Tiêu chí Văn phòng Luật sư Xuân Lâm chúng tôi là:

– Uy tín

– Chuyên nghiệp

– Hiệu quả cùng có lợi

Thắng bảo hiểm 1,9 tỉ nhờ tinh ý khi ký hợp đồng

Thắng bảo hiểm 1,9 tỉ nhờ tinh ý khi ký hợp đồng

(PL)- Điều đáng chú ý trong vụ việc là doanh nghiệp chủ động đưa ra điều khoản ràng buộc công ty bảo hiểm phải bồi thường nếu chậm thanh toán.

TAND quận Đống Đa (TP Hà Nội) vừa xử sơ thẩm vụ Công ty TNHH Giao nhận vận tải Đại Phát (địa chỉ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, gọi tắt là Đại Phát) kiện Tổng Công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIC) đòi bồi thường bảo hiểm. Vụ kiện này được nhiều người chú ý, đặc biệt là giới doanh nghiệp (DN) vận tải.

Điều khoản then chốt

Theo hồ sơ, tháng 3-2015, Đại Phát và MIC TP.HCM ký hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới, bao gồm các loại: bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với người thứ ba; bảo hiểm tự nguyện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với người thứ ba và hành khách trên xe; bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với hàng hóa trên xe; bảo hiểm vật chất xe cơ giới; bảo hiểm tai nạn lái xe, phụ xe và người ngồi trên xe và bảo hiểm vỏ container.

Đáng chú ý, trong hợp đồng, Đại Phát đã chủ động đưa ra điều khoản mang tính “chế tài” đối với MIC. Theo đó, khoản 6.2 của hợp đồng quy định thời gian duyệt giá bồi thường tối đa là 15 ngày đối với thiệt hại dưới 150 triệu đồng, 25 ngày với thiệt hại từ 150 triệu đồng đến 300 triệu đồng và 35 ngày với thiệt hại trên 300 triệu đồng. Trong trường hợp MIC có lỗi để thời gian duyệt giá kéo dài quá thời hạn nêu trên thì phải bồi thường cho Đại Phát 1,5 triệu đồng/ngày.

Tháng 7-2015, một tài xế của Đại Phát lái xe đầu kéo mang rơmoóc chở container hàng theo lộ trình Lâm Đồng – TP.HCM, đến khu vực đèo Mimosa (TP Đà Lạt) thì va chạm với một xe tải làm hai người trên xe tải thiệt mạng.

Sau tai nạn, Đại Phát thông báo vụ việc cho MIC Đông Đồng Nai (đơn vị được MIC TP.HCM thỏa thuận và phân công) để cử nhân viên thực hiện các thủ tục bảo hiểm. Cùng lúc, phía Đại Phát đã thăm hỏi, bồi thường 360 triệu đồng cho gia đình hai nạn nhân.

Thắng bảo hiểm 1,9 tỉ nhờ tinh ý khi ký hợp đồng - ảnh 1
Hiện trường vụ tai nạn tại đèo Mimosa. Ảnh: T.PHAN

Tiếp đó, Đại Phát yêu cầu MIC Đông Đồng Nai bồi thường tiền bảo hiểm gồm: bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với người thứ ba là 360 triệu đồng; bảo hiểm đối với hàng hóa (bắp cải) bị thiệt hại, hư hỏng là 140 triệu đồng; bảo hiểm vỏ container bị hư hại là 487 triệu đồng.

Tuy nhiên, MIC Đông Đồng Nai chỉ đồng ý số tiền bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với người thứ ba là 320 triệu đồng và từ chối bồi thường các khoản còn lại.

Phía MIC Đông Đồng Nai cho rằng nguyên nhân vụ tai nạn là do tài xế xe đầu kéo tránh xe ngược chiều không đúng quy định, chằng buộc hàng hóa không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, căn cứ vào quy tắc bảo hiểm ô tô ban hành kèm theo Quyết định số 222 của MIC về loại trừ bảo hiểm: Xe vận chuyển hàng trái phép hoặc không thực hiện các quy định về vận chuyển, xếp dỡ hàng theo quy định của pháp luật. Do vậy, tổn thất của vỏ container nằm trong điểm loại trừ.

Tòa sơ thẩm: DN thắng kiện

Không thỏa thuận được, Đại Phát đã khởi kiện MIC ra TAND quận Đống Đa (nơi MIC có trụ sở).

