Tiêu chí Văn phòng Luật sư Xuân Lâm chúng tôi là:

– Uy tín

– Chuyên nghiệp

– Hiệu quả cùng có lợi

Khơi thông hoạt động tố tụng giữa công an, viện kiểm sát và tòa án khi bỏ Công an cấp huyện

Khơi thông hoạt động tố tụng giữa công an, viện kiểm sát và tòa án khi bỏ Công an cấp huyện

(PLO)- Từ 1-3, hoạt động phối hợp giữa Cơ quan điều tra, VKS và toà án sẽ có nhiều thay đổi khi bãi bỏ Cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện, dự kiến tổ chức lại TAND cấp sơ thẩm…

Ngày 27-2, Bộ Công an, TAND Tối cao và VKSND Tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2025 (có hiệu lực từ 1-3) quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền tố tụng trong hoạt động hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ và thi hành án hình sự khi không có công an cấp huyện.

Trước đây, Cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện có thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện. Nay Thông tư liên tịch số 02/2025 đã giao thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự này cho công an cấp tỉnh; tiếp tục giao VKSND cấp huyện thực hành quyền công tố và TAND cấp huyện xét xử dựa trên địa giới hành chính.

Cụ thể, VKSND cấp huyện có thẩm quyền là VKSND nơi tội phạm xảy ra. Trường hợp tội phạm xảy ra ở nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì VKSND cấp huyện có thẩm quyền là VKSND nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.

Về quy định mới nêu trên, ThS Nguyễn Thị Thu Hằng (Trường ĐH Luật TP.HCM) đánh giá rằng đã gỡ rối tạm thời trong hoạt động phối hợp giữa ba cơ quan tố tụng trong bối cảnh bãi bỏ Cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp huyện nhưng vẫn tổ chức VKS và TAND cấp huyện. Về cơ bản, hoạt động của VKS và TAND cấp huyện không có nhiều sự thay đổi so với trước đây.

“Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa ban hành Kết luận số 127, trong đó có nội dung xây dựng đề án hệ thống toà án, VKS ở địa phương theo định hướng không tổ chức cấp huyện. Trong thời gian chờ tổ chức lại, hoạt động của VKSND cấp huyện và TAND cấp huyện tiếp tục được thực hiện theo các quy định hiện hành và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch 02/2025” – bà Hằng nói.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Trước đó Chính phủ đã ban hành nghị định (có hiệu lực từ ngày 1-3) quy định về hệ thống công an địa phương còn 2 cấp gồm tỉnh và xã. Tiếp đến, Bộ Công an, TAND Tối cao và VKSND Tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2025 quy định cơ quan CSĐT của công an nhân dân sẽ bao gồm Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Cơ quan CSĐT Công an cấp tỉnh.

Khi đó, công an cấp xã sẽ thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền thụ lý, giải quyết của Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an cấp tỉnh. Tòa án và VKS cấp huyện vẫn giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ; chỉ có chức năng điều tra chuyển về cho công an cấp tỉnh.

Theo ông Hậu, trước đây cấp huyện như cấp trung gian, nếu cấp huyện làm không đúng thì phải chuyển lên cấp tỉnh khiến nhiều vụ án bị kéo dài. Việc giao cho cấp xã tiếp nhận, thụ lý giải quyết tin tố báo tin báo ban đầu là phù hợp, bởi phường xã là cơ quan nắm rõ về địa phương mà họ quản lý. Việc giao cho cấp xã còn tăng cường trách nhiệm của địa phương hơn.

“Thông tư này sẽ góp phần giúp cho cho các vụ việc được giải quyết nhanh hơn, tiến đến phù hợp với thông lệ quốc tế” – luật sư Hậu đánh giá.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Hồng Hà (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) thì cho rằng Thông tư liên tịch số 02/2025 được ban hành đúng thời điểm tổ chức công an cấp huyện đã chấm dứt hoạt động trên toàn quốc nên vẫn đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử theo đúng thẩm quyền mà không phải sửa đổi bổ sung BLTHS. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị, pháp lý rất quyết liệt của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới.

