Gần đây, nhiều hộ kinh doanh ‘rỉ tai’ nhau việc không nhận thanh toán bằng chuyển khoản; người kinh doanh online sử dụng tài khoản không chính chủ… nhằm né thuế. Ngành thuế khẳng định có đủ khả năng giám sát, quản lý.
Phát biểu tại Hội nghị hỗ trợ, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của hộ kinh doanh trong việc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền do Cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức sáng 5.6, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, đề cập tình trạng gần đây một số hộ kinh doanh không muốn nhận thanh toán chuyển khoản, hoặc cố tình ghi sai nội dung chuyển khoản.
Khẳng định đây có thể được coi là hành vi trốn thuế, bà Cúc đặt vấn đề: “Khách chuyển khoản thì nói rằng phải thu thêm 1,5% thuế. Mấy chục năm qua, chính sách thuế dù thanh toán bằng tiền mặt hay chuyển khoản không thay đổi, vậy từ trước đến nay, có phải những hộ, cá nhân này không tuân thủ pháp luật về thuế”.
Theo Phó cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn, gần đây, các hộ kinh doanh “rỉ tai” nhau việc không nhận thanh toán bằng chuyển khoản, chỉ nhận tiền mặt. Đây chỉ là trường hợp của một vài cá nhân, không phải hiện tượng rộng khắp. Cạnh đó, có hiện tượng người kinh doanh online sử dụng tài khoản của cá nhân khác, không chính chủ hoặc hạn chế ghi nội dung liên quan mua bán khi chuyển khoản.
“Cũng có thể đây là vấn đề né thuế. Cơ quan thuế hiện có rất nhiều thông tin trên cơ sở dữ liệu chia sẻ chung giữa các bộ, ngành, từ ngân hàng, các bộ: Công an, TT-TT, Công thương…; các sàn thương mại điện tử, các đơn vị vận chuyển
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nếu xác định tự vận chuyển hàng hóa sẽ rất khó khăn, đều phải qua trung gian. Trong trường hợp thu tiền mặt, chúng tôi có thể kiểm tra qua ship COD (thu hộ – PV), đơn vị vận chuyển…
Thông tin từ các đơn vị vận chuyển sẽ được khai thác kịp thời và liên tục, vẫn có thông tin để xác định các giao dịch này thường xuyên, liên tục như thế nào. Kể cả việc sử dụng tài khoản khác, không chính chủ, cơ quan thuế cũng có biện pháp giám sát, xử lý”, ông Sơn nói.
Theo lãnh đạo Cục Thuế, ngành thuế luôn cố gắng đảm bảo công bằng giữa các hộ kinh doanh, khi cùng bán hàng hóa giống nhau, tỷ lệ thuế phải như nhau, đảm bảo minh bạch và công bằng.
“Thuế không tăng, chỉ có mức độ minh bạch là được nâng cao, né thuế sẽ bị truy thu, xử phạt, thậm chí xử lý hình sự nếu nghiêm trọng. Trong tháng 6 này, cơ quan thuế sẽ đến từng hộ kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi sang hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, đảm bảo điều kiện thực hiện tốt nhất”, ông Sơn nhấn mạnh.
Cố tình giấu doanh thu sẽ bị xử lý thế nào?
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Chi cục Thuế khu vực I (quản lý địa bàn Hà Nội, Hòa Bình) cho biết, theo quy định của pháp luật thuế, doanh thu tính thuế giá trị gia tăng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, cung ứng dịch vụ mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Hành vi treo biển “chỉ nhận tiền mặt” hoặc ghi nội dung chuyển khoản mập mờ, ví dụ “trả tiền mượn”, “tiền cafe”, “tiền ship”… để cơ quan chức năng gặp khó khăn khi xác định doanh thu không làm giảm nghĩa vụ thuế, mà ngược lại có thể trở thành dấu hiệu nghi ngờ cho hành vi che giấu doanh thu.
Một số trường hợp người bán yêu cầu thu thêm tiền của người mua nếu thanh toán bằng hình thức chuyển khoản không những ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua mà còn là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Ngành thuế khuyến khích áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, sử dụng tài khoản ngân hàng phục vụ riêng hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, giúp tăng sự minh bạch trong giao dịch kinh tế”, vị đại diện nhấn mạnh.