(PLO)- Vì tranh chấp mảnh đất thổ mộ, hai chị em ruột đã đưa nhau ra tòa. Người sống không nhìn mặt nhau còn người đã mất cũng không được yên thân, khi hai ngôi mộ bị vùi sâu dưới đất không được sửa chữa.
Đó là trường hợp của ông Võ Văn Bảnh, sinh năm 1957, thường trú tại số 103, Hà Huy Giáp, khu phố 3A, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM. Ông Bảnh có chị cùng mẹ khác cha là bà Nguyễn Thị Phu, sinh năm 1943.
Gia đình tôi có mảnh đất rộng 1.319m2 thuộc thửa đất số 198, tờ bản đồ số 15, khu phố 3, phường Thạnh Lộc, quận 12. Ngày 22/11/1999, mẹ ông Bảnh là bà Võ Thị Rên đã lập di chúc giao 400m2 đất cho ông Bảnh để làm đất thổ mộ. Phần đất còn lại được chia cho bà Nguyễn Thị Phu rộng 919m2 và bà Phu đã xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2003.
Mảnh đất rộng 1.319m2 này được mẹ ông Bảnh trực tiếp sử dụng từ năm 1938. Đến năm 1993, tôi vẫn là người đóng thuế sử dụng đất. Sau khi mất vào năm 2001, mẹ ông Bảnh được chôn tại mảnh đất nói trên. Mảnh đất này còn có một ngôi mộ của bà ông Bảnh là Trần Thị Hườn, được chôn từ năm 1977.
Mọi việc êm xuôi cho đến ngày 5/9/2016, bà Nguyễn Thị Phu cho san lấp mặt bằng khu đất và xây tường rào cao gần 2m bao quanh khu đất. Mảnh đất rộng 1.319m2 nhưng chỉ có một con đường vào duy nhất từ đường Hà Huy Giáp. Bà Phu xây tường rào, làm cổng nên chúng tôi muốn vào thăm mộ, thắp nhang cho mẹ cũng không vào được.
Hai ngôi mộ nằm sâu dưới đất chưa được sửa chữa vì không có lối vào
“Trước đây, ngôi mộ cao hơn mảnh đất gần 1m nhưng sau khi bà Phu đổ đất, ngôi một lọt thỏm ở dưới. Mỗi khi mưa, nước tràn vào mộ. Tôi muốn nâng cấp ngôi mộ lên cao nhưng bà Phu không cho xe chở vật liệu xây dựng, thợ hồ vào thi công”, ông Bảnh nói.
Ông Bảnh đã nhiều lần gửi đơn lên UBND phường Thạnh Lộc và Tòa án nhân dân quận 12 nhờ can thiệp nhưng đến nay mọi việc vẫn không có gì thay đổi. Nhìn hai ngôi mộ của người thân nằm lọt thỏm ở dưới sâu, nước mưa chảy vào khiến ông rất đau lòng.
Ông Bảnh chỉ có một nguyện vọng là được sửa chữa mộ cho mẹ và bà nhưng cả tháng nay vẫn chưa thể khởi công vì bà Phu không cho vào mảnh đất trên. Hai ngôi mộ đó, một là mộ của mẹ ruột bà Phu và một là bà của chị Phu. Tôi rất khó hiểu, không biết đạo đức bà Phu ở đâu khi san lấp đất lên chính ngôi mộ của mẹ mình.
“Trong trường hợp này, bà Phu không mở đường cho tôi vào sửa chữa mộ và thắp nhang cho mẹ mình thì có đúng? Trong đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận 12, tôi yêu cầu bà Phu chừa con đường rộng 2m để vào phần mộ thì có được chấp nhận?”, ông Bảnh đặt câu hỏi.
Luật sư Trần Thái Bình, Công ty Luật Partner tư vấn:
Trong tình huống này, Khu đất 400m2 kia chưa có sổ đỏ và đang trong diện tranh chấp với bà Nguyễn Thị Phu. Tức chưa xác định được ai là người có quyền sử dụng hợp pháp đối với khu đất với 400m2 này nên chưa thể khẳng định được việc bà Phù không cho ông Bảnh đi qua phần đất của mình là đúng hay sai. Tuy nhiên, tôi xin được phân tích dựa trên giả định sau:
Hiện nay, Điều 254 của Bộ Luật Dân Sự 2015 quy định về quyền về lối đi qua: “Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công công, thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ”. Như vậy, để xác định rằng hành vi của bà Phù là đúng hay sai và liệu ông Bảnh có được quyền yêu cầu về lối đi lại hay không phải dựa vào 2 dữ kiện sau đây:
Thứ nhất, ông Bảnh là người có quyền sử dụng đất hợp pháp đối với khu đất có diện tích 400m2 này. Thứ hai, khu đất này đang bị bao bởi các bất động sản của bà Phu mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng.
Nếu hai dữ kiện nêu trên là đúng thì việc bà Phu không cho ông Bảnh đi qua phần đất 919m2 của mình là trái với quy định tại Điều 254, Bộ Luật Dân Sư 2015 về quyền về lối đi qua.
Về diện tích của lối đi, Khoản 2, Điều 254, Bộ Luật Dân Sự 2015 quy định như sau: “Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên. Nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định”.
Như vậy, hiện nay các quy định của pháp luật không có một quy định cụ thể nào về kích thước của lối đi để từ đó xác định liệu yêu cầu như trên của ông Bảnh là thỏa đáng hay không thỏa đáng. Do đó, nếu bà Phu và ông Bảnh không thỏa thuận được về kích thước của lối đi thì ông Bảnh chỉ có thể yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền xác định.