Sau phân tích thấu lý đạt tình của HĐXX, nguyên đơn đã chịu thiệt một phần để hòa giải với bị đơn, giữ được hòa khí gia đình.
Nguyên đơn trong vụ án là ông S., người khởi kiện đòi chia di sản thừa kế. Theo ông S., mẹ ông chết để lại di sản là nhà và đất tại quận Thủ Đức, tổng diện tích gần 400 m2. Mẹ ông có ba người con, trong đó ông H. là con út sống chung với mẹ. Sau khi mẹ chết, ông S. yêu cầu chia di sản thành ba phần nhưng ông H. không đồng ý mà đòi hết tài sản.
Cuộc đấu không khoan nhượng
Xử sơ thẩm hồi đầu năm 2017, TAND quận Thủ Đức, TP.HCM chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông S. Sau khi đã trừ công sức chăm sóc mẹ già, công sức giữ gìn di sản cho ông H., tòa chia di sản là nhà đất thành ba phần đều nhau cho ba người con.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, con gái ông H. (người được ông H. ủy quyền đại diện) có đơn kháng cáo. Phía bị đơn cho rằng di sản để lại chỉ có căn nhà diện tích 92 m2, phần diện tích đất còn lại gần 300 m2 do ông H. khai khẩn mà có nên không đồng ý chia.
Mới đây, TAND TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm.
Tại tòa, ông S. tóc bạc trắng, già yếu, hai tay run rẩy liên hồi nên HĐXX đã ưu tiên cho ông ngồi để trình bày. Ông khai: “Thấy H. nó không có chỗ ở nên cha mẹ cho về ở cùng. Chưa kể nó suốt ngày say xỉn, mẹ già bệnh tật chính tôi phải đưa tiền cho nó chăm mẹ, giờ lại đòi tính công. Chăm sóc cha mẹ là nghĩa vụ của con cái mà…”.
Con gái ông H. thì nước mắt ngắn dài đối đáp trước tòa: “Bác S. nhớ lại đi, đất này là cha con vất vả khai khẩn mà có. Cha con không bỏ công khai khẩn đất đai làm gì được như thế mà giờ mọi người xúm nhau giành với con…”.
Khi HĐXX hỏi hai bên có hòa giải được không thì con gái ông H. gật đầu đồng ý. Nhưng ông S. thì quyết liệt phản đối: “Mọi chuyện bắt nguồn từ cô này hết. Trước khi đến tòa án, chúng tôi đã qua ba lần hòa giải ở phường. Ông H. là người biết chuyện lắm chứ không phải như cô này…”.
Ông S. trình bày: “Lô đất 15 m ngang mặt tiền, chúng tôi thông nhất chia làm ba phần. Tôi và người còn lại chỉ nhận mỗi người 4,5 m thôi, còn lại bao nhiêu cho H. hết. Ông H. đã đồng ý, ký biên bản hẳn hoi. Nhưng về nhà thì cô con gái chửi, bắt ông phải đổi ý. Chính ông H. từng nói với tôi là chỉ có một đứa con gái nên phải theo ý nó. Từ đó ông H. không dám đến tòa án đối mặt với chúng tôi thêm một lần nào nữa. Cô này là người bày đủ trò, trong lúc đang tranh chấp thì ngang nhiên cất thêm trên đất một căn nhà không phép khiến vụ án rối thêm…”.
“Trăm cái lý không bằng một tí cái tình”
Đến đây thì HĐXX ngắt lời, vị thẩm phán nói: “Chúng tôi chưa bàn đến chuyện ai đúng, ai sai. Sự thật thế nào lương tâm mọi người tự biết hết. Đương nhiên HĐXX biết các bên có mâu thuẫn rồi, nếu không có mâu thuẫn thì không có phiên tòa này. Nhưng dù sao đó cũng là đất tổ do ông bà vất vả tạo lập mà có và các đương sự đều là những người cùng huyết thống, máu mủ không mà!
