Trong hai ngày (14-15/3), TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm lần hai xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Vật liệu Xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà (Công ty Hồng Hà) và Công ty CP Phát triển Kinh tế Hà Nội (Công ty Hà Nội).
Gần giữa tháng 6/2014, vụ án được đưa ra xét xử lần một và tuyên phạt Trần Ứng Thanh (tổng giám đốc Công ty Hồng Hà), Nguyễn Đức Thắng (môi giới) cùng tù chung thân; Nguyễn Đức Lợi (em trai ông Thắng) 18 năm tù, Nguyễn Quốc Xương (cựu phó tổng giám đốc Công ty Hồng Hà) 13 năm cùng tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó, cấp Giám đốc thẩm đã hủy hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm để xác định lại tội danh của các bị cáo.
Sau bốn năm, lần sơ thẩm thứ hai này, ông Thanh đã chết nên được đình chỉ điều tra, bị cáo Xương bệnh hiểm nghèo xin xét xử vắng mặt. Cáo trạng lần này tiếp tục truy tố ba bị cáo tội danh lừa đảo.
Chiều nay (15/3), sau hai ngày xét xử, đại diện VKS đã đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Thắng tù chung thân, Lợi 18-20 năm, Xương 13-15 năm cùng tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (khoản 4, Điều 139 Bộ Luật hình sự 1999). Buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền đã chiếm đoạt.
VKS cho rằng, hậu quả vụ án xảy ra đặc biệt lớn, số tiền chiếm đoạt gần 137 tỷ đồng, do bị hại tin tưởng các giấy tờ “hợp lệ” mà nhóm bị cáo đưa ra để nộp tiền. Công tố viên đề nghị tòa xem xét một phần trách nhiệm của UBND quận Hoàn Kiếm và lãnh đạo Công ty Hồng Hà.
Hai anh em bị cáo Thắng (trái) và Lợi tại phiên sơ thẩm lần hai. |
Theo cơ quan công tố, dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại Khu đô thị mới Việt Hưng, Hà Nội, nằm trong nội dung đề xuất hình thành các dự án thuộc “Đề án giãn dân phố cổ” do UBND quận Hoàn Kiếm cùng đơn vị tư vấn soạn thảo.
Ngày 15/8/2012, Thường vụ Thành ủy thông qua và giao cho UBND thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng cho phép triển khai cơ chế đặc thù, được chỉ định nhà thầu ứng vốn xây dựng và được thi công khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ.
Việc này vẫn là chủ trương, chưa có ý kiến của Thủ tướng, UBND TP Hà Nội. Đến nay, dự án mới được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, chưa được khảo sát thiết kế kỹ thuật, lập dự toán để lựa chọn nhà thầu thi công.
Ngày 14/6/2000, UBND TP Hà Nội có Công văn số giao cho quận Hoàn Kiếm là chủ đầu tư dự án giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng; nguồn vốn thực hiện dự án, thành phố có chủ trương huy động từ các nguồn vốn ứng trước để thực hiện, doanh nghiệp sẽ thu hồi vốn sau khi quận bố trí (bán nhà) cho người dân trong khu phố cổ.
Nguyễn Đức Thắng đã tiếp thị, môi giới cho Nguyễn Đức Lợi và Trần Ứng Thanh về dự án. Thanh thỏa thuận với Thắng về việc đề nghị quận Hoàn Kiếm cho chuyển nhà đầu tư dự án (từ Công ty Hà Nội sang Công ty Hồng Hà). Nếu được, Thanh sẽ chi 7% của tổng mức đầu tư dự án (khoảng 280 tỷ đồng), trong đó Thắng và Công ty Hà Nội được hưởng 2%; còn 5% dùng để quan hệ cho Công ty Hồng Hà bỏ vốn và được thi công toàn bộ dự án, được hưởng các ưu đãi từ dự án.
Ngày 23/8/2010, UBND quận Hoàn Kiếm ra Quyết định giao cho Công ty Hồng Hà thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ, chấp thuận đề nghị của Công ty này xin được hưởng một số ưu đãi trong dự án.
Tuy nhiên, hai công ty Hồng Hà và Hà Nội lại sử dụng các văn bản, quyết định mà UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành, làm cho khách hàng tưởng rằng họ là Chủ đầu tư dự án, được phép huy động vốn để ký hợp đồng mua bán căn hộ, hợp đồng góp vốn. Công ty Hồng Hà và Hà Nội đã nhận đặt cọc của 146 người và sử dụng trái quy định tổng số tiền gần 170 tỷ đồng.
Phát hiện việc rao bán trái phép căn hộ khu nhà ở giãn dân phố cổ Hà Nội của công ty Hồng Hà, UBND quận Hoàn Kiếm có thông báo huỷ quyết định để công ty này thực hiện dự án và khẳng định, mọi hành vi mua bán, chuyển nhượng là trái quy định.
Số tiền trên đã bị sử dụng hết. Chứng từ và sổ kế toán ghi lý do tạm ứng phục vụ dự án mới, phục vụ dự án Việt Hưng, chuyển vốn cho Ban quản lý dự án với số tiền hơn 86 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc tạm ứng này không có chứng từ hoàn ứng, cũng như không giải trình chi tiết sử dụng vào việc gì.
Đến nay, hai công ty trên chưa thực hiện bất cứ công việc gì của dự án. Phía công ty Hồng Hà mới trả lại cho khách hàng gần 33 tỷ đồng, còn gần 137 tỷ đồng, các ông Thanh, Xương, Lợi, Thắng chiếm đoạt.
Tại tòa, các bị hai nêu, khi đại diện công ty Hồng Hà là bị cáo Thanh, Xương “kêu gọi góp vốn” vào dự án, cùng với các văn bản của chính quyền, họ đã tin tưởng nộp tiền, mong muốn được mua nhà. Họ đã nộp tiền theo quy định của pháp luật và có con dấu, chứng từ hóa đơn. Các bị hại không đồng tình đề nghị của VKS buộc các bị cáo phải bồi thường, bởi khi ký hợp đồng là ký với pháp nhân (Công ty Hồng Hà).
Đại diện Công ty Hồng Hà cho hay, trước phiên xử lần thứ nhất đã cùng với các bị hại ngồi lại với nhau để giải quyết. Hồng Hà mong muốn được tiếp tục thực hiện một phần dự án, có nhà giao cho khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay, Công ty Hồng Hà không được tham gia dự án, dù công trình đã đào móng.
Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho hay, công trình thực hiện như đại diện Hồng Hà trình bày không thuộc “phần” của công ty này.
Trước diễn biến của vụ án, chủ tọa công bố sẽ nghị án kéo dài, ra phán quyết chiều 18/1.