Cơ quan An ninh (Bộ Công an) vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giả mạo trong công tác, làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức và thao túng giá chứng khoán xảy ra tại Công ty Cổ phần Mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (MTM).
Theo điều tra, Công ty MTM được Nguyễn Văn Dĩnh mua lại và nhờ người thân đứng tên làm giám đốc. Công ty không có vốn, cũng không hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng Dĩnh chỉ đạo em gái Nguyễn Thị Hiên và Ngô Văn Hiển (kế toán trưởng công ty Tây Bắc) làm giả hồ sơ để MTM đủ điều kiện niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Theo chỉ đạo của Dĩnh, Hiên và Hiển nhờ 103 người thân, bạn bè đứng tên danh sách cổ đông, sở hữu 31 triệu cổ phần (tương đương 310 tỷ đồng) MTM. Cả hai cũng làm giả chứng từ góp vốn, hợp đồng mua bán, góp vốn liên kết giữa MTM với các công ty khác…
Kế toán trường của MTM dùng các giấy tờ giả để hạch toán sổ sách, báo cáo tài chính nhằm chứng minh công ty hoạt động…
Để làm giả chứng từ thể hiện cổ đông góp vốn và doanh số mua – bán hàng qua tài khoản ngân hàng giữa MTM với các công ty liên quan (tổng số gần 490 tỷ đồng), Hiên và Hiển móc nối với cán bộ một số ngân hàng. Cả hai nhờ họ làm giả các giấy nộp tiền, ủy nhiệm chi, rút tiền…
Hoàn thiện hồ sơ, ngày 23/12/2014, Dĩnh chỉ đạo Vũ Đại Dương (giám đốc MTM) gửi công văn tới Ủy ban chứng khoán Nhà nước công nhận MTM là công ty đại chúng. Sau đó, ông Dương đăng ký niêm yết cổ phiếu MTM.
Tuy nhiên, ngày 29/5/2015, Dĩnh bị bắt trong vụ án liên quan hành vi làm giả con dấu; in, phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ; trốn thuế; vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng nên MTM rút hồ sơ đăng ký niêm yết.
Trò “ảo thuật” thao túng giá trên sàn chứng khoán
Tháng 6/2015, Trần Hữu Tiệp, Phùng Thành Công qua giới thiệu của Hiển đến gặp vợ ông Dĩnh là bà Vũ Thị Hoa, để thỏa thuận tiếp nhận lại hồ sơ pháp lý Công ty MTM.
Hai bên thỏa thuận, nếu cổ phiếu MTM được giao dịch trên thị trường chứng khoán, mỗi bên sở hữu 50% trong tổng số 31 triệu cổ phiếu. Sau đó, Tiệp và Công mua nốt 50% cổ phiếu MTM (15,5 triệu cổ phiếu) của bà Hoa với giá năm tỷ đồng.
Tiếp nhận hồ sơ, Công, Tiệp thống nhấn làm thủ tục đăng ký giao dịch cổ phiếu MTM trên thị trường giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết – Upcom.
Tháng 8/2015, Tiệp và Công làm giả hồ sơ đại hội đồng cổ đông, thay đổi nhân sự chủ chốt của MTM, trong đó Tiệp làm chủ tịch HĐQT. Trên cở sở hồ sơ Tiệp và Công nộp, MTM được chính thức lên sàn Upcom.
Biết MTM không thu hút được quan tâm của các nhà đầu tư trên sàn Upcom, Công cùng Đỗ Hữu Tài, Bùi Thiện Lý sử dụng 59 tài khoản trên nhiều sàn giao dịch chứng khoán trong cả nước để tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu này.
Trong 43 phiên giao dịch (từ ngày 15/4/2016 đến 17/6/2016), Công chỉ đạo Lý, Tài liên tiếp đặt lệnh mua bán cổ phiếu MTM, khớp chéo giữa các tài khoản trong nhóm. Sau mỗi lần khớp lệnh, Công rút ra được tổng cộng hơn 70 tỷ đồng. Ngay sau khi rút tiền, Công tiếp tục nộp tiền vào tài khoản để quay vòng mua chứng khoán nhằm tạo cung cầu giả.
Ngày 17/6/2016, MTM bị tạm dừng giao dịch trên sàn chứng khoán Upcom do chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế. Năm ngày sau, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đề nghị cơ quan công an điều tra các nội dung liên quan đến công ty này.
Theo đề nghị của Ủy ban chứng khoán, cơ quan an ninh xác định, cổ phiếu MTM không có thật. Tại thời điểm tạm dừng giao dịch, có 1.156 người đứng tên sở hữu cổ phiếu này. Với thủ đoạn gian dối trên, nhóm Tiệp, Công chiếm đoạt gần 54 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Trong đó Tiệp chiếm hưởng gần 5 tỷ đồng, Công hơn 42 tỷ…
Cơ quan an ninh cáo buộc, các bị can Tiệp, Hoa, Tài, Lý, Dĩnh (Công đang bỏ trốn)… cùng 11 người khác (trong đó có một số cán bộ ngân hàng) Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, Thao túng giá chứng khoán, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Giả mạo trong công tác.
Sau khi nhận kết luận trên từ cơ quan an ninh Bộ Công an, VKSND Tối cao đã yêu cầu điều tra bổ sung hành vi của ông Dĩnh, ngoài cáo buộc Làm giả tài liệu, có phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không. Số nhà đầu tư yêu cầu bồi thường và không đề nghị bồi thường…
Cơ quan an ninh xác định, việc mua bán cổ phiếu giả của Tiệp, Công, Tài, Lý, Hoa xảy ra khi Dĩnh đang bị bắt trong vụ án khác nên Dĩnh không đồng phạm.
Cảnh sát cũng xác định, gần 900 nhà đầu tư yêu cầu bồi thường hơn 17 tỷ đồng; các nhà đầu tư lớn còn lại không đòi hoàn trả hơn 36 tỷ đồng.