Cơ quan Công an TP.HCM cho biết, đã có quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Trương Hồ Phương Nga (hoa hậu Phương Nga).
Theo tờ Tuổi Trẻ, Công an TP.HCM lý do đưa ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án thông báo ngày hôm nay (10/8) là bởi, trong thời hạn 30 ngày cơ quan điều tra không thực hiện kịp nội dung yêu cầu điều tra bổ sung mà tòa án đưa ra. Chính vì thế phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án để chờ kết quả giám định, xác minh những chứng cứ có liên quan trong vụ án.
Đây là vụ án đã khiến dư luận quan tâm đặc biệt bởi có quá nhiều yếu tố tình – tiền giữa đại gia và người đẹp. Thêm vào đó, trong suốt quá trình điều tra có quá nhiều những uẩn khúc, điểm bất ngờ về mặt pháp lý, đặc biệt là tại các phiên tòa xét xử.
Theo cáo trạng, khoảng tháng 7/2012, Phương Nga nói với ông Mỹ mình có nhiều bạn bè trong giới địa ốc, có thể mua nhà với giá rẻ hơn thị trường. Ông Mỹ đưa bà Nga 6 tỷ đồng để nhờ mua một căn nhà tại quận 5 nhưng bà Nga không giao nhà.Tiếp đến, bà Nga nói với ông Mỹ có căn nhà có giá 16,5 tỷ đồng ở quận 1. Lần này ông Mỹ đưa cho bà Nga 10,5 tỷ đồng. Sau khi đưa cho bà Nga tổng 16,5 tỷ đồng mà không có nhà, ông Mỹ làm đơn tố cáo với cơ quan công an.
Trước đó, ngày 21/9/2016, Phương Nga và Thùy Dung bị TAND TPHCM đưa ra xét xử về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại phiên tòa, Nga và Dung khai ra “hợp đồng tình ái” khiến dư luận “dậy sóng”. Theo đó, số tiền 16,5 tỷ đồng ông Mỹ đưa Nga không phải để mua nhà mà là số tiền ông Mỹ tự nguyện cho Nga để thực hiện “hợp đồng” quan hệ tình cảm giữa 2 người trong 7 năm.
Cả hai kêu oan và khai nhiều tình tiết mới. Phương Nga nói bị Nguyễn Mai Phương (bạn của ông Mỹ) dụ ký vào các giấy tờ biên nhận tiền để mua bán nhà. Vì bị những người này đưa vào quán karaoke đe dọa nên cô buộc phải ký… HĐXX sau đó đã trả hồ sơ để điều tra thêm.
Sau khi điều tra lại và cho các bị cáo đối chất với những người liên quan, cơ quan công tố vẫn giữ nguyên quan điểm cáo buộc Nga có hành vi gian dối lừa ông Mỹ tổng cộng 16,5 tỷ đồng. Cô còn được cho là thuê người đóng giả chủ căn nhà trên đường Nguyễn Trãi quận 1 và làm giả nhiều giấy tờ để lừa đại gia.
Đến tháng 4/2017, cáo trạng bổ sung không có gì thay đổi. Nga và Dung vẫn bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 16,5 tỉ đồng của ông Mỹ. Ngày 22/6/2017, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án.
Tại tòa các phiên tòa, có rất nhiều điểm bất thường về mặt pháp lý đã được các luật sư nêu ra và phân tích, thuyết phục được Hội đồng xét xử về những điểm bất thường, những chứng cứ mới này.
Ngày 29/6/2017, hội đồng xét xử đã quyết định, Trương Hồ Phương Nga được tại ngoại và trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều nội dung liên quan tới những chứng cứ mới, và những điểm bất thường chưa được làm rõ.
Theo luật sư Nguyễn Văn Dũ, quyết định tạm đình chỉ vụ án hoa hậu Phương Nga là điều mà các bị can và luật sư bào chữa đều không mong muốn.
Nhận định về quyết định trên, luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh và luật sư Nguyễn Văn Dũ (bào chữa cho các bị can Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung) cho rằng việc tạm đình chỉ điều tra sẽ gây khó khăn cho các bị can vì không biết được thời hạn tạm đình chỉ, do đó các bị can vẫn có thể tiếp tục bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Luật sư sẽ đề nghị đổi biện pháp ngăn chặn
LS Nguyễn Văn Quynh cho rằng quyết định tạm đình chỉ điều tra của cơ quan CSĐT Công an TP.HCM với lý do chờ kết quả giám định một số nội dung TAND TP.HCM yêu cầu làm rõ là có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003.
Tuy nhiên, luật cũng quy định việc tạm đình chỉ điều tra sẽ được tiếp tục cho đến khi có kết quả giám định, không quy định thời hạn được phép tạm đình chỉ điều tra.
“Do đó, việc tạm đình chỉ này sẽ gây khó khăn cho các thân chủ của tôi vì có thể họ sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn ‘Cấm đi khỏi nơi cư trú’ không biết là trong bao lâu nữa. Tôi và các luật sư sẽ nghiên cứu việc khiếu nại quyết định này của cơ quan CSĐT Công an TP.HCM”, LS Quynh cho biết.
