Tiêu chí Văn phòng Luật sư Xuân Lâm chúng tôi là:

– Uy tín

– Chuyên nghiệp

– Hiệu quả cùng có lợi

Ông Danh lấy tiền từ ngân hàng ông Trầm Bê trả cho BIDV

Ông Danh lấy tiền từ ngân hàng ông Trầm Bê trả cho BIDV

(PL)- Tại tòa, ông Phạm Công Danh luôn có nhiều lời khai theo hướng bênh vực cho ông Trầm Bê.

Ngày 11-1, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án Phạm Công Danh(giai đoạn 2), Trầm Bê và đồng phạm cố ý làm trái quy định gây thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng.

Phần xét hỏi, HĐXX tiếp tục làm rõ về hành vi bị cáo Trầm Bê và Phan Huy Khang (lãnh đạo cấp cao tại Sacombank) ký duyệt cho sáu công ty ma của Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ đồng dẫn đến việc Ngân hàng xây dựng (VNCB) thiệt hại 1.835 tỉ đồng.

Mối quan hệ ngàn tỉ

Trả lời luật sư, ông Bê thừa nhận có gặp bị cáo Danh hai lần. Cụ thể thì bị cáo không nhớ nhưng mỗi lần gặp khoảng trên dưới 30 phút. Trước đó, trả lời HĐXX về mối quan hệ giữa hai bên, ông Bê nói: “Tôi và ông Danh có quen biết từ khi tôi còn làm ở Ngân hàng Phương Nam. Tôi làm lãnh đạo ngân hàng và khi quyết định cho vay cả ngàn tỉ mà nói không quen biết sao được…”.

Theo lời ông Bê, khi gặp ông Danh đề xuất vay khoảng 2.000 tỉ đồng thì ông đòi phải có tài sản thế chấp là bất động sản, tiền gửi mới cho vay. Sau đó ông giao cho bị cáo Phan Huy Khang thực hiện theo quy định.

Ông cũng lý giải vì sao ông Danh phải gặp mình. Bị cáo này nói: “Vì Sacombank phân cấp theo hạn mức của từng mức. Ví dụ, chi nhánh 10 tỉ đồng thì xử lý thuộc hạn mức. Mức dưới 1.800 tỉ đồng là thuộc thẩm quyền của tôi, còn trên mức đó phải trình hội đồng tín dụng mới cho vay. Chính vì thế anh Danh mới phải gặp tôi trước…”.

Ông Bê cũng cho là không biết việc VNCB đang bị giám sát đặc biệt, nếu biết thì không cho vay hoặc phải có ý kiến của tổ giám sát đặc biệt.

Tại tòa, tổ giám định Ngân hàng Nhà nước cũng trả lời các luật sư là ba ngân hàng (Sacombank, TPBank, BIDV) cho ông Danh vay khi không biết VNCB đang trong tình trạng bị kiểm soát đặc biệt. Vì lúc này VNCB chỉ mới ở tình trạng bị giám sát tại tổ giám sát.

Ông Danh lấy tiền từ ngân hàng ông Trầm Bê trả cho BIDV - ảnh 1
Bị cáo Phạm Công Danh tại tòa. Ảnh: QUỐC VŨ

Ông Danh xác định lời khai của ông Trầm Bê và cả bị cáo Khang là chính xác. Lời khai bị cáo Khang trình bày chi tiết ba lần Danh sang gặp người của Sacombank là đúng. Đồng thời, ông Danh cũng đồng tình với thuộc cấp là bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) rằng: “Các anh bên Sacombank không biết nội tình các khoản vay”.

Ông Danh nói: “Thưa tòa, tôi không biết họ có biết hay không nhưng tôi xác nhận lời khai của họ là đúng”.

Với ông Trầm Bê, ông Danh nói: “Khi tôi gặp, ông Bê cũng chỉ nói là các công ty cung cấp dịch vụ liên quan bất động sản đang có nhu cầu cung ứng vật liệu xây dựng và muốn vay vốn ngân hàng”.

Tòa truy nguồn tiền trả nợ cho BIDV

Trả lời về việc sau khi được Sacombank giải ngân 1.800 tỉ đồng, ông Danh khai không nhớ mình sử dụng cho việc gì nhưng khẳng định có dùng trả cho BIDV.

