Việc bảo vệ tác quyền âm nhạc được thực hiện rất chặt chẽ tại các nước. Nhiều khách sạn nếu phát nhạc mà chưa trả tiền bản quyền có thể bị kiện ra tòa. Tại Mỹ, các nhóm bảo vệ bản quyền âm nhạc còn có nhân viên bí mật trà trộn vào khách sạn như khách hàng bình thường, ghi nhận các bản nhạc được khách sạn sử dụng rồi điều tra xem các bản nhạc đó đã được xin phép sử dụng hay chưa.
Mở nhạc thì phải trả tiền
Việc thu phí tác quyền âm nhạc tại nhiều nước có thể được mô tả một cách ngắn gọn là: Mở nhạc thì sẽ tốn tiền. Đơn cử một vụ kiện vào năm 2004 tại Ấn Độ, tòa án cấp cao của TP Bombay đã xử bảy khách sạn tại TP mỗi cơ sở phải trả 70.000 rupee (hơn 1.500 USD tính theo thời điểm đó) cho công ty bảo vệ tác quyền PPL (Anh) vì đã có hành vi vi phạm tác quyền.
Bảy khách sạn trên bị kiện chỉ vì đã sử dụng một số bản nhạc trong các sự kiện, tiệc tùng tổ chức tại cơ sở của mình, tuy nhiên không xin phép PPL. Công ty này khẳng định nắm giữ bản quyền của những hãng âm nhạc sản xuất các bản nhạc có liên quan, vì vậy đã lôi vụ việc lên tòa án TP Bombay đòi tiền. Trong bảy khách sạn bị kiện, ngoài những khách sạn của Ấn Độ còn có các khách sạn thuộc những tập đoàn quốc tế như J. W. Marriot và Le Meridien. Tòa án thậm chí cấm những khách sạn bị kiện được mở nhạc cho đến khi trả hết phí bản quyền thường niên còn nợ PPL, theo tờ Times of India.
Số tiền phải đóng phạt trong vụ kiện trên là còn khá nhẹ tay vì thị trường âm nhạc tại Ấn Độ cũng chưa phát triển mạnh. Tháng 2-2016, nhà hàng Living Room Steak House ở New York (Mỹ) đã bị xử phạt ít nhất 120.000 USD vì mở… năm bản nhạc không phép. Tại Mỹ, việc bảo vệ tác quyền âm nhạc đã trở thành một ngành công nghiệp hiện đại và chuyên nghiệp. Hai đại gia trong ngành bảo vệ tác quyền âm nhạc tại Mỹ là BMI và ASCAP, theo tạp chí Hotel News Now. Các công ty này chủ trương thu phí trong bất kỳ trường hợp nào các bản nhạc của những nhạc sĩ mà họ đại diện được phát trên sóng radio, được tải về trên mạng hay được mở trong một cơ sở kinh doanh, các địa điểm công cộng như nhà hàng, khách sạn, quán nước.
“Điệp viên” bắt vi phạm bản quyền
Tại châu Âu, các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn cũng phải trả tiền tác quyền để chơi nhạc sống, phát nhạc ở nơi công cộng hoặc sử dụng radio/tivi tại phòng khách hay các nơi đông người, theo Hotrec (Hiệp hội Khách sạn, nhà hàng và quán cà phê tại châu Âu). Trong thời buổi cạnh tranh, nhiều quản lý nhà hàng, khách sạn thường cho mở nhạc tại cơ sở kinh doanh để chiều lòng khách hàng và nâng tầm thương hiệu. Thế nhưng nếu bất cẩn trong chuyện giấy phép, những ông chủ khách sạn có thể bị “sờ gáy” bởi những “điệp viên” săn vi phạm bản quyền.
Theo tạp chí Hotel News Now, các hãng bảo vệ tác quyền lớn như BMI hay ASCAP đều thuê rất nhiều chuyên gia nghe nhạc làm việc chuyên nghiệp. Những người này giả làm khách hàng bình thường đến giám sát các cơ sở kinh doanh trên khắp nước Mỹ. Họ ghi nhận những bản nhạc nào được phát mà cơ sở chưa xin phép dưới bất kể hình thức gì: Từ chơi nhạc sống, mở một danh sách bài hát trên mạng hay cho phát chương trình truyền hình âm nhạc trên tivi. Sau đó, BMI và ASCAP sẽ gửi thư cảnh báo, yêu cầu các khách sạn trả phí và mua gói sử dụng nhạc hoặc phải ra tòa.