LS Nguyễn Văn Quynh cho rằng ngay khi chính thức nhận được quyết định tạm đình chỉ điều tra, ông và các luật sư bào chữa cho Phương Nga và Thùy Dung sẽ đề nghị bỏ biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với hai bị can, thay đổi bằng biện pháp “Cấm xuất cảnh”.
Hai bị can Phương Nga và Thùy Dung đang bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Ảnh: Hải An. |
Theo LS Nguyễn Văn Dũ, khi đã có quyết định tạm đình chỉ điều tra thì việc có hủy bỏ biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú” hay không là tuỳ quan điểm của cơ quan Cảnh sát điều tra PC44, căn cứ theo điều 94, Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Về lý do tạm đình chỉ điều tra, LS Dũ cho rằng rất khó để cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ đến 9 nội dung TAND TP.HCM yêu cầu chỉ trong thời gian một tháng. Do vậy, bước tạm đình chỉ có thể là một phương án nhằm kéo dài thời gian điều tra.
“Để tạm đình chỉ điều tra, PC44 phải có quyết định trưng cầu giám định. Trong trường hợp này, khả năng cao là giám định chữ viết trên bức thư nylon”, LS Dũ dự đoán.
Cần xem lại 9 nội dung toà yêu cầu làm rõ
LS Nguyễn Văn Quynh không đồng tình với 9 nội dung TAND TP.HCM yêu cầu cơ quan PC44 điều tra bổ sung. Ông cho rằng một số nội dung đã được làm rõ trong phiên tòa sơ thẩm lần 2.
Việc điều tra vấn đề thông cung, làm sai lệch hồ sơ vụ án trong mọi hoạt động tư pháp là thẩm quyền của Cục điều tra VKSND Tối cao
LS Quynh cho rằng khi thẩm vấn Cao Toàn Mỹ, ông cũng đã làm rõ việc ngụy tạo chứng cứ mua bán căn nhà số 7, đường Nguyễn Trãi. Theo đó ông Cao Toàn Mỹ đã 2 lần thừa nhận sau khi gửi đơn tố cáo Phương Nga, ông mới có các giấy tờ như thỏa thuận mua bán nhà, cam kết tiền,…
Phương Nga khẳng định đã ở cùng phòng với Cao Toàn Mỹ trong 17 chuyến xuất ngoại. Ảnh: Thanh Tùng |
“Việc ngụy tạo chứng cứ đã rất rõ ràng, TAND TP.HCM trả hồ sơ để tiếp tục điều tra vấn đề này là không thuyết phục. Do vậy tôi và các luật sư bào chữa cho Phương Nga và Thùy Dung đã yêu cầu đình chỉ vụ án”, LS Quynh nói.
Bên cạnh đó, theo LS Nguyễn Văn Quynh, nội dung liên quan đến dấu hiệu thông cung của Nguyễn Đức Thùy Dung và bạn trai Lữ Minh Nghĩa bằng thư nylon không thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan CSĐT Công an TP.HCM.
Việc điều tra vấn đề thông cung, làm sai lệch hồ sơ vụ án trong mọi hoạt động tư pháp là thẩm quyền của Cục điều tra VKSND Tối cao; do đó phải chuyển toàn bộ hồ sơ cho Cục điều tra VKSND Tối cao để làm rõ.
Lý giải thêm về quyết định tạm đình chỉ điều tra của cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo điều 160, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003, cơ quan điều tra có quyền tạm đình chỉ điều tra trong trường hợp đã trưng cầu giám định nhưng chưa có kết quả giám định mà hết thời hạn điều tra. Việc giám định vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.
Ngoài ra, cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra phải gửi quyết định này cho VKS cùng cấp, bị can và người bị hại.
Theo nhận định của LS Huỳnh Phước Hiệp, trong trường hợp vụ án hoa hậu Phương Nga, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM có căn cứ để tạm đình chỉ điều tra. Đồng thời, khả năng rất cao là VKS cũng sẽ đồng ý với quyết định này vì chưa có kết quả giám định.
“Việc tạm đình chỉ điều tra có thể là một thủ tục để PC44 kéo dài thời gian điều tra. Tuy nhiên điều này có thể gây bất lợi cho các bị can trong trường hợp họ đang phải chịu biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”, LS Hiệp phân tích.
Theo ông Huỳnh Phước Hiệp, khi bị can đang thi hành biện pháp ngăn chặn “Tạm giam”, nếu cơ quan điều tra tạm đình chỉ điều tra thì sẽ phải thay đổi biện pháp ngăn chặn khác. Tuy nhiên, trường hợp này hai bị can Phương Nga và Thùy Dung đang áp dụng biện pháp “Cấm rời khỏi nơi cư trú” thì luật không quy định phải thay đổi.
Việc có thay đổi biện pháp ngăn chặn hay không là tùy thuộc vào cơ quan CSĐT xem xét có cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn đó đối với các bị can hay không.