Năm 2017, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn vốn và tài sản Nhà nước được phát hiện và xử lý kịp thời. Đồng thời, qua công tác kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến một số cá nhân vi phạm, đã thi hành kỷ luật, xử lý nghiêm, được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đánh giá về tình hình tham nhũng, tại các văn kiện, nghị quyết của Đảng cũng như phản ánh của người dân và doanh nghiệp, thì “tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng”.
Ông Phạm Anh Tuấn (ảnh), nguyên Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương trao đổi với phóng viên về những giải pháp PCTN, trong đó có công tác xây dựng, hoàn thiện dự án Luật PCTN sửa đổi.
Thưa ông, báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp vừa rồi, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, năm 2017, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện và xử lý kịp thời; củng cố niềm tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Mặc dù vậy, tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi trong khi công tác PCTN còn nhiều hạn chế đã tồn tại qua nhiều năm. Ông có chia sẻ nhận định này và có bình luận gì về những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế đó?
Đúng là kết quả đấu tranh PCTN chưa đạt như chúng ta mong muốn. Thực tế, đấu tranh PCTN là một công cuộc phải làm thường xuyên, liên tục, vì nói gì thì nói, hiện tượng tiêu cực này luôn tiềm ẩn, song hành trong đời sống kinh tế xã hội, ngay cả ở những quốc gia phát triển nhất.
Có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách trên một số lĩnh vực vẫn còn sơ hở, một số văn bản pháp luật quy định chưa rõ ràng, thiếu khả thi, chồng chéo. Đó là lý do chúng ta đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật PCTN mà Quốc hội vừa cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4.
Thứ hai, việc tổ chức thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức đơn vị hiệu quả thấp, tác dụng hạn chế; công tác tự phát hiện tham nhũng hầu như rất ít. Và cũng phải nói thẳng thắn với nhau là hiệu quả hoạt động của một số cơ quan đơn vị có chức năng PCTN, nhất là mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng cũng chưa đáp ứng yêu cầu; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương chưa thực sự mạnh mẽ và quyết liệt.
Nhưng tôi cho rằng có một điều rất quan trọng cần nhấn mạnh, đó là PCTN là công cuộc của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội, tất cả phải đồng lòng, thực tâm và quyết tâm thì mới đạt được những kết quả tốt.
Vâng, ngay khâu đầu tiên là rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng đã là một thách thức rồi. Không ngẫu nhiên mà rất nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị sửa và thông qua luật theo quy trình tại 3 kỳ họp, dài hơn hẳn một kỳ so với các luật khác. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Tôi nghĩ mong muốn có được một đạo luật tốt là hoàn toàn chính đáng và tất cả các cơ quan hữu quan, thậm chí mỗi người dân, với hiểu biết và kinh nghiệm của mình, đều cần và có thể đóng góp vào nỗ lực thiết kế, hoàn thiện pháp luật. Nhưng cũng cần nói thêm rằng, khó có thể cầu toàn. Pháp luật, dù có tầm nhìn xa rộng đến đâu, cũng khó có thể bao trùm, gói ghém hết mọi vấn đề từ thực tế cuộc sống.
Theo dõi kỳ họp Quốc hội, nhiều ý kiến ĐBQH nhấn mạnh quan điểm “phòng hơn chống”. Nghĩ theo hướng đó thì một vấn đề quan trọng mà Luật sửa đổi cần làm là phải lấp các “lỗ hổng” pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập. Hiến pháp 2013 khẳng định quyền tài sản của công dân, nhưng Hiến pháp và pháp luật chỉ bảo hộ tài sản hợp pháp, còn tài sản không hợp pháp dĩ nhiên không được bảo hộ. Ở nước ta, vấn đề minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập của xã hội nói chung cũng như đối với những người có chức vụ, quyền hạn nói riêng còn nhiều bất cập. Tài sản rất dễ rơi vào trạng thái không rạch ròi, của chồng cho vợ, bố cho con…, tài sản nằm ngoài thống kê và kiểm soát của cơ quan chức năng rất lớn.
Mặt khác, cán bộ nhân viên trong cùng tổ chức, người dân cũng cần rũ bỏ tâm lý “đèn nhà ai nấy rạng”, không thực sự quan tâm hay thậm chí có phát hiện ra điểm bất hợp lý cũng chặc lưỡi bỏ qua, vì sợ đụng chạm. Cũng phải nói thêm rằng, công cụ pháp luật để PCTN không chỉ có Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự… mà đủ được. Hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế – xã hội, nhất là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; quản lý thị trường tài chính, tiền tệ; cấp phép đầu tư; đầu tư xây dựng cơ bản; giáo dục, y tế… cũng phải hoàn thiện đồng bộ; đồng thời với nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; quản lý nghiêm cán bộ công chức. Bởi vì từ một nền công vụ lỏng lẻo đến hành vi tham nhũng chỉ có một bước thôi!
PCTN phải bắt đầu từ xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó có sửa đổi Luật PCTN. Ông đánh giá như thế nào về tác dụng phát hiện, xử lý tham nhũng hiện nay?
Chúng ta nhất quán quan điểm phải chủ động, tích cực phòng ngừa, đây là giải pháp căn cơ, lâu dài. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, khi mà tham nhũng vẫn nghiêm trọng, diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp thì công tác phát hiện, xử lý tham nhũng cần được đẩy lên. Phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, hay nói cách khác, đây là công việc cần ưu tiên giải quyết trong tình hình hiện nay theo đúng kết luận của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Tập trung phát hiện, xử lý hiệu quả các vụ việc, vụ án tham nhũng sẽ được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ, có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất tốt. Đây là kinh nghiệm của hầu hết các quốc gia đã và đang PCTN hiệu quả và đây cũng là một nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Như ông nói, điều quan trọng là thực tâm, quyết tâm chống tham nhũng, thể hiện rõ nhất ở khâu tổ chức thực hiện pháp luật. Ông có thể nói rõ hơn về điểm này? – Tôi nói thật, chúng ta không đến nỗi thiếu luật đâu, mà thực chất khâu tổ chức thực hiện đang có vấn đề. Ví dụ, vấn đề kê khai tài sản thu nhập, xử lý trách nhiệm chính trị người đứng đầu; tặng quà, nộp lại quà tặng, trách nhiệm giải trình… đều đã có quy định, nhưng không ít nơi làm rất hình thức, chiếu lệ. Bên cạnh đó, công tác phát hiện tham nhũng vẫn còn đang rất khó khăn, trong đó có phần trách nhiệm tổ chức thực hiện của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Cũng có nhiều trường hợp đã phát hiện thấy có dấu hiệu tham nhũng, các cơ quan chức năng vào cuộc rồi, nhưng lại không truy đến tận cùng, gây thắc mắc, thậm chí bức xúc xã hội. Tôi rất đồng tình cách đặt vấn đề của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội là cần làm rõ hạn chế yếu kém trong PCTN hiện nay là do bất cập của pháp luật, hay ở khâu tổ chức thực hiện, xác định đâu là nguyên nhân chính để “gãi đúng chỗ ngứa”. Thực tế, nhiều quy định PCTN rất tốt, đang có hiệu lực, nhưng tổ chức thực hiện kiểu nửa vời chiếu lệ, đối phó thì khó mà đẩy lùi được tham nhũng. |
Cẩm Hà (thực hiện)