NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH THỜI HẠN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THI HÀNH ÁN HÀNH CHÍNH VÀ XỬ LÝ TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI NGƯỜI KHÔNG THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật tố tụng hành chính ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính; biện pháp xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành án hành chính.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hành chính; cơ quan thi hành án dân sự; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác thi hành án hành chính.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Thi hành án hành chính là việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành quy định tại Điều 309 Luật tố tụng hành chính, trừ quyết định về phần tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.
2. Đương sự bao gồm người được thi hành án, người phải thi hành án.
3. Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền lợi trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành.
4. Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính được thi hành.
5. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án hành chính.
6. Chậm thi hành án là hành vi cố ý của người phải thi hành án không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính trong thời hạn tự nguyện thi hành án quy định tại khoản 2 Điều 311 Luật tố tụng hành chính.
7. Không chấp hành án là hành vi cố ý của người phải thi hành án không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính khi đã có quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án (sau đây gọi là quyết định buộc thi hành án hành chính) hoặc có biên bản yêu cầu tổ chức thi hành án của Chấp hành viên theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định này.
8. Cản trở việc thi hành án là hành vi trái pháp luật tác động đến quá trình thi hành án dẫn đến chậm thi hành, không thi hành hoặc thi hành không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án.
9. Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng trong thi hành án hành chính là trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức nơi cán bộ, công chức, viên chức đang công tác hoặc gây thiệt hại về tiền, tài sản phải bồi thường một lần có giá trị dưới 20 triệu đồng.
10. Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng trong thi hành án hành chính là trường hợp vi phạm làm giảm uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức nơi cán bộ, công chức, viên chức đang công tác hoặc gây thiệt hại về tiền, tài sản phải bồi thường một lần có giá trị từ 20 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.