TTO – Đối chất trước tòa, bị cáo Vũ Hồng Chương khai đã báo ông Đinh La Thăng rằng hợp đồng 33 sai quy định nhưng ông Thăng nói: “Tôi không biết, các anh phải làm sao chuyển tiền tạm ứng cho PVC thực hiện dự án.”
Ngày 9-1, phiên tòa xét xử vụ án tham ô, cố ý làm trái gây thiệt hại 119 tỉ đồng cho Tập đoàn dầu khí PVN tiếp tục với phần thẩm vấn hai bị cáo được quan tâm nhất trong vụ án là bị cáo Đinh La Thăng – nguyên chủ tịch HĐQT PVN và Trịnh Xuân Thanh – nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Ông Đinh La Thăng: Căn cứ vào năng lực và thực tiễn của PVC
Hội đồng xét xử (HĐXX) đã xét hỏi bị cáo Đinh La Thăng về việc chỉ định thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 cho PVC, khi năng lực của doanh nghiệp này rất yếu kém.
Trả lời câu hỏi có nắm được năng lực tài chính và kinh nghiệm của PVC không mà lại chỉ định thầu cho đơn vị này, ông Đinh La Thăng khẳng định việc chỉ định thầu đối với các đơn vị thành viên của PVN là “do chủ trương của Bộ Chính trị”!
Nói rõ về việc này, ông Thăng khẳng định trong kết luận của Bộ Chính trị về tiến độ phát triển của PVN, với mong muốn phát triển PVN thành tập đoàn kinh tế mạnh.
Bởi vậy, việc triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị là để phát triển kinh tế, Chính phủ cho phép PVN chỉ định thầu đối với các đơn vị thành viên.
Từ chủ trương này, tập đoàn phát triển xuống các công ty con trong đó có PVC để xây dựng thành 1 đơn vị xây lắp dầu khí mạnh. Sau đó có sự đồng ý của Chính phủ thì PVN cho PVC làm tổng thầu.
Chủ tọa hỏi ông Thăng về việc ký chủ trương cho PVC làm tổng thầu và liên doanh tổng thầu, ông Thăng khẳng định giao cho Tổng giám đốc PVC triển khai cho các thành viên của PVC, căn cứ vào tờ trình của PVC thì chủ tịch HĐTV PVN có quyết định.
Về việc bị cáo Thăng có những quyết định nào chỉ định thầu cho PVC, ông Thăng khẳng định khi PVC là tổng thầu nhưng có liên doanh với Lilama.
Chủ tọa hỏi căn cứ nào để giao PVC làm tổng thầu? Ông Thăng khẳng định việc chọn lựa đối tác nước ngoài là khó cho Việt Nam. Còn năng lực tài chính và kinh nghiệm thì ông Thăng khẳng định thời điểm đó PVC có đủ.
PVC đã thi công hàng trăm công trình rồi chứ không chỉ có công trình nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Về năng lực tài chính, ông Thăng cho rằng dựa vào các báo cáo của PVC và các bộ phận giúp việc của PVN báo cáo. Do đó, căn cứ vào năng lực và thực tiễn của PVC nên bị cáo đồng ý về nguyên tắc. “Năm 2010, PVN đã bán bớt cổ phần của PVC thu được tiền”. Ông Thăng nói.
“Khi PVC ký hợp đồng 33 thì PVC đã có các đánh giá, hồ sơ chưa?” – chủ tọa hỏi ông Thăng.
Ông Thăng nói: “Trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư và tổng thầu, vì việc ký kết hợp đồng đó bị cáo không chỉ đạo ký hợp đồng”.
“Về nguyên tắc, việc đồng ý chỉ định thầu trên cơ sở chất lượng, năng lực của đơn vị. Bị cáo cho rằng PVC đủ năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm thì có kiểm tra các báo cáo không?” – chủ tọa hỏi tiếp.
“HĐTV làm việc thì có bộ máy giúp việc của tập đoàn, căn cứ vào các tờ trình, báo cáo của chủ đầu tư thì đồng ý về mặt chủ trương nên giao cho tổng giám đốc trực tiếp chỉ đạo”, ông Thăng trả lời.
Chủ tọa: “Tại sao theo nghị quyết của PVN nêu rõ PVC là tổng thầu liên doanh, nhưng công văn do bị cáo ký lại làm ngược lại rằng chỉ PVC làm tổng thầu?”