Một, hai mét vuông đất to tát tới đâu để anh em không nhìn mặt nhau như thế. Bây giờ nếu vẫn muốn hòa giải các bên hãy đưa ra giải pháp thể hiện thiện chí của mình, chứ cứ khoáy vào mâu thuẫn đó thì chừng nào mới hòa giải được…”.
Thấy hai bên bắt đầu dịu xuống, vị thẩm phán nói tiếp: “Biết rằng ông S. nói ông cũng có công sức gìn giữ nhà, chăm sóc mẹ nhưng thực tế người ở cùng nhà trực tiếp làm cực hơn mình nhiều lắm. Chăm sóc người già không phải là chuyện đơn giản. Không phải mình có tiền bỏ ra là được…”.
Một vị thẩm phán khác trong HĐXX khéo léo phân tích thêm: “Ông S. là người lớn tuổi nhất, là bác của tất cả đương sự ở đây. Ông thử nghĩ lại coi trong đời mình có chắc là lúc nào cũng đúng hết chưa. Trước mặt ông là cháu ruột của mình, nó có sai trái nhất thời thì mình là người lớn, rộng lượng mà bỏ qua cho nó.
Tòa mong hai bên giữ hòa khí cho con cháu sau này còn qua lại, chứ chẳng lẽ sống cận kề nhau đó mà đến chết không nhìn mặt nhau. Rồi khi hoạn nạn chẳng lẽ bỏ nhau được sao…? Ông S. cho tòa biết là ông H. không có tiền, chứng tỏ ông H. không may mắn như ông rồi. Sao anh em mà không biết thương nhau, nếu nhường nhau một chút thì có thiệt gì..?”.
Không để hai bên tranh luận, HĐXX tiếp tục phân tích cho rằng phía bị đơn đã đồng ý phương án hòa giải là một tín hiệu tích cực. Nếu hòa giải thành thì ngoài hàn gắn tình cảm, cái lợi thấy rõ nhất là các bên sớm nhận được tài sản của mình ít tốn kém và nhanh nhất.
“Tòa cho rằng nếu hai bên thống nhất được theo biên bản hòa giải ở phường như nội dung ông S. đã trình bày nêu trên thì hợp lý nhất. Bởi vì thực tế tòa sơ thẩm xử chưa chắc là đúng, bản án phúc thẩm cũng có thể bị hủy. Đến giai đoạn thi hành án mà các bên không tự nguyện và có ý ngăn cản thì sẽ kéo dài lê thê giống như việc kiện đòi được bụi tre thì phải bán hết cả con bò” – vị thẩm phán nói.
Đến đây thì các bên đương sự thật sự bị thuyết phục. Phía nguyên đơn và người liên quan nhìn nhau rồi cùng gật đầu đồng thuận. HĐXX thở phào nhẹ nhõm, tuyên bố tạm nghỉ và hẹn các đương sự đến tòa nhận quyết định hòa giải sau vì đã quá giờ xét xử buổi sáng.
Lương tâm được đánh thức
Không chỉ ba vị thẩm phán trong HĐXX phúc thẩm mà tại phiên tòa, vị đại diện VKSND TP.HCM cũng ra sức khuyên nhủ, nhằm hòa giải hai bên: “Mọi người hãy suy nghĩ cho kỹ. Có thể bằng bản án hôm nay mọi việc chưa xong đâu. Sẽ còn mất thêm rất nhiều thời gian, nhiều công sức. Tức là hai bên đều sẽ phải mất nhiều nữa chứ chưa dừng lại ở đây. Nhất là ông S., ông cũng đã lớn tuổi rồi, có còn đủ sức khỏe để theo đuổi vụ kiện mãi nữa không…?” – vị KSV nói. Phiên tòa hôm ấy kết thúc lúc gần 12 giờ trưa. Các bên đương sự có vẻ mệt mỏi, họ ngượng ngùng chào nhau nhưng trên nét mặt mỗi người đã bắt đầu tươi sáng. |