Ca sĩ người Anh Ed Sheeran nằm trong số nhiều ca sĩ, nhạc sĩ hàng đầu thế giới được công ty bảo vệ tác quyền BMI đại diện. Ảnh: AP
Số tiền lợi nhuận các hãng bảo vệ tác quyền thu về lên đến hàng triệu hay thậm chí cả tỉ USD. Các cơ sở kinh doanh chấp nhận đóng phí vài trăm hoặc vài ngàn USD/năm, còn hơn phải dính vào những vụ kiện vô cùng tốn kém. Theo tạp chí Hotels News Now, các mức phạt trong Đạo luật bản quyền của Mỹ có thể lên đến 30.000 USD/bản nhạc. Nếu vi phạm là cố ý (chẳng hạn cơ sở kinh doanh đã được cảnh báo nhưng vi phạm vẫn tiếp diễn) thì mức phạt có thể lên đến 150.000 USD/bản nhạc. Đó là chưa kể những cơ sở này phải trả chi phí pháp lý, kiện tụng cho bên khởi kiện. Mỗi năm BMI và ASCAP khởi kiện 400-500 vụ vi phạm Đạo luật bản quyền, tạp chí Hotels News Now cho biết.
Kỷ lục tiền bản quyền
Tháng 7-2017, công ty bảo vệ tác quyền âm nhạc BMI của Mỹ đã đạt cột mốc kỷ lục trả tổng cộng 1,02 tỉ USD tiền bản quyền cho các thành viên mà mình đại diện. Cũng trong năm tài khóa này, BMI đã thu về được đến 1,13 tỉ USD lợi nhuận. Riêng mảng thu phí bản quyền cho truyền thông, bao gồm radio, phát sóng truyền hình và truyền hình cáp đã mang về cho BMI đến 524 triệu USD lợi nhuận, theo The New York Times. Ngành công nghiệp âm nhạc của Mỹ trong năm 2016 đã thu về đến 2,65 tỉ USD, theo Hiệp hội Xuất bản âm nhạc quốc gia (NMPA). ________________________________ Nhật Bản: Trả phí theo số… tivi Tại Nhật Bản, vào năm 2014 cũng xảy ra một vụ kiện đòi các khách sạn phải trả tiền bản quyền cho đài truyền hình nhà nước NHK dựa theo… số lượng phòng, theo báo Japan Today (Nhật Bản). Cụ thể, vào ngày 9-10-2014, Tòa án quận Tokyo đã cho xử vụ kiện buộc công ty quản lý ba khách sạn ở thủ đô Tokyo phải ký hợp đồng bản quyền với đài truyền hình. Không những thế, cả ba khách sạn này phải trả số nợ “phí bản quyền” cho NHK dựa trên số lượng phòng khách sạn có trang bị tivi. Theo Japan Today, ba khách sạn này đã từ chối ký hợp đồng bản quyền với đài truyền hình dù đã được NHK nhiều lần gửi thư đề nghị. Quyết định của Tòa án quận Tokyo gây tranh cãi vì nhiều người cho rằng dù họ có sở hữu tivi nhưng không bao giờ xem các chương trình của NHK và từ chối trả phí bản quyền hằng tháng. Tuy nhiên, theo thẩm phán Kenkichi Sakuma của Tòa án quận Tokyo, Đạo luật phát sóng của Nhật Bản yêu cầu mọi cá nhân có sở hữu một thiết bị thu sóng truyền hình về mặt kỹ thuật đều buộc phải ký hợp đồng bản quyền với NHK. Dựa trên điểm này, thẩm phán Sakuma đã yêu cầu các khách sạn phải ký lại hợp đồng và trả nợ phí gần một năm cho NHK, dựa trên số lượng phòng có trang bị tivi. Theo báo Asahi Digital, cả ba khách sạn trong vụ kiện trên có tổng cộng 280 phòng được trang bị tivi, ngoài ra còn trang bị tại phòng ăn và một số khu vực khác trong khách sạn. Tổng số phí bản quyền công ty chủ quản của ba khách sạn này nợ NHK lên đến 6,21 triệu yen (gần 1,3 tỉ đồng). Vào năm 2013, Tòa án tại tỉnh Yokohama cũng từng ra phán quyết yêu cầu tất cả gia đình sở hữu thiết bị có khả năng thu sóng truyền hình, dù có ký hợp đồng với NHK hay không, theo luật đều phải trả phí bản quyền cho đài truyền hình nhà nước. Tuy nhiên, tiền này được đóng theo hộ gia đình chứ không phải theo số lượng thiết bị hoặc tivi trong từng ngôi nhà, theo Japan Today. |