Tiêu chí Văn phòng Luật sư Xuân Lâm chúng tôi là:

– Uy tín

– Chuyên nghiệp

– Hiệu quả cùng có lợi

Khó xử vì chưa rõ tình trạng tâm thần của bị cáo

Khó xử vì chưa rõ tình trạng tâm thần của bị cáo

(PL)- Tòa hai lần trả hồ sơ, yêu cầu giám định tâm thần của bị cáo do mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do dùng ma túy (?!).

TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) vừa hoãn xử vụ Nguyễn Thiên Ân (SN 1980) bị VKSND quận này truy tố về tội cố ý gây thương tích vì luật sư (LS) bào chữa cho Ân bị chấn thương do tai nạn.

Đánh mẹ nuôi vì… bật đèn

Theo cáo trạng, Ân được bà Nguyễn Thị Thơm nhận làm con nuôi từ năm 1996 và sống tại nhà bà Thơm ở phường 17, quận Bình Thạnh.

Khoảng 1 giờ ngày 17-2-2016, Ân đang ngủ trên gác thì bà Thơm thức dậy, mở đèn để đi vệ sinh. Ân bực tức, dậy đuổi theo… đánh bà Thơm. Bà Thơm chạy xuống đất mở được ổ khóa thì bị Ân đuổi kịp, lấy ổ khóa đánh liên tục vào đầu, mặt. Bà Thơm lấy hai tay đỡ cũng bị Ân đánh tiếp trúng hai tay. Khi thấy bà Thơm bị chảy máu thì Ân dừng đánh, đóng cửa lại rồi bỏ lên gác ngủ.

Nghe tiếng bà Thơm kêu cứu, người dân xung quanh đã báo công an phường, phá khóa cửa nhà, đưa bà Thơm đi bệnh viện cấp cứu và dẫn giải Ân về trụ sở công an phường.

Do Ân có biểu hiện giống người ngáo đá nên cơ quan chức năng đã tiến hành xét nghiệm ma túy, kết quả là Ân dương tính với morphin. Theo kết luận giám định pháp y, tỉ lệ thương tật của bà Thơm là 67%. Vì vậy, Ân bị khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Khó xử vì chưa rõ tình trạng tâm thần của bị cáo - ảnh 1
Nguyễn Thiên Ân tại CQĐT. Ảnh: YC

Tòa hai lần trả hồ sơ

Sau khi VKSND quận Bình Thạnh có cáo trạng và chuyển hồ sơ cho TAND quận, ngày 27-12-2016 tòa đã trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu giám định tâm thần đối với Ân.

Sau khi điều tra bổ sung, ngày 16-3-2017, VKSND quận ra công văn gửi tòa, xác định: Trước, trong, sau ngày 17-2-2016, Ân bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng ma túy nhóm chất Opiat, bị bệnh HIV dẫn đến nhiễm trùng và ký sinh trùng. Vào thời điểm phạm tội, Ân bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do bị chi phối bởi ảo giác; hiện tại Ân bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

VKSND quận cho rằng theo Điều 14 BLHS 1999, Ân phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi do dùng chất kích thích mạnh (ma túy nhóm chất Opiat) thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) nên chuyển lại hồ sơ cho TAND quận Bình Thạnh đưa ra xét xử.

Ngày 12-7-2017, TAND quận Bình Thạnh đưa vụ án ra xử lần đầu. Tại phiên tòa, Ân có biểu hiện chậm chạp, chậm hiểu hoặc không hiểu các câu hỏi của HĐXX, đại diện VKS, LS và gặp khó khăn trong việc trả lời câu hỏi. Cạnh đó, Ân khai vào ngày gây án, Ân sử dụng thuốc điều trị ma túy chứ không phải sử dụng ma túy như cáo trạng nêu. Tuy nhiên, do trước đó nhiều ngày bị mất ngủ, muốn uống thuốc nhiều để ngủ nên Ân đã sử dụng quá liều.

LS của Ân cho rằng có những vi phạm về tố tụng khi biên bản xét nghiệm chất ma túy thực hiện không đúng quy định nhưng CQĐT, VKS lại dùng làm căn cứ khởi tố và buộc tội bị cáo, có việc giả mạo chữ ký bà Thơm trong một số biên bản lấy lời khai… Vì vậy, LS đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ Ân có sử dụng ma túy trong ngày gây án hay không, giám định lại tỉ lệ thương tật của bị hại, giám định tình trạng tâm thần của bị cáo…

HĐXX nhận định trước thời điểm thực hiện hành vi gây thương tích cho bà Thơm, bị cáo đang điều trị bệnh tâm thần nên cần làm rõ thời điểm thực hiện hành vi gây thương tích, bị cáo bị hạn chế năng lực chịu TNHS, mất năng lực hay đủ năng lực chịu TNHS. Quá trình điều tra có thực hiện đúng quy định về tố tụng đối với người hạn chế năng lực hành vi hay không.

Cạnh đó, tại phiên tòa, cả bị cáo và bị hại đều khai rằng bị cáo đang điều trị bằng thuốc Methadone và có sử dụng nhiều loại thuốc trong việc điều trị bệnh tâm thần. Do đó, cần xác định tại thời điểm phạm tội bị cáo có sử dụng ma túy hay đang điều trị bằng các loại thuốc được chỉ định về điều trị tâm thần và cai nghiện ma túy hay không.

Ngoài ra, HĐXX còn yêu cầu giám định lại thương tích của bà Thơm, giám định chữ ký của bà Thơm trong một số biên bản.

VKS giữ nguyên cáo trạng

Ngày 14-12-2017, VKSND quận Bình Thạnh có công văn hoàn hồ sơ cho TAND quận. Theo công văn này, sau khi CQĐT yêu cầu, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM đã xác định việc đánh giá năng lực TNHS của bị cáo không thuộc thẩm quyền của giám định viên pháp y tâm thần, trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì không áp dụng điều trị bắt buộc.

Cạnh đó, công văn cũng xác định khi hỏi cung bị cáo có sự tham gia của người bào chữa và tỉ lệ thương tật của bà Thơm sau khi giám định lại vẫn là 67%. Ngoài ra, công văn còn nêu kết quả về việc giám định chữ ký của bà Thơm…

Từ đó, VKS cho biết giữ nguyên cáo trạng truy tố và chuyển lại hồ sơ cho TAND quận Bình Thạnh để xét xử Ân.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn biến mới.

Bị cáo chỉ chịu một luật sư bào chữa

Ân bị truy tố theo khoản 3 Điều 104 BLHS 1999 (khung hình phạt tù 5-15 năm). Do trong suốt quá trình điều tra, Ân chỉ đồng ý một vị LS bào chữa, từ chối tất cả LS khác nên tại phiên xử mới đây của TAND quận Bình Thạnh, khi vị LS này vắng mặt, để đảm bảo quyền lợi cho Ân, HĐXX đã quyết định hoãn phiên xử.

YẾN CHÂU
Theo báo Pháp luật

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ XUÂN LÂM

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến: 0903 918 848

Số điện thoại Luật sư Lâm: 0903 918 848

Trụ sở: 250A Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM

Email: lxlamlaw@gmail.com- Website: www.luatsulam.com.vn