Bị cáo Đinh La Thăng: “Cảm ơn chủ tọa đã có câu hỏi này. Đối với tổng thầu và liên doanh tổng thầu có phạm vi khác nhau nhưng phần nước ngoài thực hiện là nước ngoài thiết kế.
Việc bị cáo ký liên doanh tổng thầu, là căn cứ vào một văn bản trước đó của HĐTV ban hành, sau đó bị cáo tiếp tục thực hiện”.
Chủ tọa truy tiếp: “Căn cứ vào đâu ngày 1-3-2011 sẽ khởi công?”. Ông Đinh La Thăng đáp: “Căn cứ vào báo cáo của chủ đầu tư và bị cáo đồng ý, khi PVPower cho rằng có đủ năng lực khởi công nên bị cáo đồng ý”.
Chủ tọa: “Ngày 24-2-2011 bị cáo ký báo cáo hiệu chỉnh đầu tư, rõ ràng bị cáo nhận thức được rằng báo cáo chưa đầy đủ, vậy làm sao triển khai được?”
Ông Đinh La Thăng: “PVN đã triển khai hàng trăm công trình khắp nơi chứ không chỉ có Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Do đó, để đảm bảo chất lượng tiến độ, tập đoàn luôn chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện đồng thời nhiều việc”.
Ông Thăng khai gì khi chỉ đạo ứng tiền hợp đồng 33?
Liên quan đến số tiền hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỉ đã ứng cho PVC thực hiện dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thăng khẳng định đã chỉ đạo rõ số tiền này chỉ được sử dụng cho dự án không được dùng vào mục đích khác.
Khi tòa đặt vấn đề hợp đồng 33 chưa đủ điều kiện mà bị cáo đã cho tạm ứng 10% giá trị hợp đồng như vậy có đúng không? Ông Thăng trả lời: “Lúc đó bị cáo chưa biết gì về hợp đồng 33 cả”.
Trước câu trả lời trên HĐXX gọi ông Ninh Văn Quỳnh lên cho đối chất. “Hôm qua bị cáo khai quá trình rà soát hợp đồng 33 thấy nhiều thủ tục thiếu sót, việc này bị cáo báo cáo lãnh đạo tập đoàn” – chủ tọa hỏi bị cáo Quỳnh.
“Bị cáo chỉ báo cáo nội dung hợp đồng 33 với anh Thăng còn một số nội dung khiếm khuyết của hợp đồng thì báo cáo trực tiếp với ông Nguyễn Xuân Sơn” – ông Quỳnh khai.
Tòa tiếp tục cho gọi bị cáo Vũ Hồng Chương lên đối chất.
“Đã báo với anh Thăng hợp đồng 33 không đúng quy định”
Ông Chương khai tại cuộc họp ngày 31-3-2011, ông Đinh La Thăng chỉ đạo ban quản lý dự án rà soát lại nội dung hợp đồng 33 để ký lại hợp đồng điều chỉnh chủ thể.
Đến cuộc họp ngày 1-6, ông Thăng yêu cầu hoàn thành sớm thiết kế tổng thể và sớm thực hiện việc tạm ứng 10% giá trị hợp đồng cho dự án.
Trái với lời khai của ông Thăng về việc “không biết đến hợp đồng 33”, bị cáo Chương khẳng định đã báo cáo nội dung hợp đồng 33 không đúng quy định.
“Bị cáo được anh Thăng gọi lên phòng hỏi tại sao không làm văn bản chuyển tiền tạm ứng cho PVC. Bị cáo bảo anh xem lại hợp đồng 33 có không phù hợp quy định, không đúng với nghị định 48 của chính phủ, đề nghị Tập đoàn hướng dẫn ban quản lý thực hiện theo đúng quy định.
Khi đó anh Thăng đã cho gọi anh Sơn, anh Khánh lên phòng. Khi anh Sơn lên hỏi tại sao không chuyển tiền. Bị cáo trả lời rằng mới ký hợp đồng chuyển đổi chủ thể, hợp đồng có 2 trang chưa có phòng ban ký nháy vào đó chưa đủ điều kiện”, ông Chương khai.
