(PL)- Ngày 23-10, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử phúc thẩm vụ kiện dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất và chia thừa kế giữa nguyên đơn là ba mẹ con bà NTNX với bị đơn là ông NTT, em chồng bà X.
Vụ án này từng phải hoãn xử đến 10 lần vì nhiều lý do, khi thì theo yêu cầu của bị đơn, khi thì nguyên đơn, khi thì bị đơn vắng mặt không lý do…
Bà X. trình bày, thửa đất 651 (xã Trung An, huyện Cờ Đỏ) có nguồn gốc do cha mẹ chồng tạo lập và cho chồng bà vào trước năm 1990. Vào các năm 1990, 1997, chồng bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2013, chồng bà qua đời, em chồng là ông T. đã bao chiếm phần đất hơn 700 m2 trong thửa đất trên nên mẹ con bà khởi kiện đòi lại.
Ông T. cho rằng cha mẹ chỉ cho chồng bà X. 800 m2, phần còn lại, sau khi cha ông chết thì mẹ đã chia đều cho các chị em khác. Do đó, ông không đồng ý yêu cầu của nguyên đơn. Ông T. phản tố yêu cầu tòa chia thừa kế phần đất cha mẹ để lại là hơn 700 m2 và yêu cầu khấu trừ tiền công cải tạo tăng giá trị đất. Ngoài ra, ông T. còn yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất ngoài giấy của chồng bà X.
Xử sơ thẩm vào tháng 10-2016, TAND huyện Cờ Đỏ xác định cha mẹ ông T. chết vào các năm 2008 và 2012 nên còn thời hiệu chia thừa kế. Tòa bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận yêu cầu phản tố của ông T. Mẹ con bà X. đã kháng cáo toàn bộ bản án.
Tòa phúc thẩm cho rằng chồng bà X. đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Tuy theo quan điểm của bị đơn cho rằng chồng bà X. tự kê khai, không ký tên nhưng UBND huyện Cờ Đỏ đã có công văn xác định việc cấp giấy cho chồng bà X. là đúng trình tự thủ tục, tại hai thời điểm cấp hai giấy không ai ngăn cản, khiếu nại hay tranh chấp.
Chồng bà X. chết vào năm 2013. Như vậy, tại thời điểm này di sản thừa kế là phần đất của chồng bà X. phát sinh thừa kế. Hàng thừa kế thứ nhất còn vợ và các con thì các hàng thừa kế khác không được thừa kế theo quy định pháp luật… Từ đó, tòa phúc thẩm cho rằng việc mở thừa kế hay không là ý chí các đồng thừa kế của chồng bà X., chưa tới lượt các thừa kế khác yêu cầu đòi chia.
Tòa cho rằng bị đơn yêu cầu phản tố và những người liên quan có yêu cầu độc lập chia thừa kế nhưng không có chứng cứ gì chứng minh đất này do cha mẹ để lại, do đó chưa đủ điều kiện để xác định diện tích nêu trên là di sản thừa kế. Án sơ thẩm chia cho ông T., buộc ông trả giá trị cho các đồng thừa kế là thiếu cơ sở khách quan, trái quy định pháp luật.
Từ đó, tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, sửa án sơ thẩm, bà X. và hai con là hàng thừa kế thứ nhất của chồng bà X. được sử dụng hơn 1.500 m2 (diện tích thực tế theo giấy chứng nhận đứng tên chồng bà X.). Tòa buộc ông T. phải giao trả lại cho mẹ con bà X. hai phần đất đang bao chiếm… Ngoài ra, tòa cũng bác yêu cầu phản tố của ông T. và yêu cầu độc lập của các anh em ông T. về việc chia thừa kế diện tích đất của chồng bà X. Phần diện tích nằm ngoài giấy chứng nhận tách ra thành vụ kiện khác khi các đương sự có yêu cầu.