Người liên quan trong vụ án là ông Đoàn Ánh Sáng (Phó Tổng Giám đốc BIDV) xuất hiện tại phiên xử muộn với lý do mới nhận giấy triệu tập. Ông Sáng là người ký hai hợp đồng tín dụng cho ông Danh vay 1.700 tỉ đồng.

Khi đại diện VKS hỏi, ông Sáng khai là vào thời điểm cho vay thì chủ thể vay là pháp nhân Tập đoàn Thiên Thanh, không phải cá nhân ông Danh vay tiền. Và tài sản đảm bảo có năm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của năm công ty. Ông Sáng cũng xác nhận các khoản vay, ông Danh đã tất toán. Theo đó, đến kỳ hạn nợ, BIDV thu tiền từ tài sản đảm bảo là tiền gửi của Tập đoàn Thiên Thanh mở tại Sở giao dịch 2 BIDV.

Đại diện VKS hỏi ông Sáng: “Nguồn tiền trả trên là nguồn tiền do phạm tội mà có bằng cách rút tiền bất hợp pháp từ VNCB vay Sacombank 1.800 tỉ đồng để trả cho BIDV. Vậy ông suy nghĩ như thế nào về việc khắc phục hậu quả này?”.

Ông Sáng đáp: “Chúng tôi không biết được nguồn từ đâu mà có, tiền về tài khoản doanh nghiệp đang mở tại ngân hàng chúng tôi thì chúng tôi trích để thu hồi nợ”.

Cuối cùng VKS nhấn mạnh tòa đã có giấy triệu tập các ông, đề nghị các ông có mặt thường xuyên tại tòa để hỗ trợ xác minh làm rõ vụ việc. Ngoài ra, theo VKS, cơ quan tố tụng đã truy ra đường đi của nguồn tiền để trả nợ cho BIDV. Sắp tới việc xử lý như thế nào thì các cơ quan tố tụng sẽ xem xét…

Tòa không chấp nhận luật sư của hai người liên quan

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, trong vụ án này các bị cáo Hoàng Long Hà, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Vũ Bảo (thuộc BIDV Chi nhánh Gia Định) đã bị truy tố là đồng phạm với ông Danh về tội cố ý làm trái.

Cáo trạng nêu một số cá nhân tại BIDV có một số sai phạm. Nhưng kết quả giám định thiệt hại của đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước xác định: Thiệt hại không xảy ra tại BIDV nên các cá nhân liên quan không phạm tội vi phạm quy định về cho vay…

CQĐT cũng cho rằng những người này chưa đủ căn cứ để xác định vai trò đồng phạm với ông Danh. Vì vậy, ngày 26-10-2017, CQĐT đã có đề nghị kiểm điểm và xử lý hành chính đối với cán bộ liên quan tại BIDV. Trong đó có ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng phân ban Quản lý rủi ro Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV) và hai phó tổng giám đốc Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang…

Tuy nhiên, để đảm bảo việc giải quyết án khách quan, toàn diện, không oan sai, không bỏ lọt tội, HĐXX và VKS đã triệu tập họ đến tòa để làm rõ hành vi, trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, nếu có căn cứ sẽ tiếp tục xử lý.

Ông Hà có đơn xin vắng mặt do bị bệnh ung thư gan, đang điều trị tại bệnh viện và hiện HĐXX chưa có ý kiến chấp thuận hay không. Còn hai phó tổng giám đốc nêu trên cũng nhờ luật sư đến tòa để làm thủ tục bảo vệ quyền lợi cho mình tại tòa. Tuy nhiên, thời điểm nhờ luật sư liên hệ với tòa đã là ngày xét xử thứ ba (vào chiều 10-1) nên HĐXX không chấp thuận.

HOÀNG YẾN
Theo báo Pháp luật

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ XUÂN LÂM

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến: 0903 918 848

Số điện thoại Luật sư Lâm: 0903 918 848

Trụ sở: 250A Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM

Email: lxlamlaw@gmail.com- Website: www.luatsulam.com.vn