Bị cáo Chương tiếp tục khai về chỉ đạo của ông Thăng: “Lúc đó anh Thăng vội đi đâu và nói tôi không biết, các anh phải làm sao chuyển tiền tạm ứng cho PVC thực hiện dự án”.
HĐXX hỏi ông Thăng: “Bị cáo thấy thế nào về lời khai của bị cáo Chương?”
-“Bị cáo tôn trọng lời khai của bị cáo Chương” – ông Thăng nói.
“Bị cáo nóng vội dẫn đến vi phạm quy trình”
HĐXX hỏi lại ông Thăng về việc chỉ định PVC làm tổng thầu có đúng không, ông Thăng nói: đúng về chủ trương vì có quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2009 chứ không phải năm 2011 mới chỉ định.
“Quá trình điều tra, bị cáo nhận trách nhiệm là người đứng đầu đối với nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Hôm nay, bị cáo thấy việc do có lúc nóng vội dẫn đến vi phạm quy trình thủ tục nên bị cáo nhận trách nhiệm”, ông Thăng khai nhận.
Tòa cho cách ly bị cáo Đinh La Thăng và xét hỏi các bị cáo khác.
Đang trên bờ phá sản, được chỉ định gói thầu ngàn tỉ
Trong khi đó, ngay đầu giờ sáng, tòa đã xét hỏi bị cáo Trịnh Xuân Thanh về việc thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và bị cáo Thăng đã thừa nhận khi được chỉ định thầu, PVC đang thua lỗ.
Trịnh Xuân Thanh thừa nhận năng lực của PCV chưa đủ, nhưng Thanh “mừng vì có công trình thì có công việc cho anh em”.
Bị cáo Thanh khai với vai trò là chủ tịch HĐQT PVC: về tài chính năm 2011, tại thời điểm theo kiểm toán và các báo cáo kiểm toán của nhà nước thì PVC vào năm 2009 có lãi nhưng lúc ấy đã tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ.
Khi chuyển về thì không có vốn mà không chuyển nợ, do đó số tiền đầu tư vượt lên PVC không đủ vốn. Về việc vay ngân hàng, vay vốn để góp vào đơn vị nhiều vậy nên đầu năm 2011 đã thông qua kế hoạch tăng vốn lên 4.500 tỉ.
Về việc chỉ định thầu, Thanh khai vào thời điểm PVN chỉ định cho PVC thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 thì bị cáo rất mừng, bị cáo có liên hệ với nhà thầu nước ngoài để đề xuất với PVN.
Mặc dù bị cáo biết năng lực của PVC chưa đủ nhưng bị cáo rất mong muốn được thực hiện dự án này.
Trước đó, PVC đã liên doanh với một doanh nghiệp khác Lilama với số tiền hàng trăm triệu đôla. Sau đó PVN tiếp tục chỉ đạo PVC liên doanh với Lilama để thực hiện dự án nhiệt điện Thái Bình 2.
“Bản thân bị cáo thấy rằng trong bối cảnh đó cũng muốn đẩy nhanh tiến độ, nên anh Thăng có đề nghị các cá nhân tổ chức đẩy nhanh tiến độ tư vấn để làm nhanh” – Thanh nói.
Việc PVN chỉ định PVC thì lúc đó theo luật dù theo cách nào cũng vẫn là cách PVC thuê các chuyên gia nước ngoài.
Thời điểm như vậy, một đơn vị xây lắp mà mà nhận được công trình thì mừng, vì đang khó khăn mà lại có việc để làm. Bản thân bị cáo dù biết PVC chưa đủ năng lực nhưng cũng muốn cố gắng để giải quyết công ăn việc làm cho nhân công.
Theo bản cáo trạng, từ tháng 12-2007 ông Đinh La Thăng đã đưa Trịnh Xuân Thanh từ Tổng công ty Sông Hồng về làm tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT của PVC, đồng thời tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho PVC hoạt động.
Khi PVC lâm vào khó khăn, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng đã chỉ định PVC thực hiện gói thầu một số hạng mục tại dự án.
Từ việc ký kết các hợp đồng này, ông Thăng tiếp tục chỉ đạo PVN tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỉ đồng cho PVC. Sau đó, các bị cáo tại PVC đã làm khống hồ sơ để rút 1.115 tỉ đồng và sử dụng sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỉ.
HOÀNG ĐIỆP – THÂN HOÀN
Theo báo Tuổi trẻ