Tại phiên tòa sơ thẩm mới đây, đại diện Đại Phát cho rằng bản chất của từ “tai nạn” là hàm chứa sự rủi ro, là điều không ai muốn xảy ra. Chính vì không lường được những rủi ro nên công ty mới mua bảo hiểm cho tài xế, cho hàng hóa, vỏ container… Bên cạnh đó, tài xế đã chịu trách nhiệm hình sự (hai năm tù) khi gây ra tai nạn, không thể yêu cầu anh ta tiếp tục chịu trách nhiệm dân sự nữa.

Về việc MIC cho rằng hồ sơ của Đại Phát không đầy đủ, đại diện Đại Phát cho rằng sau khi nhận được hồ sơ của Đại Phát, MIC đã đồng ý bồi thường khoản tiền 320 triệu đồng, tức là đã chấp nhận các loại giấy tờ; nếu cần bổ sung gì thì phải có thông báo cụ thể.

Hơn nữa, kết luận điều tra cho thấy các móc chằng của container bị hư hỏng là tại thời điểm xảy ra tai nạn. Trước đó, xe đầu kéo, vỏ container của công ty đều được dán tem kiểm định, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và được phép lưu hành. Do vậy, MIC cho rằng lỗi thuộc về tài xế xe đầu kéo không chằng buộc hàng hóa chắc chắn là không thỏa đáng.

Từ đó, đại diện Đại Phát yêu cầu MIC phải bồi thường cho Đại Phát 300 triệu đồng tiền hư hỏng container, 140 triệu đồng tiền hư hại hàng hóa. Ngoài ra, phía bảo hiểm phải bồi thường khoản tiền do vượt quá thời hạn duyệt giá trong hợp đồng, gồm 345 triệu đồng cho tám tháng chậm trả khoản tiền 320 triệu đồng; 1,1 tỉ đồng cho hai năm chậm trả khoản tiền 440 triệu đồng nói trên. Tổng số tiền Đại Phát yêu cầu bồi thường lên đến gần 1,9 tỉ đồng.

Theo tòa, Đại Phát đã thực hiện đúng quy định về việc vận chuyển, xếp hàng hóa; phương tiện cũng như vỏ container được kiểm định đúng theo định kỳ…, do đó có cơ sở chấp nhận yêu cầu bồi thường của công ty. Ngoài ra, điều khoản bồi thường về việc chậm trả là có đầy đủ căn cứ pháp luật. Từ đó, tòa đã tuyên buộc MIC phải bồi thường cho Đại Phát gần 1,9 tỉ đồng.

Sau phiên xử, phía MIC đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ kiện có diễn tiến mới.

DN nên thỏa thuận điều khoản ràng buộc

Trao đổi với PV, đại diện Đại Phát nói mấu chốt để dẫn tới việc DN quyết tâm đeo đuổi vụ kiện chính là điều khoản ràng buộc MIC phải bồi thường 1,5 triệu đồng/ngày nếu chậm thanh toán.

Theo vị này, từ trước đến nay, việc DN đi đòi tiền các công ty bảo hiểm thường gặp khó khăn bởi phần lớn các bản hợp đồng đều được phía bảo hiểm soạn thảo sẵn, rất chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi tối đa cho họ. Hơn thế, các DN sẽ tính đến yếu tố hiệu quả là hàng đầu nên nếu dính vào các vụ việc kéo dài, khoảng cách địa lý xa xôi, chi phí đi lại tốn kém thì thường sẽ cân nhắc bỏ qua. Tuy nhiên, với điều khoản ràng buộc như đã nói, DN có đầy đủ căn cứ để yêu cầu được bồi thường và nếu càng kéo dài thì phía bảo hiểm càng chịu thêm thiệt hại.

“Các DN cần chủ động đưa ra những điều khoản tạo sự ràng buộc cũng như chế tài cho phía công ty bảo hiểm để tránh tình trạng mình phải chạy theo họ” – vị này nói.

TUYẾN PHAN
Theo Báo Pháp luật Tp. HCM

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ XUÂN LÂM

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến: 0903 918 848

Số điện thoại Luật sư Lâm: 0903 918 848

Trụ sở: 250A Nguyễn Thái Bình, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM

Email: lxlamlaw@gmail.com- Website: www.luatsulam.com.vn