(PL)- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh như thế khi trực tiếp thị sát và làm việc với Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân.
Ngày 15-12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với các chủ đầu tư tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận).
Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác đã trực tiếp đến thị sát khu lấn biển của bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân, nơi đang nhận chứa gần 1 triệu m3 bùn nạo vét từ bến cảng chuyên dùng của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Phải đánh giá tổng thể môi trường cả khu vực
Đối với cảng tổng hợp Vĩnh Tân, Phó Thủ tướng yêu cầu quá trình san lấp phải được kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra sự cố. Cùng với đó, cảng cần đầu tư trang thiết bị, công nghệ quản lý cảng, bốc dỡ hàng hóa hiện đại, đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu hoạt động của các nhà máy nhiệt điện, vừa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo Phó Thủ tướng, Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân ở gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau, nơi có hệ sinh thái đặc biệt quan trọng và có vùng tôm giống Vĩnh Tân nổi tiếng để cung cấp cho cả nước. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về môi trường.
Đánh giá cao Bộ TN&MT đã rất cầu thị, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, người dân để chuyển đổi phương án nhận chìm bùn cát nạo vét bằng việc sử dụng chúng vào công dụng khác, Phó Thủ tướng yêu cầu cần sớm có đánh giá tổng thể tác động môi trường của cả khu vực. “Phải có đánh giá tổng thể môi trường trong cả khu vực, không chỉ riêng từng nhà máy. Giao Bộ TN&MT chịu trách nhiệm kiểm soát, đảm bảo an toàn môi trường trong khu vực” – Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Cụ thể, phải kiểm soát chặt chẽ nước thải, nhiệt độ nước thải trước khi thải ra biển theo đúng quy định, đảm bảo không xảy ra sự cố. Về xỉ thải, Phó Thủ tướng yêu cầu phải được xử lý và sử dụng làm vật liệu xây dựng thay thế vật liệu xây dựng truyền thống, vật liệu san nền, thậm chí là các loại vật liệu bảo vệ bờ biển.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp thị sát khu chứa 1 triệu m3 bùn nạo vét tại cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Ảnh: CTV
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Bộ KH&CN sớm có công bố các tiêu chuẩn chất lượng để đảm bảo xử lý toàn bộ tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện nói chung, Nhiệt điện Vĩnh Tân nói riêng.
Về khí thải, Phó Thủ tướng yêu cầu phải được xử lý trước khi thải ra môi trường, do đó các nhà máy cần phải đặc biệt chú ý đến công nghệ xử lý.
Cần quan tâm hơn đến sinh kế của người dân
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu phải đảm bảo chất lượng cho các nhà máy; yêu cầu các nhà thầu tiếp tục tập trung nhân lực, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý phải quan tâm hơn đến kế sinh nhai của người dân – nơi được coi là dự án nhiệt điện lớn nhất cả nước. Theo ông, người dân địa phương đã dành đất cho dự án, hỗ trợ dự án, sống chung với dự án. “Họ giúp chúng ta có được dự án này, đồng thời cũng có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự” – Phó Thủ tướng nói về vai trò của người dân địa phương. Từ đó ông yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện tại trung tâm này phải có báo cáo tổng thể về mức hỗ trợ địa phương để trình Chính phủ xem xét lại.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu phải có ban quản lý tổng thể khu vực Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân để quản lý tổng thể hạ tầng, trong đó có hạ tầng xả thải; điều phối sản xuất chung của các nhà máy… Ban quản lý hoạt động lâu dài cùng với dự án, đây sẽ là đầu mối quản lý, điều tiết chung của tất cả nhà máy.
“Khu đầu tư 10 tỉ USD mà không có ban quản lý thì không thể nào kiểm soát được. Phải có một cơ quan để điều phối, kiểm soát chung. EVN chủ động triển khai, có báo cáo cụ thể. Việc quan trắc môi trường, không phải cứ chuyển đến Sở TN&MT là xong, mà trước hết phải kiểm soát, giám sát được ngay tại chỗ” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phối hợp điều chỉnh quy hoạch titan Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Chính phủ đã có cuộc làm việc với tỉnh Bình Thuận. Chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng yêu cầu Bình Thuận cần tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và cơ cấu nội ngành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. “Phát triển công nghiệp cần tập trung đi sâu vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, nhất là năng lượng, ưu tiên năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), tuyệt đối không để ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh. “Tỉnh cần tập trung và huy động các nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, trước hết là hạ tầng giao thông (đường cao tốc, đường ven biển), hạ tầng đô thị và hạ tầng du lịch. Quan tâm kêu gọi nhà đầu tư lớn đầu tư vào hạ tầng du lịch, tạo bước đột phá, đồng thời thu hút nhiều nhà đầu tư nhỏ nhằm phát triển toàn diện ngành du lịch của tỉnh” – Phó Thủ tướng nói. Ông cũng đề nghị tỉnh phối hợp tốt với các bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá để điều chỉnh Quy hoạch dự trữ, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan. Theo đó, phải có bước đi và lộ trình hợp lý để bảo đảm khả thi, hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển hài hòa với các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội có liên quan trên địa bàn. “Bình Thuận cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ vướng mắc, rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp” – Phó Thủ tướng yêu cầu. |