hay: Trong một buổi gặp mặt ở TP.HCM, cùng với những người quen khác, Liêm gặp Đạt.
Trong buổi gặp đầu tiên đó, Liêm ấn tượng bởi sự hiểu biết và mối quan hệ của Giang Văn Đạt về lĩnh vực hàng hải.
Thời gian sau đó, khi thị trường tàu biển đi xuống, Vinashinlines có 3 con tàu cần bán gấp để tránh lỗ. Lúc đó, Đạt đến tìm gặp Liêm nói có thể “bắt mối” để bán cho Vinashinlines 3 con tàu này.
“Năm 2008, xảy ra khủng hoảng, thị trường đang xuống nên cần bán gấp. Trong khi đó Đạt nói có nhiều mối để bán được tàu nên bị cáo tuyển Đạt vào Vinashinlines, ký hợp đồng ngắn hạn, với tư cách là cố vấn cao cấp”, lời khai bị cáo Liêm.
Vẫn theo lời khai của bị cáo Liêm, sau hơn 1 tháng làm việc ở Vinashinlines, công việc không trôi chảy, Đạt không giúp bán được con tàu nào, anh ta đã xin nghỉ việc và ông Liêm đã giải quyết cho Giang Kim Đạt được nghỉ. “Những lần chấm dứt hợp đồng lao động đều là do nguyện vọng của Đạt”, ông Liêm khai.
Theo tài liệu điều tra, sau lần thứ hai chấm dứt hợp đồng lao động với Đạt vào tháng 4/2008, một tháng sau Đạt lại được Vinashinlines tiếp nhận trở lại và được bổ nhiệm làm quyền Trưởng phòng kinh doanh.
Lúc này, Phòng kinh doanh mà Đạt giữ chức quyền Trưởng phòng được Liêm giao trực tiếp đàm phán, thỏa thuận các điều kiện, điều khoản của hợp đồng mua tàu và hợp đồng thuê tàu biển. Liêm đã thống nhất với Đạt trong việc tìm kiếm, giao dịch, thỏa thuận với công ty bán tàu, công ty môi giới để yêu cầu trích lại “hoa hồng” trên tổng giá trị hợp đồng.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, thông qua việc thực hiện các hợp đồng mua và cho thuê tàu, Giang Kim Đạt đã chiếm hưởng hơn 260 tỷ đồng, chi lại cho Liêm 3,1 tỷ đồng.
Nguyên TGĐ Vinashinlines nhận sai
Trả lời câu hỏi thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Liêm khai, ông ta không biết khoản tiền chênh lệch mua tàu được hưởng là bao nhiêu, cũng không biết Đạt chiếm hưởng bao nhiêu tiền. “Chỉ đến khi đọc kết luận điều tra, bị cáo mới biết Đạt thu bằng ấy tiền”, bị cáo Liêm khai.
Theo lời khai của bị cáo Liêm: “Việc mua tàu, gửi giá tiền, bị cáo biết đó là tiền “hoa hồng” mà Đạt được hưởng. Khi đó Đạt mang về 150.000 USD, đưa cho bị cáo và bảo đó là tiền xin được. Đạt đưa số tiền đó làm 3 lần và bị cáo đã đưa lại cho kế toán trưởng Trần Văn Khương 110.000 USD, nói là để chi cho anh em”.
Bị cáo Liêm tự nhận trách nhiệm của mình vì đã chi sai nguyên tắc số tiền 110.000 USD.
Về phía bị cáo Khương, tại phiên tòa phúc thẩm ông ta phủ nhận toàn bộ lời khai trên của bị cáo Liêm. Theo lời khai của cựu kế toán trưởng Vinashinlines, ông ta không nhận bất cứ số tiền nào từ Trần Văn Liêm.