“Tôi cho rằng mọi chủ trương đổi thay đều hướng tới việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Việc sửa đổi Hiến pháp, BLTTHS cần đặt ra khi Đảng đã có chủ trương tiếp tục bỏ tòa án, VKS cấp huyện, bởi việc điều tra, truy tố, xét xử là hoạt động tư pháp ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân” – ông Hà nói.

Ba tiêu chí dự kiến tổ chức lại TAND cấp sơ thẩm
Ngày 28-2, TAND Tối cao đã ban hành công văn nêu kế hoạch dự kiến tổ chức lại TAND cấp sơ thẩm trên cơ sở sắp xếp lại các TAND cấp huyện hiện nay căn cứ các tiêu chí sau:

Thứ nhất, tiêu chí về số lượng vụ việc phải giải quyết:

Đối với khu vực đô thị đặc biệt (TP.Hà Nội và TP.HCM): Số lượng vụ việc phải giải quyết, xét xử của mỗi TAND sơ thẩm nằm trong khu vực nội thành từ 3.000 vụ/năm trở lên. Số lượng vụ việc phải giải quyết, xét xử của mỗi TAND sơ thẩm nằm trong khu vực ngoại thành từ 1.000 vụ/năm trở lên.

Đối với khu vực nông thôn đồng bằng: Số lượng vụ việc phải giải quyết, xét xử của mỗi TAND sơ thẩm từ 800 vụ/năm trở lên.

Đối với khu vực miền núi: Số lượng vụ việc phải giải quyết, xét xử của mỗi TAND sơ thẩm từ 200 vụ/năm.

Thứ hai, tiêu chí về địa bàn thuận tiện, liền kề:

Các TAND được sáp nhập phải có vị trí địa lý liền kề, giao thông thuận tiện.

Mỗi TAND cấp huyện thuộc diện sắp xếp sẽ sáp nhập với ít nhất 1 TAND cấp huyện liền kề thuộc diện sắp xếp hoặc sáp nhập với TAND cấp huyện liền kề không thuộc diện sắp xếp.

Thứ ba, tiêu chí về đặc điểm kinh tế, vị trí địa lý, mật độ dân cư, hạ tầng cơ sở giao thông, văn hóa theo từng vùng miền:

Đối với khu vực miền núi: Do khu vực các huyện miền núi thường có diện tích rộng nhưng mật độ dân cư thấp, số lượng vụ việc không nhiều nên nếu chỉ áp dụng tiêu chí về khối lượng công việc phải giải quyết thì địa bàn hoạt động của các TAND sơ thẩm sẽ quá rộng, gây khó khăn cho người dân khi có công việc đến tòa án.

Vì vậy, cần bổ sung tiêu chí sau: Khoảng cách từ nơi đặt trụ sở TAND sơ thẩm khu vực đến nơi xa nhất trong địa hạt pháp lý của tòa án đó không quá 50 km.

Trường hợp không thể thỏa mãn đồng thời cả hai tiêu chí về số lượng án và khoảng cách từ nơi đặt trụ sở TAND sơ thẩm khu vực đến nơi xa nhất trong địa hạt pháp lý thì ưu tiên áp dụng tiêu chí về khoảng cách.

Đối với khu vực hải đảo: Không tổ chức TAND sơ thẩm khu vực tại mỗi huyện đảo mà sẽ bố trí thẩm phán, cán bộ tòa án tại TAND sơ thẩm khu vực liền kề, có năng lực đủ mạnh đến để tiếp nhân dân, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của người dân và xét xử lưu động các loại vụ án theo lịch định kỳ hàng tháng.

Ngoài ra, ưu tiên các vị trí có trụ sở vừa được đầu tư xây dựng mới trong giai đoạn vừa qua và một số công trình thuộc dự án đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng trụ sở TAND các cấp (giai đoạn 1).

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ XUÂN LÂM

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến: 0903 918 848

Số điện thoại Luật sư Lâm: 0903 918 848

Trụ sở: 250A Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM

Email: lxlamlaw@gmail.com- Website: www.luatsulam.com.vn